Lỗi hẹn ngày tựu trường

06:56 - Thứ Năm, 02/09/2021 Lượt xem: 5048 In bài viết

ĐBP - Học sinh các cấp trong tỉnh ta đang nô nức tựu trường sau một kỳ nghỉ hè, nghỉ phòng, chống dịch khá dài. Trở lại trường ai nấy đều mừng vui, sẵn sàng bước vào năm học mới. Thế nhưng số học sinh đến nhận trường, nhận lớp còn vắng nhiều em. Bởi tranh thủ nghỉ hè, nhiều em xuống các tỉnh miền xuôi làm thuê nhưng dịch bệnh bùng phát, giãn cách xã hội, xe khách không hoạt động nên chưa về được địa phương.

Đoàn Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn thực hiện các thủ tục đón học sinh lớp 10 nhập học. Ảnh: Minh Thảo

Mới đây trên mạng xã hội chia sẻ thông tin về 3 học sinh lớp 10, là người huyện Tủa Chùa, đi làm thuê dịp hè tại huyện Chương Mỹ (TP. Hà Nội) bị mắc kẹt chưa trở về quê tựu trường được. Các em dự định đi bộ về đã được chốt chặn giữ lại. Đây không phải trường hợp hi hữu mà đang xảy ra đối với nhiều học sinh tỉnh ta, đặc biệt là bậc THPT thuộc các huyện Mường Ảng, Tuần Giáo, Tủa Chùa.

Tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú THPT Mường Ảng, theo nắm bắt từ giáo viên chủ nhiệm trước ngày tựu trường, có 12 học sinh do dịch bệnh chưa trở về tựu trường được. Đây đều là học sinh lên lớp 11, 12, giáo viên có kết nối thông tin, liên lạc. Còn đối với học sinh vào lớp 10, vì chưa làm thủ tục nhập học nên không có thông tin. Em Lò Văn Châu, học sinh lớp 11B2 đang kẹt lại tại Tây Hồ, Hà Nội, cho biết: “Đây là lần đầu em xuống Hà Nội cùng chú của em làm tại một xưởng sửa xe, rửa xe. Em dự định chỉ xuống 1 tháng kiếm tiền về sắm sách vở, đồ dùng năm học mới, cuối tháng 7 là về nhưng lại bị cấm xe và giãn cách, xưởng cũng đóng cửa. Em ở trong xưởng thì không mất tiền ăn, ở nhưng chuẩn bị vào năm học rồi, sợ mình vào học sau không bắt kịp các bạn”.

Để em Châu yên tâm phòng dịch, cô giáo chủ nhiệm lớp 11B2 Trương Thị Hương nhắn tin hỏi thăm hàng ngày. “Xác định Châu không kịp về nhập học, tôi bảo em liên hệ với chốt kiểm dịch (ngay trước xưởng em ở) xin hướng dẫn, đăng ký về địa phương nếu có đợt đưa công dân về. Em ngại, nhát không hỏi thì xin số điện thoại để cô trao đổi trực tiếp. Tôi cũng chỉ biết động viên nếu có thông báo gì của nhà trường thì sẽ thông báo kịp thời cho em; vào năm học chưa về được thì gửi video bài giảng cho em hoặc học online nếu có văn bản, hướng dẫn cụ thể của trường, ngành Giáo dục” - cô Trương Thị Hương cho biết.

Còn tại Trường THPT huyện Tuần Giáo có 29 học sinh đi làm ăn xa chưa trở về được do dịch bệnh. Chỉ riêng tại lớp 12C4 có 5 học sinh mắc kẹt tại các tỉnh, trong đó 1 học sinh đi Nam Định (về quê), 1 học sinh đi lao động tại Hà Nội, 3 học sinh đi làm tại Thái Nguyên. Cô Mai Thị Kim Huệ, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C4 cho biết: “Tôi thường xuyên liên hệ qua zalo, messenger với các em để nắm bắt tình hình và động viên học sinh. Các em đều lo lắng, muốn về học. Đối với 3 em ở Thái Nguyên, hiện là vùng không có dịch nhưng không có xe khách chạy nên các em chưa về được. Tôi đã động viên các em đi làm xét nghiệm Covid-19 bằng RT-PCR theo quy định của tỉnh rồi tìm xe ghép hoặc thuê taxi về, bởi đến ngày học rồi mà thời điểm này các em đã nghỉ làm, ở lại cũng chi tiêu tốn kém. Khó nhất giờ là học sinh đang ở tại huyện Đan Phượng, TP. Hà Nội”.

