Giáo dụcKhoa học

Xây dựng giá thành dịch vụ viễn thông:

Chỉ nên áp dụng trong ngắn hạn

00:00 - Thứ Năm, 10/09/2015 Lượt xem: 1413 In bài viết
Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) đang sửa lại Thông tư số 16 hướng dẫn DN tính toán giá thành dịch vụ viễn thông (trong đó có giá cước internet và 3G) cho phù hợp với điều kiện mới. Đáng chú ý, việc sửa đổi thông tư không chỉ đơn thuần là một biện pháp kỹ thuật của cơ quan quản lý nhà nước, mà còn thu hút sự quan tâm của xã hội vì có liên quan trực tiếp đến hàng chục triệu khách hàng. Nhất là khi xung quanh việc sửa đổi giá thành có quan điểm đồng tình, ngược lại có ý kiến cho rằng không nhất thiết phải xây dựng giá thành. Phóng viên đã thực hiện phỏng vấn Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam Vũ Hoàng Liên để làm rõ hơn về vấn đề này…

- Là người đứng đầu Hiệp hội gồm các nhà cung cấp dịch vụ internet trong cả nước, ông có thể chia sẻ quan điểm của mình về việc sửa đổi thông tư 16 mà Bộ TT-TT đang thực hiện?

- Tôi muốn đề cập đến mục tiêu của vấn đề giá cả (giá thành dịch vụ - PV). Tôi cho rằng có hai khái niệm là mục tiêu của nhà nước và mục tiêu của DN. Sở dĩ, không đề cập đến mục tiêu của người tiêu dùng vì nhà nước là đại diện cho quyền lợi của người dân. Lợi ích kinh tế quốc gia được biểu hiện thông qua lợi ích của người tiêu dùng. Nhà nước cũng quan tâm đến lợi ích của doanh nghiệp trên cơ sở hài hòa lợi ích để quan hệ tương hỗ cung-cầu tạo ra động lực phát triển. Phía DN, về lý thuyết, DN chỉ quan tâm đến lợi nhuận. Nhưng tại Việt Nam và trong lĩnh vực viễn thông hầu hết đều là DN nhà nước (NN) và có “gốc” nhà nước (VNPT, Viettel – PV). Và là DNNN thì có lợi nhuận cũng để có năng lực đóng góp sự phát triển kinh tế đất nước chứ không chỉ vì lợi nhuận và đó là khác biệt với DN tư nhân.

Kiểm soát giá trước hết không được để giá đắt làm thiệt hại người tiêu dùng, có giá hợp lý để thúc đẩy tiêu dùng và phát triển. Sau đó là kiểm soát để không lợi dụng giá tạo cạnh tranh không lành mạnh. Nếu môi trường pháp lý đảm bảo cạnh tranh lành mạnh thì giá sẽ được điều tiết hợp lý theo quy luật của kinh tế thị trường, không nhất thiết phải kiểm soát giá. Tuy nhiên. việc tính toán giá thành cũng là biện pháp cụ thể của môi trường pháp lý. Nhưng phương pháp tính giá thành cũng phải đảm bảo tính khách quan của thị trường, tránh bị chủ quan từ nhà cung cấp dịch vụ. Việc xây dựng giá thành cần phải cân đối với mặt bằng khu vực và thế giới.

- Nhưng một số DN lớn (VNPT, FPT Telecom) từng kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước có quy định để chống bán phá giá dịch vụ cáp quang?

- Phá giá là một thủ pháp cạnh tranh không lành mạnh, đồng thời cũng là con dao hai lưỡi với chính doanh nghiệp phá giá. Phá giá thì người tiêu dùng được hưởng lợi trước mắt nhưng mất động lực cạnh tranh thì còn bất lợi hơn. Cần phải có quy định chống bán phá giá. Tuy nhiên xác định là phá giá trong tình huống cụ thể lại là một vấn đề. Dù sao đi nữa, vẫn nên cọi trọng chính sách khuyến khích giảm giá. Giảm giá vừa có lợi cho kích cầu và tiêu dùng, vừa là động lực cho các nhà cung cấp dịch vụ nâng cao năng lực cạnh tranh và quản trị kinh doanh hiệu quả.

