Giáo dụcKhoa học

Triển vọng giống khoai tây Diamond và Solara

00:00 - Thứ Sáu, 15/01/2016 Lượt xem: 1765 In bài viết
ĐBP - Nhằm hướng dẫn cho người dân tiếp cận với những giống khoai tây mới, cho năng suất vượt trội, đồng thời nâng cao kinh nghiệm trồng cây vụ 3 trên đất 2 vụ lúa, Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) triển khai Dự án: “Xây dựng mô hình khoai tây trái vụ và sản xuất khoai tây thương phẩm tại huyện Điện Biên”, thời gian thực hiện 24 tháng (11/2014 - 11/2016).

Tháng 11/2015, mô hình trồng khoai tây thương phẩm đã triển khai 7ha tại 2 xã: Thanh Xương 5ha với 22 hộ tham gia; Thanh Luông 2ha với 13 hộ tham gia. Mô hình đã đưa vào sử dụng 2 giống khoai tây nhập ngoại là: Diamond (Hà Lan) và Solara (Đức). Giống khoai tây Diamond có đặc tính thân lá to mập, cây đứng, phát triển nhanh, vỏ và củ màu vàng nhạt, chất lượng củ tốt; thời gian sinh trưởng từ 85 - 90 ngày; năng suất đạt từ 20 - 25 tấn/ha, chống chịu sâu bệnh tốt. Giống Solara với đặc điểm lá dày, củ có màu vàng nhạt, ruột vàng, thời gian sinh trưởng từ 85 - 90 ngày, năng suất đạt 25 - 30 tấn/ha, chống chịu sâu bệnh tốt.

Khi triển khai trồng ở vùng miền núi, vụ đông sẽ bắt đầu trồng từ đầu tháng 10, thu hoạch tháng 1 năm sau (3 tháng); vụ xuân trồng tháng 12 thu hoạch cuối tháng 3 năm sau; trồng trên đất cấy 2 vụ lúa, nên chọn đất bằng phẳng, loại đất tơi xốp; đất pha cát, đất thịt nhẹ, đất phù sa, thuận tiện tưới tiêu, thoát nước.

Chị Nguyễn Thị Lụa, đội 9, xã Thanh Xương cho biết: Tham gia mô hình, chúng tôi được tập huấn kỹ thuật nên trong quá trình trồng không còn bỡ ngỡ. Bởi giống khoai tây này có quy trình khác so với giống địa phương. Ví dụ, luống đơn trồng 1 hàng, có chiều rộng 60 -70cm; luống đôi trồng 2 hàng rộng 120 - 140cm, rãnh rộng 20 - 40cm, sâu 15 - 20cm, để tránh cho khoai không bị úng nước, dẫn đến thối củ giống và ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của cây.

Theo anh Hà Văn Thuận, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Thông tin và Ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ - người trực tiếp hướng dẫn mô hình, để khoai tây có năng suất cao, chất lượng tốt, củ khoai không bị xanh do nằm trên mặt đất thì khâu che phủ bằng rơm rạ rất quan trọng. Nông dân tiến hành rạch hàng, rải rơm rạ cắt ngắn hoặc bón lót phân chuồng, đạm và lân xuống đáy rồi lấp một lớp đất mỏng lên trên, sau đó đặt củ giống xuống; lưu ý đặt mầm nằm ngang, lấp đất phủ lên củ dày 3 - 5cm rồi vét rãnh lên luống. Nếu đất khô thì phải tưới nước trước khi bón phân để cây mọc nhanh. Nước là một trong những yếu tố quyết định năng suất chất lượng khoai tây. Do đó, trong thời gian đầu, khoai rất cần nước nên bà con lưu ý tưới đều. 2 giống khoai tây được triển khai trong mô hình đều có cách trồng đơn giản, không tốn nhiều công chăm sóc mà hiệu quả kinh tế rất cao. Cứ 1.000m2 trồng khoai tây, nếu trồng đúng kỹ thuật cho năng suất 25 tạ, với giá 10.000 đồng/kg như hiện nay, trừ chi phí nông dân thu về gần 20 triệu đồng/vụ (cao gấp 5 lần trồng lúa). Ở một số địa phương trong cả nước, 2 giống khoai tây này còn để xuất khẩu, mang lại thu nhập cao cho người nông dân.

Có thể nói, mô hình khoai tây thành công sẽ tạo cơ hội cho nông dân có thêm thu nhập từ đất 2 vụ lúa; đồng thời người nông dân được tiếp cận với các loại giống mới cho năng suất cao, có thể triển khai trên diện rộng tại địa phương.

Kim Ngân
Bình luận
Back To Top