Tạo điều kiện tốt nhất cho “búp non” vùng cao đến trường

08:57 - Thứ Bảy, 25/11/2023 Lượt xem: 4268 In bài viết

ĐBP - Giáo dục mầm non vẫn luôn là bậc học còn nhiều gian khó, vất vả nhất tại vùng cao tỉnh ta. Ngoài đặc thù địa bàn, thì cơ sở vật chất nhiều nơi đã hư hỏng, xuống cấp; điều kiện dạy học, sinh hoạt của cả cô và trò đều thiếu thốn. Vì thế Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mở ra nhiều hứa hẹn cho giáo dục mầm non Điện Biên. Và cũng một lần nữa khẳng định thành quả vượt khó đã đạt được trong sự nghiệp này của tỉnh nhà.

“Búp non” ra lớp

Điện Biên là một trong những tỉnh miền núi khó khăn bậc nhất cả nước. Toàn tỉnh hiện có 113 trường mầm non hoạt động ở vùng khó khăn (13 trường với 30 điểm trường lẻ) và vùng đặc biệt khó khăn (100 trường với 748 điểm trường lẻ). Thế nhưng tỉnh đang vượt xa chỉ tiêu học sinh mầm non, đặc biệt là nhà trẻ ra lớp của toàn quốc. Một điều khó tin, là nỗ lực của ngành giáo dục trong nhiều năm qua.

Ông Đào Thái Lai, Trưởng phòng Giáo dục mầm non – tiểu học (Sở Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Những năm qua, tỉnh ta đã chủ động dành sự quan tâm và thực hiện tốt việc xã hội hóa giáo dục, đặc biệt là kêu gọi hỗ trợ duy trì bữa ăn bán trú cho trẻ nhà trẻ (chưa được chế độ hỗ trợ bữa ăn của Nhà nước), nên đã huy động được 46,5% trẻ 0 – 2 tuổi ra lớp, trong đó vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn có tỷ lệ 40,9% trẻ 0 – 2 tuổi đi học 2 buổi/ngày. Đối với trẻ mẫu giáo (3 – 5 tuổi) toàn tỉnh cũng đã đạt 99,7%, tính riêng vùng khó đạt 99,5%. Cả 2 phần việc hiện đều đã cao hơn tỷ lệ mặt bằng chung toàn quốc và cao hơn mục tiêu chương trình đề ra”. Số giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ vùng cao với gần 63% giáo viên là người dân tộc thiểu số, 60% giáo viên có chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số.

Ngày 26/12/2022, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn giai đoạn 2022 - 2030”, mục đích tăng cơ hội cho trẻ em được tiếp cận giáo dục mầm non có chất lượng, trên cơ sở phấn đấu bảo đảm các điều kiện về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất trường lớp học.

Mục tiêu đặt ra đến năm 2025 có ít nhất 20% trẻ em trong độ tuổi nhà trẻ và 90% trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non. Trong đó 30% trẻ được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ phù hợp theo độ tuổi. Các tỷ lệ đến năm 2030 của các nội dung trên lần lượt là 25%, 95% và 60%. Đối với giáo viên, đến năm 2025 bồi dưỡng 30% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ đẻ của trẻ; đến năm 2030 là 60%; và đảm bảo định mức giáo viên/nhóm, lớp theo quy định. Đối với cơ sở giáo dục mầm non, đến năm 2030 xóa bỏ 100% phòng học nhờ, tạm, xây mới trường học theo dự báo quy hoạch; bổ sung đủ bộ đồ chơi ngoài trời, trong lớp...

Từ cơ sở đó, UBND tỉnh ta cũng đã ban hành Quyết định số 1269/QĐ-UBND, ngày 15/8/2023 Phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, giai đoạn 2022 – 2030” tỉnh Điện Biên, nâng tỷ lệ phấn đấu một số mục tiêu cao hơn so với Chính phủ đề ra.

