Giáo dụcKhoa học

Bảng tuần hoàn hoá học có thêm bốn thành tố mới

00:00 - Thứ Ba, 05/01/2016 Lượt xem: 1722 In bài viết
Bốn thành tố mới vừa được chính thức bổ sung vào bảng tuần hoàn hoá học sau khi sự tồn tại của chúng được tổ chức hoá học quốc tế IUPAC (International Union of Pure and Applied Chemistry) xác nhận.

Chịu trách nhiệm giám sát bảng tuần hoàn, IUPAC mới đây đã công bố các thành tố 113, 115, 117, 118 đạt đầy đủ những điều kiện cần thiết cho phép chúng được bổ sung thêm vào bảng tuần hoàn. Động thái mới này cũng hoàn thiện dãy tuần hoàn thứ bảy trong bảng.

Ảnh minh họa

Cả bốn thành tố mới đều do con người tạo ra và hiện chưa có tên gọi chính thức (sẽ được bổ sung sau vài tháng tới). Trong đó, các thành tố 115, 117, 118 được liên minh gồm những nhà khoa học tại Viện nghiên cứu hạt nhân Dubna (Nga) và Phòng thí nghiệm quốc gia Lawrence Livermore (California, Mỹ) công bố. Dù đội ngũ này cũng tuyên bố phát hiện thành tố 113 nhưng IUPAC đã xác định công lao đầu thuộc về các nhà nghiên cứu tại Học viện Riken (Nhật Bản). Như vậy, đây sẽ là thành tố đầu tiên trong bảng tuần hoàn được các nhà nghiên cứu châu Á phát hiện ra.

Thực tế, việc phát hiện ra các thành tố siêu nặng là điều cực kì khó khăn bởi tốc độ phân rã cực nhanh của chúng. Tuy nhiên, những nhà nghiên cứu đã chỉ ra rằng thời gian tồn tại lâu hơn của các thành tố siêu nặng mới được phát hiện gần đây đã đem tới hi vọng cho việc tìm thấy thứ mang tên “hòn đảo ổn định” - nhóm các thành tố kết hợp đồng thời hai tính chất: siêu nặng và ổn định. Theo Kosuke Morita - trưởng nhóm nghiên cứu tại học viện Riken, đội ngũ này sẽ tiếp tục khám phá “những đặc điểm chưa được phát hiện ra của thành tố 119 và hơn thế nữa”.

“Với các nhà khoa học, điều này còn giá trị hơn cả huy chương vàng Olympic” - cựu Chủ tịch Ryoji Noyori của học viện Riken và cũng là chủ nhân giải Nobel hoá học chia sẻ với báo giới.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top