Hà Nội giãn cách dài ngày, “nội bất xuất, ngoại bất nhập”, lại sốt ruột mong được về nhà đi học nên học sinh hỏi cô “Hay em tìm cách lên Thái Nguyên, thuê xe đi về cùng các bạn”. Đây là tâm lý chung của nhiều học sinh đang bị kẹt tại vùng dịch. Các em đi lao động xa khi đang tuổi ăn học, hiểu biết xã hội, nhận thức pháp luật còn hạn chế. Lúc này, thầy cô càng đóng vai trò quan trọng động viên, hướng dẫn, nhắc nhở các em ở yên tại chỗ, biết cách tìm sự giúp đỡ đồ ăn, thức uống tại nơi mình ở, hạn chế đi lại để tránh lây nhiễm dịch bệnh. Cô Mai Thị Kim Huệ chia sẻ thêm: “Tôi động viên học sinh ở lại, tuyệt đối không được vượt chốt, tự ý bỏ về, lỡ không may trên đường bị lây nhiễm, xảy ra trường hợp đáng tiếc và vi phạm quy định phòng, chống dịch. Tôi bảo với em nếu trường mình khai giảng mà Hà Nội chưa hết giãn cách thì thời gian đầu sẽ tạo điều kiện để em học trực tuyến và tính các phương án tiếp theo nên em cũng yên tâm ở lại”. Em Lường Văn Ngọc là học sinh mắc kẹt tại Đan Phượng mà cô Huệ nhắc đến, chia sẻ: “Em xuống từ đầu tháng 7, làm tại nhà máy nước. Em định cuối tháng 8 về đi học nhưng Hà Nội bùng dịch không có cách nào về được. Em ở lại không làm được, về cũng không được, em sốt ruột, muốn về nhưng cô giáo nhắn, gọi trò chuyện, khuyên nhiều nên giờ em cũng yên tâm ở lại, xác định mình vào học muộn thôi. May là chỗ em ở là vùng xanh và vẫn có đồ ăn, uống”.

Theo kế hoạch, Trường THPT Tuần Giáo tựu trường ngày 1/9. Thầy Hoàng Xuân Bình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Nhà trường triển khai đến các giáo viên chủ nhiệm, sau khi tựu trường nắm bắt, thống kê số liệu chính xác học sinh không đến làm thủ tục nhập học, nhận lớp (trước đó chưa có số liệu của khối lớp 10). Lấy địa chỉ của các em, kênh thông tin liên lạc để tìm hiểu nguyên nhân, nếu học sinh bị mắc kẹt tại vùng dịch chưa trở về được thì thường xuyên cập nhật tình hình, hướng dẫn, hỗ trợ, động viên các em và thông báo cho các em thông tin năm học mới. Khi khai giảng xong, nếu các em vẫn chưa về được thì sẽ chuyển qua hình thức học trực tuyến để đảm bảo nội dung chương trình. Đối với vùng tâm dịch như Hà Nội, Bắc Giang thì có thể hỗ trợ các em liên hệ với trường THPT gần nhất tạo điều kiện tiếp nhận các em học tại đó cho đến khi hết giãn cách xã hội, có thể quay lại trường cũ (theo chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo). Đây là phương án dự phòng chứ trường sẽ cố gắng thực hiện phương án học trực tuyến để đảm bảo việc học các em không bị gián đoạn”.

Đó chỉ là 2 trong nhiều trường trên địa bàn tỉnh có học sinh đi làm thuê tại các tỉnh miền xuôi chưa thể trở về tựu trường. Con số này có thể còn lớn hơn bởi tình trạng học sinh cấp THCS, THPT bỏ học hoặc tranh thủ dịp hè đi làm ăn xa tại địa bàn tỉnh ta đã diễn ra từ lâu và đáng báo động. Lúc này ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà cùng các trường và gia đình cần có phương án để các em ở yên phòng, chống dịch cũng như giữ sức khỏe bản thân mà không bị gián đoạn việc học.

Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top