- Trong kiến nghị cần có quy định giá thành với cáp quang, đại diện các DN cũng dẫn chứng cụ thể giá dịch vụ này giảm liên tục và ở mức thấp…Dư luận cũng từng có những thông tin cụ thể về một vài DN A, DN B bán phá giá?


- Về chuyện DN nào đó có bán dưới giá thành hay không, có phạm luật hay không còn phải đặt trên quan điểm ngắn hạn hay dài hạn trong chu kỳ kinh doanh của nó. Doanh nghiệp có thể giảm giá giai đoạn đầu để kích cầu và chiếm lĩnh thị trường, hoặc có thể giảm giá giai đoạn cuối để giữ thị trường và kéo dài chu kỳ kinh doanh. Nếu có quy định giá thành thì cũng khó cho một con số cố định vì thực tế kinh doanh, giá biến động theo thời gian, địa bàn kinh doanh và đối tượng khách hàng. Nhưng nếu có nhà cung cấp dịch vụ nào đó mà chiếm một thị phần quá lớn thì nhà nước phải có biện pháp điều tiết, không chỉ vì phá giá. Môi trường pháp lý có can thiệp vào giảm giá cũng chỉ để không tạo ra độc quyền doanh nghiệp. Có hiện tượng độc quyền doanh nghiệp cũng không hẳn chỉ vì phá giá.

- Ngược lại với dịch vụ cáp quang, dịch vụ 3G đến nay chưa có nhà cung cấp nào kiến nghị phải xây dựng giá thành, nhưng vẫn luôn tự kêu lỗ vì bán dưới giá thành (cơ quan quản lý nhà nước cũng xác nhận) và không được bù chéo dịch vụ…Ông có bình luận gì?

- Tại sao 3G cũng bán dưới giá thành lại không bị coi là phá giá. Tại sao biết là lỗ mà doanh nghiệp lại không tăng giá lên. Đồng ý là cơ quan quản lý nhà nước cần quan tâm đến vấn đề này nhưng theo tôi đó vẫn là vấn đề của chính doanh nghiệp. Việc bù chéo chẳng ảnh hưởng gì đến hạch toán riêng từng sản phẩm, dịch vụ của nhà cung cấp nếu doanh nghiệp đó thực sự muốn quản trị hiệu quả kinh doanh của chính mình. Có chăng chỉ là trong các báo cáo được lập để đạt mục đích nào đó. Nếu có phương pháp kiểm tra tốt thì có thể phát hiện được các báo cáo không khách quan, không chỉ vì bù chéo. Nhưng nếu không khả thi phương pháp đánh giá thì hiệu lực của “ không bù chéo “ cũng có vấn đề. Thực tế các doanh nghiệp có nhiều sản phẩm, dịch vụ thì hoàn toàn có thể có cái lỗ, có cái lãi. Có thể lỗ trên báo cáo tài chính, chưa chắc đã lỗ về giá trị mà doanh nghiệp được hưởng. Thí dụ doanh nghiệp có thể không lấy lãi ở kinh doanh kết nối mạng mà để tạo lợi thế cho lợi nhuận ở kinh doanh dịch vụ giá trị gia tăng, nội dung số.

- Nhưng xét trong điều kiện thực tế hiện nay thì trong khi môi trường kinh doanh còn thiếu những quy định mang tính pháp lý chưa chặt chẽ, vẫn cần phải có những quy định cụ thể để bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh và quyền lợi cho người dân?

- Trước hết, trong lĩnh vực viễn thông tôi cho rằng đây là ngành có cạnh tranh khá tốt và vì thế chúng ta mới phát triển như hiện nay. Do vậy, tôi vẫn giữ quan điểm, nhà nước hạn chế những quy định mang tính can thiệp quá cụ thể. Song, tôi có sự chia sẻ với cơ quan quản lý nhà nước, vì thực tế hiện nay, trong ngắn hạn vẫn phải sử dụng phương thức quản lý bằng cách can thiệp trực tiếp.

Xin cảm ơn ông!

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top