Thích nghi với những thay đổi năm học mới

08:34 - Thứ Sáu, 17/09/2021 Lượt xem: 3978 In bài viết

ĐBP - Năm học 2021 - 2022 bắt đầu bằng buổi lễ khai giảng đặc biệt, lần đầu tiên giáo viên và học sinh tỉnh ta trải qua, đó là khai giảng trực tuyến. Vẫn là không khí hân hoan, háo hức của ngày khai trường nhưng được diễn ra theo một hình thức khác. Tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đặt ra yêu cầu cho mỗi cán bộ, giáo viên, học sinh cần nhanh chóng thích nghi.

Học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh bắt đầu năm học mới bằng lễ khai giảng trực tuyến.

Thích nghi với phương án “học nhờ”

Do dịch bệnh bùng phát, một số khu vực trở thành “vùng đỏ” Covid-19, hoạt động vận tải khách cũng tạm dừng nên hàng trăm học sinh tỉnh ta bị mắc kẹt tại các tỉnh, thành phố khác không về địa phương học tập được. Theo hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về việc học tập tại nơi cư trú do dịch Covid-19, Sở GD&ĐT đã gửi công văn tới tất cả các sở GD&ĐT trong toàn quốc phối hợp tiếp nhận, tạo điều kiện cho học sinh Điện Biên tham gia học tập tại trường gần nơi các em đang cư trú trong thời gian phòng, chống dịch chưa thể quay trở về địa phương. Việc giải quyết nguyện vọng chuyển trường đến và đi ngoài tỉnh được thực hiện qua internet nhằm đảm bảo phòng, chống dịch. Các trường đã thông tin và hướng dẫn học sinh, phụ huynh để triển khai. Qua rà soát của Sở GD&ĐT, đến ngày 10/9, toàn tỉnh có 376 học sinh đang học ở tỉnh ngoài, thuộc cả 4 cấp học và rải rác ở nhiều địa phương: Hà Nội, Hải Dương, Hưng Yên, Quảng Ninh, Thái Bình, Vĩnh Phúc…

Em Bạc Thị Chung, lớp 12C4, Trường THPT Tuần Giáo tranh thủ hè đi Hưng Yên cùng người thân để làm thuê, kiếm thêm tiền trang trải năm học mới. Do dịch bệnh không có phương tiện đi lại nên Chung vẫn chưa về nhập học. Mới đây ngày 10/9, Chung đã làm thủ tục xin học nhờ Trường THPT Dương Quảng Hàm (huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên) gần nơi em ở. Chung chia sẻ: “Em mới xin học nhờ theo hướng dẫn và hỗ trợ của cô giáo chủ nhiệm. Tại trường mới, nhà trường rất nhiệt tình, quan tâm tiếp nhận, em không gặp khó khăn. Tuần này em mới được phân lớp và tham gia học online cùng các bạn. Em chỉ định học tạm thời thôi, khi nào có xe khách sẽ trở về địa phương nên cũng làm quen nhanh, không áp lực chuyện trường, lớp, bạn bè mới”.

Tại Trường THPT Tủa Chùa, Hiệu trưởng Nguyễn Văn Huynh cho biết: Trường có 30 học sinh đang kẹt lại các tỉnh, thành phố chưa về được. Đối với các tỉnh không thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, hầu hết học sinh đã xin học nhờ tại trường gần nơi mình ở và không có phản ánh gặp khó khăn. Còn các tỉnh đang giãn cách, học trực tuyến thì học sinh cũng khó xin học nhờ bởi nhiều em không có thiết bị học. Nhà trường chỉ đạo giáo viên hỗ trợ, trực tiếp trao đổi qua điện thoại một số thông tin, nội dung kiến thức cho học sinh. Đặc biệt với học sinh lớp 12, thầy cô vất vả hơn do đầu năm có nhiều kiến thức cần truyền đạt, song các thầy cô đều nhiệt tình và đã đi vào nền nếp.

Phương án cho mọi trường hợp

Không học nhờ được là tình trạng chung của nhiều học sinh đang bị mắc kẹt tại vùng dịch. Thầy giáo Nguyễn Thành Chi, Hiệu trưởng TrườngTHPT Mường Ảng cho biết: “Trường có 56 học sinh chưa về tham gia học tập được. Nhà trường đã chỉ đạo giáo viên liên hệ, đến từng nhà học sinh, đặc biệt là học sinh vào lớp 10 còn chưa nhập học để nắm bắt tình hình, mời phụ huynh lên trường trao đổi. Đồng thời hướng dẫn các em đăng ký học nhờ trường gần nơi cư trú, nhưng đang rất khó triển khai bởi nhiều em đi làm ở các khu xây dựng, công trường không ra ngoài được hoặc xa trường, không quen biết ai. Chúng tôi dự kiến, từ giờ đến cuối tháng có thể nhiều em trở về được sẽ tổ chức dạy bù để các em đủ kiến thức, theo kịp chương trình học. Giáo viên chủ nhiệm cũng lấy địa chỉ, rà soát điện thoại của các em để có những giải pháp học online, gửi bài giảng video hoặc trao đổi thông tin qua điện thoại”.

Trong số học sinh không thể đi học nhờ ấy của Trường có em Lò Văn Di, lớp 10A5 đang mắc kẹt tại “vùng đỏ” thuộc quận Hoàng Mai (TP. Hà Nội). Di cho biết: “Thầy cô thường xuyên liên hệ, hỏi tình hình và bảo em có thể xin học nhờ nhưng khu vực em ở đang bị phong tỏa, không đi lại được. Bên trong thì công trường vẫn hoạt động. Em xuống từ cuối tháng 5 làm phụ xây, công việc hàng ngày bận không thể học trực tuyến được. Thầy bảo có thể gửi bài bằng video hoặc về học bù nên em cũng yên tâm. Ban đầu em dự định cuối tháng 7 về thôi, bây giờ kẹt lại tại đây thì vẫn phải làm việc, đợi hết dịch, có xe mới về tiếp tục học”.

Mới đây, tỉnh ta đã rà soát, tổng hợp số lượng học sinh có thiết bị học tập trực tuyến để làm cơ sở xây dựng phương án, giải pháp chủ động triển khai, đảm bảo việc học của học sinh trong mọi tình huống. Bước đầu rà soát, số lượng học sinh có thiết bị học trực tuyến rất hạn chế, thậm chí một số trường vùng khó “trắng” thiết bị. Tại một số địa bàn, để thích nghi với tình hình mới, sẵn sàng cho mọi hình huống, các đơn vị giáo dục đã chủ động xây dựng phương án thay thế học trực tuyến bằng đến từng bản giao nội dung, bài tập về nhà cho học sinh. “Để triển khai việc này, giáo viên rất vất vả do cách trở về giao thông. Tuy nhiên nhiệm vụ này đã được một số trường thực hiện từ năm học trước và thầy cô đều quyết tâm cao với tinh thần trách nhiệm, mục tiêu tất cả vì học sinh” - Ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Nậm Pồ chia sẻ. Năm học mới còn rất nhiều thay đổi không chỉ liên quan đến yếu tố phòng dịch. Đây là điều mà thầy cô và các em đều đang dần thích nghi.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top