Làm chủ kiến thức bằng công nghệ 4.0

08:53 - Thứ Tư, 05/01/2022 Lượt xem: 6578 In bài viết

ĐBP - “Học không bao giờ muộn, chỉ cần bạn học ngay bây giờ” là thông điệp của dự án học tập mang tên “Học tốt cùng SNL” (Study now with Le Quy Don) do 2 học sinh Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn sáng tạo, để làm chủ kiến thức bằng công nghệ 4.0.

Phạm Tố Uyên với những sản phẩm sáng tạo trong dự án “Học tốt cùng SNL”.

Không tìm được phương pháp học tập phù hợp; khó khăn trong việc chọn lựa sách tham khảo hay các dụng cụ học tập; có quá nhiều công thức toán học giống nhau và khó nhớ, các bài toán thực tế để kết nối với lý thuyết thì chưa có dụng cụ để thực hiện… Đó chỉ là một vài ví dụ trong hàng loạt vướng mắc học tập mà không ít học sinh cấp THPT đang gặp phải. Những khó khăn đó đã thôi thúc đôi bạn Phạm Tố Uyên và Nguyễn Thành Công, học sinh lớp 12, Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn lên ý tưởng xây dựng một kế hoạch học tập, với mong muốn tìm ra phương pháp hiệu quả nhất để “hóa giải” được các “bài toán” trên. Và từ đó Dự án “Học tốt cùng SNL” ra đời, sau nhiều ngày tập trung tìm tòi, sáng tạo của đôi bạn trẻ. “Trước khi bắt tay vào triển khai dự án, chúng em đã thực hiện liên tiếp 2 cuộc khảo sát, đối với gần 500 bạn học sinh lớp 10 và lớp 9 thi vào lớp 10. Khó khăn rất nhiều, nhưng chỉ có 1 - 2% trong số đó là đã tìm được cách giải quyết cho các vấn đề của mình. Thế nên chúng em tự đặt ra nhiệm vụ là hỗ trợ các bạn học sinh còn lại tìm ra phương pháp cho bản thân” - Uyên cho hay.

Điều khiến đôi bạn trẻ đắn đo nhất ban đầu, đó là làm sao để chia sẻ được với nhiều học sinh một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất? Và làm sao để tạo ra được môi trường thường xuyên nhất để các bạn trẻ dễ dàng trao đổi với nhau? Nhận thấy, hiện nay việc sử dụng công nghệ của giới trẻ là phổ biến, song không ít trong số đó chỉ phục vụ nhu cầu giải trí.

Đôi bạn đã biến 2 nền tảng phổ biến nhất là google và facebook trở thành trợ thủ đắc lực cho việc học tập. Bằng cách tạo lập một trang thông tin riêng, các bạn tập hợp, kết nối với nhiều học sinh giỏi trong trường, sẵn sàng chia sẻ đa dạng kinh nghiệm, phương pháp học tập. Đồng thời, giới thiệu nhiều cuốn sách, dụng cụ học tập, trong đó có nhiều bộ sản phẩm do các bạn tự sáng tạo ra, như: Bộ giác kế, sổ tay công thức lượng giác, vòng tròn lượng giác… với nhiều tính năng ưu việt. Qua đó, giúp người học chủ động tiếp cận kiến thức hơn. “Đơn cử như Sổ tay công thức, là sản phẩm ghi chép toàn bộ công thức lượng giác lớp 10 một cách dễ hiểu, bắt mắt và ngắn gọn. Ngoài ra còn có các trang được thiết kế sẵn để khuyến khích học sinh ghi chép thêm công thức và tạo ra cách nhớ của riêng mình. Vòng tròn lượng giác, có thể giúp học sinh làm quen với đơn vị rađian, ghi nhớ giá trị lượng giác của các cung đặc biệt, có các công thức lượng giác đơn giản…, giúp học sinh dễ dàng áp dụng hơn” - Uyên chia sẻ.

Bên cạnh đó, 2 bạn đã thiết kế phòng trò chuyện liên kết trên mạng xã hội. Ở đó bất cứ ai đăng ký tham gia cũng có thể gửi thắc mắc của mình trong quá trình học tập. Và nhóm của 2 bạn sẽ có nhiệm vụ liên kết, kịp thời giải đáp. Vì được kết nối trên nền tảng mảng xã hội, nên việc cập nhật rất nhanh chóng, và có thể tiếp cận với nhiều đối tượng ở nhiều địa bàn khác nhau, không phân biệt khoảng cách địa lý. Mục tiêu 2 bạn hướng tới là dự án tạo cảm giác hứng thú trong học tập, giúp các bạn học sinh khác tìm được phương pháp học tập hiệu quả, giải quyết được các vấn đề hay thắc mắc mà các bạn gặp phải. Quan trọng hơn là hình thành các thói quen tốt, như: Học tập có kế hoạch, đọc sách, có mục tiêu rõ ràng… thay vì những thói quen xấu khác khi sử dụng công nghệ.

Theo cô Trần Thị Thanh Thủy, giáo viên dạy toán Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, đây chính là sản phẩm của phương pháp dạy học theo chương trình Stem được nhà trường triển khai trong 2 năm học vừa qua. Cô Thủy cho biết: “Khi đã tự chế tạo được cho mình những sản phẩm, sổ tay học tập như vậy, cho thấy các em đã hiểu bài một cách sâu sắc. Ngược lại, chính các sản phẩm đó lại giúp các em ghi nhớ lâu hơn, học tốt hơn. Và đó chính là nguồn để cho thế hệ học sinh các khóa sau có thể tham khảo, phục vụ học tập”.

Bài, ảnh: Diệp Chi
Bình luận
Back To Top