Cô giáo Phạm Thị Hiền vượt khó vì học sinh

09:59 - Thứ Ba, 06/04/2021 Lượt xem: 4422 In bài viết

Dù thường xuyên phải thuốc thang điều trị bệnh nhưng cô Phạm Thị Hiền, giáo viên Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Na Cô Sa, huyện Nậm Pồ (tỉnh Điện Biên) luôn chuyên tâm với việc dạy chữ, rèn đức cho học sinh vùng khó khăn nơi đây. Nghị lực của cô Phạm Thị Hiền trở thành tấm gương sáng trong sự nghiệp “trồng người” của ngành giáo dục và đào tạo (GD và ĐT) huyện Nậm Pồ.

Cô giáo Phạm Thị Hiền hướng dẫn học sinh ở bản Huổi Thủng 3 học bài.

Theo sự giới thiệu của thầy Nguyễn Văn Quân, Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học Na Cô Sa, chúng tôi lên đường về bản Huổi Thủng 3 tìm gặp cô giáo Phạm Thị Hiền. Đã hơn bốn năm kể từ khi mổ tim và thường xuyên phải uống thuốc chống bệnh đông máu, vậy mà không việc gì của trường cô Hiền không tham gia. Trong công tác chuyên môn, cô luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ. Những ngày nghỉ học phòng, chống Covid-19 hồi tháng 4-2020, cô Hiền đã không quản ngại mưa nắng đến nhà từng học sinh giao bài, hướng dẫn các em cách học.

Thật may khi chúng tôi đến cũng vừa lúc cô Phạm Thị Hiền kết thúc buổi dạy. Dặn dò học sinh cất sách vở cẩn thận xong, cô nhanh chóng đến từng bàn lau mặt chải tóc cho các em. Vừa làm, cô vừa tâm sự: Trong đợt nghỉ giãn cách xã hội phòng, chống dịch Covid-19 vào tháng 4-2020, cô được nhà trường giao phụ trách dạy học cho 19 học sinh ở điểm bản Huổi Thủng 3. Trong số 19 học sinh, có bốn học sinh lớp 1, sáu học sinh lớp 2 và chín học sinh lớp 3. Vì học sinh không cùng khối cho nên cuối mỗi tuần cô đều dành ít nhất hai ngày chuẩn bị bài tập cho từng nhóm, sau đó đầu tuần cô lại đến từng nhà hướng dẫn, giao bài cho các em. Liên tiếp mấy tuần liền như thế, chia đều thời gian mỗi tuần dành ba hoặc bốn ngày ở bản, song cũng có khi cô ở bản cả bảy ngày vì phải lên rừng tìm học sinh. Cô Hiền tâm sự: Huổi Thủng 3 là điểm bản thuận lợi nhất trong xã, nhưng từ trung tâm xã đến được bản cũng gần 10 cây số đường rừng. Những ngày về bản tìm học sinh đều phải chuẩn bị sẵn cơm cho vào cặp lồng để đến trưa cô trò cùng ăn. Cứ như thế trong suốt những ngày nghỉ học phòng dịch, thời gian cô giáo Hiền ở bản nhiều hơn ở nhà. Sách, vở, giấy bút của học sinh cũng tự tay cô Hiền mua rồi đem vào cho từng em. Đến từng nhà của học sinh cô thêm hiểu cuộc sống khó khăn, thiếu thốn của đồng bào vùng cao để từ đó thêm nghị lực hết mình vì học sinh thân yêu.

Nói về kết quả học tập của 19 học trò được cô Hiền kèm trong kỳ nghỉ phòng dịch, thầy Nguyễn Văn Quân, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Nhờ sự tận tâm của cô Hiền mà tổng kết cuối năm cả 19 em đều đạt học lực khá; nhiều em sau kỳ nghỉ đó đã hiểu và thương thầy, cô giáo; các em đều chăm chỉ học hành hơn. Tấm lòng, cách làm của cô Hiền đã khiến nhiều phụ huynh cảm mến, đồng nghiệp trân quý và thương cô nhiều hơn.

P.V (Theo Nhân Dân)
Bình luận
Back To Top