Giáo dụcKhoa học

KHOA HỌC NGÀY NAY

Hệ thống cảm ứng bề mặt đa điểm chạm

00:00 - Thứ Năm, 25/02/2016 Lượt xem: 1660 In bài viết
Các nhà khoa học thuộc Viện Nghiên cứu điện tử, tin học, tự động hóa (Bộ Công thương) đã nghiên cứu, chế tạo thành công hệ thống cảm ứng bề mặt đa điểm chạm, đa người dùng có khả năng kết nối mạng TCP/IP, bao gồm: một thiết bị bàn cảm ứng tương tác thông minh kích thước 40 inch nối mạng hỗ trợ đa chạm lên tới mười điểm chạm và bốn người có thể cùng sử dụng cùng thời điểm.

Thiết bị có khả năng kết nối mạng wifi, 3G hoặc mạng LAN cho phép cập nhật nội dung tự động qua mạng TCP/IP. Ngoài ra còn có một phần mềm với nội dung phục vụ giảng dạy tiếng Anh hỗ trợ đa người dùng để chạy trên thiết bị bàn cảm ứng; một hệ thống trung tâm quảng bá nội dung trên mạng LAN hoặc in-tơ-nét trên giao thức TCP/IP. Hệ thống có thể ứng dụng rộng rãi trong các địa điểm công cộng như viện bảo tàng, trường học, bệnh viện… phục vụ cho các mục đích như giáo dục, truyền thông, quảng cáo, một cách sinh động và trực quan.

Tế bào năng lượng khai thác nguồn điện không các-bon

Các nhà nghiên cứu thuộc Đại học Concordia, TP Mông-rê-an, Ca-na-đa đã phát hiện ra một loại tế bào năng lượng khai thác nguồn điện được tạo ra trong quá trình quang hợp và hô hấp tự nhiên ở loại tảo lam lục, liên quan đến cơ chế chuỗi chuyển điện tử. Bằng cách áp dụng cơ chế liên tục đó vào nghiên cứu, các nhà nghiên cứu đã tạo ra một công nghệ mới và có khả năng nhân rộng, từ đó, hướng đến những cách thức ít tốn kém hơn để sản xuất năng lượng không các-bon. Hiện nay, thiết bị này vẫn chưa đạt tới phạm vi đủ lớn để hoạt động trên quy mô thương mại, tuy vậy, nhóm nghiên cứu hy vọng rằng tế bào năng lượng quang hợp sẽ sớm được đưa vào sử dụng để cung cấp điện cho các thiết bị di động, máy tính và có thể trở thành nguồn cung cấp năng lượng chính trên toàn cầu.

Màng lọc nước biển thành nước ngọt

Các nhà khoa học đến từ Đại học Illinois (Mỹ) đã sáng chế ra một cách lọc nước biển mới, có thể giải quyết cuộc khủng hoảng nước ngọt trong lâu dài. Đây là một màng mỏng, độ dày cỡ nanomet, được chế tạo từ vật liệu molybdenum disulphide (MoS2), có khả năng cho các phân tử nước đi qua các lỗ cực nhỏ và chặn lại muối cùng các chất bẩn khác. Sử dụng màng mỏng này để lọc nước mặn có hiệu quả hơn màng graphene tới 70%, tiết kiệm được năng lượng và chi phí vận hành hệ thống khử mặn. Các nhà nghiên cứu sẽ bắt tay với các hãng sản xuất để sản xuất hàng loạt ở quy mô công nghiệp, hy vọng có thể sớm đưa công nghệ này vào cuộc sống.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top