Tạo nền tảng giáo dục toàn diện

08:44 - Thứ Năm, 16/09/2021 Lượt xem: 4198 In bài viết

ĐBP- Năm học 2020 - 2021 là năm đầu triển khai chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở khối lớp 1. Với sự chuẩn bị chu đáo về mọi mặt, nhất là nỗ lực của đội ngũ cán bộ, giáo viên, chương trình đã tạo sự chuyển biến tích cực trong việc nâng cao chất lượng dạy và học; từng bước giúp học sinh hình thành, phát triển những yếu tố căn bản hài hòa cả về thể chất lẫn tinh thần. Phát huy những kết quả đó, năm học này, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh vững tin triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 2, lớp 6.

Học sinh khối lớp 6, Trường Trung học cơ sở Thanh Bình (TP. Điện Biên Phủ) học môn Mĩ thuật trong chương trình GDPT mới.

Năm học 2020 - 2021 mặc dù bị ảnh hưởng của dịch Covid-19, song ngành Giáo dục và Đào tạo cơ bản hoàn thành “mục tiêu kép” vừa tích cực tham gia phòng, chống dịch, hoàn thành kế hoạch năm học, nhất là việc triển khai chương trình GDPT mới ở khối lớp 1. Đặc biệt, quá trình triển khai chương trình mới, chất lượng học sinh lớp 1 bảo đảm theo chuẩn yêu cầu của chương trình; học sinh mạnh dạn hơn, tự tin thể hiện ý kiến, quan điểm.

Cô giáo Đinh Thị Thanh Nhàn, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Him Lam (TP. Điện Biên Phủ) chia sẻ: Quá trình giảng dạy thực tế trong năm học, chúng tôi thấy rằng, nội dung chương trình, bài giảng mới không nặng. Trước đây, có khi đến giữa học kỳ I, một số học sinh mới thuộc bảng chữ cái, nhưng khi học sách giáo khoa mới, hầu hết học sinh thuộc bảng chữ cái nhanh hơn, đọc cũng trôi chảy hơn. Mỗi ngày vào giờ học, các con đều vui vẻ, hào hứng khiến các thầy cô giáo giảng dạy rất phấn khởi.

Còn đối với Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học Trần Văn Thọ (huyện Mường Nhé), mặc dù giảng dạy trong điều kiện khó khăn hơn do thiếu về cơ sở vật chất, nhận thức, kiến thức học sinh vùng cao không đồng đều, tuy nhiên việc giảng dạy chương trình GDPT mới ở khối lớp 1 đã được nhà trường triển khai linh hoạt, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Cô giáo Đồng Thị Thúy, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Là năm đầu tiên triển khai chương trình mới nhưng đội ngũ giáo viên đã kịp thời bắt nhịp phương pháp giảng dạy thông qua các buổi tập huấn chuyên môn do các cấp tổ chức. Với phương châm “lấy học sinh làm trung tâm”, giáo viên đứng lớp luôn chủ động phát huy tính sáng tạo của học sinh qua từng bài học, môn học. Kết quả học tập cuối năm của học sinh rất khả quan, các em cơ bản đều đọc thông, viết thạo và hoàn thành tốt chương trình.

Triển khai chương trình GDPT 2018, có thể nói đến nay các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực và đạt kết quả tốt trong việc đổi mới chương trình, sách giáo khoa lớp 1. Chất lượng dạy học chuyển biến tích cực theo hướng tăng cường năng lực phẩm chất học sinh. Học sinh kể cả các em người dân tộc thiểu số cơ bản đã đọc - viết - tính toán; tự chủ, tự tin, mạnh dạn hơn trong giao tiếp và tích cực tham gia hoạt động giáo dục cùng thầy cô. Một số hoạt động khám phá, thực hành, trải nghiệm học sinh tham gia hăng say, nhiệt tình hơn so với các năm học trước. Nội dung giáo dục địa phương được lồng ghép trong các hoạt động trải nghiệm giúp học sinh thêm yêu quê hương, đất nước… Theo đánh giá của Sở Giáo dục và Đào tạo, năm học vừa qua, tổng số học sinh lớp 1 tham gia đánh giá 15.647 em, trong đó hoàn thành xuất sắc 3.782 học sinh (24,17%), hoàn thành tốt 3.778 học sinh (24,14%), hoàn thành 7.880 (50,36%); chưa hoàn thành chỉ có 207 học sinh (1,32%).

Phát huy kết quả đạt được trong quá trình triển khai chương trình GDPT 2018 ở khối lớp 1, hiện nay, toàn ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã và đang nỗ lực triển khai chương trình đối với lớp 2, lớp 6. Đặc biệt, căn cứ chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, các đơn vị trường học đã thực hiện nghiêm việc xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường, kế hoạch dạy học môn học đảm bảo phân bổ hợp lý giữa các nội dung giáo dục, giúp học sinh hoàn thành nhiệm vụ học tập, yêu cầu cần đạt, sách giáo khoa theo chương trình GDPT 2018 mới tại đơn vị; tạo điều kiện cho học sinh được học tập các môn học tự chọn và tham gia các hoạt động giáo dục nhằm thực hiện mục tiêu giáo dục toàn diện.

Ông Phạm Xuân Tiến, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Ảng cho biết: Năm học 2021 - 2022, huyện có 35 trường, 516 lớp với gần 13.500 học sinh; trong đó, cấp tiểu học có 12 trường, 232 lớp; cấp trung học cơ sở có 10 trường, 107 lớp. Để việc triển khai chương trình GDPT mới đối với lớp 2, lớp 6 hiệu quả, phòng đã cử hàng trăm lượt cán bộ, giáo viên cấp tiểu học, trung học cơ sở dự hội thảo giới thiệu sách giáo khoa lớp 2, lớp 6; tập huấn trực tuyến sử dụng sách giáo khoa lớp 6 ở 12 môn học; chỉ đạo các trường xây dựng, sắp xếp thời khóa biểu khoa học, đảm bảo hợp lý giữa nội dung dạy học và hoạt động giáo dục, phân bổ hợp lý về thời lượng, thời điểm trong ngày học phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh.

Chia sẻ về việc triển khai chương trình GDPT 2018 đối với lớp 2, lớp 6, ông Nguyễn Văn Đoạt, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Năm học 2021 - 2022, toàn tỉnh có 144 trường tiểu học, 120 trường trung học cơ sở. Để chương trình được triển khai thực chất, hiệu quả, cùng với việc tổ chức cho cán bộ, giáo viên tham gia các lớp tập huấn; Sở đã chỉ đạo các phòng giáo dục và đào tạo rà soát, sắp xếp lại hệ thống cơ sở vật chất, thiết bị dạy học đã được đầu tư nhằm đảm bảo khai thác, sử dụng hiệu quả; ưu tiên, bố trí giáo viên có năng lực nổi trội tham gia giảng dạy chương trình GDPT mới đối với khối lớp 1, lớp 2 và lớp 6. Ngoài ra, định kỳ hàng tháng, hàng quý tổ chức họp để phân tích, đánh giá những thuận lợi, khó khăn kịp thời tháo gỡ; đặc biệt, không ép buộc giáo viên phải chạy theo tiến độ. Với kết quả khả quan sau 1 năm triển khai chương trình GDPT mới ở khối lớp 1, đến nay các trường học trên địa bàn tỉnh đã bước vào năm học mới với quyết tâm hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục, đào tạo, nhất là thực hiện hiệu quả chương trình GDPT mới.

Quang Long
Bình luận
Back To Top