Vấn đề bạn đọc quan tâm

Không bỏ học sinh nghèo lại phía sau

20:57 - Thứ Sáu, 24/09/2021 Lượt xem: 4183 In bài viết

ĐBP - Dịch bệnh Covid-19 bùng phát, diễn biến phức tạp 2 năm nay. Đảng, Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để ứng phó, đẩy lùi dịch bệnh. Bên cạnh đó là đề ra các giải pháp dạy và học cho sinh viên, học sinh các cấp. Quan điểm là dù dịch bệnh có diễn biến phức tạp đến đâu, kéo dài đến khi nào, thì học sinh, sinh viên chỉ "tạm thời dừng đến trường nhưng không dừng học".

Thực hiện tốt chủ trương này, việc đầu tiên, quan trọng là học sinh phải có máy tính kết nối mạng, điện thoại thông minh, ti vi thông minh... để học trực tuyến. Ngày 12/9, các bộ, ngành liên quan đã phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em". Mong muốn là trong thời gian gần nhất, tất cả học sinh, sinh viên nghèo, hoàn cảnh khó khăn; học sinh vùng cao, biên giới, hải đảo... có đủ máy tính, điện thoại thông minh, có điện lưới, phủ sóng Wifi, internet... để học tập.

Ngay sau khi Chương trình được phát động, tỉnh Điện Biên đã bắt tay vào cuộc, khẩn trương thống kê số lượng học sinh, sinh viên cần được hỗ trợ máy tính, điện thoại thông minh phục vụ học tập.

Báo cáo từ Sở GD - ĐT cho thấy, số học sinh toàn ngành hiện có trên 203.550 em. Trong đó, học sinh phổ thông đã có thiết bị phục vụ học tập trực tuyến trên 36.000 em (chiếm 25,46% tổng số học sinh phổ thông). Cụ thể: Học sinh cấp tiểu học có thiết bị học trực tuyến chiếm 16,77%; cấp THCS chiếm 17,74% và cấp THPT chiếm 77,76%. Học sinh chưa có thiết bị phục vụ học trực tuyến chiếm 74,54%.

Con số nói lên nhiều điều và cũng minh chứng thực tế rằng, với tỉnh nghèo như Điện Biên (tỷ lệ hộ nghèo chiếm gần 31%), việc rất nhiều học sinh, sinh viên chưa có thiết bị máy tính, điện thoại thông minh phục vụ học trực tuyến là bình thường, dễ hiểu. Với phần lớn đồng bào các dân tộc vùng cao, biên giới, lo bữa ăn hàng ngày còn vất vả, nói chi đến việc trang bị điện thoại thông minh, máy tính cho con em học tập. Mà nếu có cố gắng mua được máy tính, điện thoại thông minh thì nhiều nơi cũng không có điện, sóng điện thoại, kết nối Wifi... để mà học.

Trong điều kiện khó khăn tứ bề như vậy, ngành GD - ĐT tỉnh, các cấp chính quyền và người dân đã rất nỗ lực để tuyên truyền, vận động học sinh đến trường chuyên cần, không bỏ học dở chừng, tránh ảnh hưởng đến chất lượng học tập.

Một mặt, thực hiện chủ trương của cấp trên, ngành GD - ĐT tỉnh cũng đang đề nghị UBND tỉnh phát động phong trào quyên góp, ủng hộ "Máy tính cho em", nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến.

Với khoảng 105.600 em học sinh, sinh viên chưa có máy tính, điện thoại thông minh phục vụ học tập trực tuyến, thì việc huy động nguồn kinh phí (tiền mặt và trang thiết bị, vật tư...) "phủ" kín chương trình này trong thời gian ngắn là không thể. Do vậy, ngành GD - ĐT đã chủ động phân loại theo thứ tự ưu tiên để hỗ trợ, giúp đỡ các em học tập đạt kết quả tốt nhất.

Với cấp THPT, ưu tiên hỗ trợ học sinh khối 12 đang học chương trình chính khóa, ôn tập ôn thi tốt nghiệp; tiếp đến là học sinh khối 10, 11. Cấp THCS, ưu tiên học sinh khối lớp 6 đang thực hiện chương trình mới (Chương trình giáo dục phổ thông 2018); tiếp đến là học sinh khối 9, khối 8, khối 7. Cấp tiểu học, ưu tiên học sinh khối lớp 5 (khối chuẩn bị thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thống 2018 vào năm học 2022 - 2023); tiếp đến là học sinh khối 4, 3, 2 và khối lớp 1. Lý do là các khối này kiến thức, kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin còn hạn chế, học qua truyền hình sẽ phù hợp hơn.

"Cái khó ló cái tâm". Ngành GD - ĐT tỉnh đã đề ra nhiều chủ trương, giải pháp linh hoạt trong công tác dạy và học phù hợp tình hình dịch bệnh Covid-19. Hiện tại, do tỉnh đang kiểm soát tốt dịch bệnh nên việc dạy và học diễn ra bình thường (học trực tiếp). Còn khi trong cộng đồng có trường hợp F0 thì tùy tình hình cụ thể để chuyển sang học trực tuyến. Ngành yêu cầu giáo viên soạn thảo bài giảng trực tuyến ngắn gọn, bám vào nội dung trọng tâm, cốt lõi từng tiết dạy. Thời gian dạy trực tuyến mỗi môn học cũng ngắn hơn giờ học trực tiếp, nhằm tạo cảm giác thoải mái, thích thú cho học sinh...

Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, việc ngành GD - ĐT tỉnh đề ra các giải pháp ưu tiên trang thiết bị: máy tính, điện thoại thông minh hỗ trợ học sinh, sinh viên nghèo như vậy là hoàn toàn phù hợp. Đấy cũng là giải pháp căn cơ, khoa học, đảm bảo cả yếu tố trước mắt và lâu dài để duy trì tốt chất lượng học tập của học sinh; lâu dài là đảm bảo nguồn nhân lực cho địa phương.

Tùng Lĩnh
Bình luận
Back To Top