Tỉnh đề ra mục tiêu đến năm 2025 có ít nhất 40% trẻ nhà trẻ và 99,7% trẻ mẫu giáo vùng khó khăn được đến cơ sở giáo dục mầm non; trong đó 30,9% trẻ được tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ. Đến năm 2030 các tỷ lệ trên lần lượt là 51,4%, 99,8% và 61,1%. Đến 2025 bồi dưỡng ít nhất 50% giáo viên, đến 2030 bồi dưỡng ít nhất 80% giáo viên biết sử dụng tiếng mẹ mẹ đẻ của trẻ... Những chỉ tiêu này không khó so với những kết quả đã đạt được và duy trì trong công tác giáo dục mầm non đến thời điểm hiện tại của tỉnh ta.

Mong chờ trường lớp khang trang

Theo số liệu khi UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thực hiện Chương trình trên, tỉnh ta có 794 lớp mẫu giáo ghép với hơn 20.000 học sinh (hầu hết ở vùng đặc biệt khó khăn). Toàn tỉnh có 2.451 phòng học bậc mầm non, vẫn còn 611 phòng bán kiên cố, 88 phòng học tạm, nhờ, mượn; và 118 điểm trường chưa có bếp nấu ăn. Phòng công vụ cho giáo viên cũng rất hạn chế với con số khiêm tốn 444 phòng; công trình nước sạch còn thiếu 247. Chương trình hỗ trợ giáo dục mầm non được phê duyệt và triển khai thực hiện sẽ giải quyết những khó khăn, thiếu thốn ấy cho tỉnh ta.

Điểm trường Pa Ít, Trường Mầm non Huổi Mí, huyện Mường Chà cách trung tâm xã hơn 60km đi đường bộ vô cùng gian khó, cộng thêm khoảng 30 phút đi đường sông. Nơi đây chưa có điện, sóng cũng chập chờn. Tại điểm này, trường có dãy nhà ghép, bán kiên cố đã được làm từ nhiều năm trước, trong đó 2 phòng học và 1 phòng sinh hoạt cho giáo viên. Trời nắng thì nóng bức, ngột ngạt. Đông về gió lùa rét buốt. Không chỉ Pa Ít, cô Lâm Thị Chính, Hiệu trưởng Trường Mầm non Huổi Mí cho biết: “Trường có 12 điểm lẻ, trong đó có 5 điểm đặc biệt khó khăn – “3 không”, không điện, đường, sóng điện thoại. 2 điểm trường trong số đó đã được xã hội hóa xây dựng hoặc đang xây dựng, còn lại 3 điểm bán kiên cố, đều đã cũ, nơi ở của giáo viên thì hạn hẹp trong khi các cô phải ở cả tuần, nếu mưa gió thì vài tuần mới ra được trung tâm. Mong khi triển khai chương trình, các điểm ấy của Nhà trường sẽ sớm được đầu tư, giúp các cô vơi bớt khó khăn khi cắm bản”.

Theo quyết định phê duyệt của tỉnh, để đạt mục tiêu đến năm 2030 xóa bỏ 100% phòng học nhờ, tạm, và đảm bảo công tác giáo dục, tỉnh ta cần xây mới 66 phòng học kiên cố, 57 phòng công vụ, 71 công trình vệ sinh, 594 bộ thiết bị, đồ dùng, đồ chơi trong lớp, 142 bộ thiết bị, đồ chơi ngoài trời, cùng hơn 5.000 tài liệu, học liệu trong giai đoạn 2023 – 2025. Tiếp đó xây mới 124 phòng học kiên cố, 30 phòng công vụ, 102 công trình vệ sinh... giai đoạn 2026 – 2030. Tổng kinh phí dự kiến cho cả chương trình là hơn 791 tỷ đồng.

Với những chỉ tiêu, kế hoạch đó, Chương trình “Hỗ trợ phát triển giáo dục mầm non vùng khó khăn, giai đoạn 2022 – 2030” trên địa bàn tỉnh ta dù mới được phê duyệt nhưng mang nhiều kỳ vọng. Không chỉ tạo điều kiện tốt nhất cho trẻ ra lớp, nâng cao chất lượng giáo dục, mà còn tiếp sức cho cán bộ, giáo viên mầm non vùng sâu vùng xa yên tâm công tác, gắn bó với bản làng.

Bài, ảnh: Nguyễn Hiền
Bình luận
Back To Top