Giáo dụcKhoa học

Khai thác và phát triển bền vững nguồn gien sinh vật

00:00 - Thứ Hai, 29/02/2016 Lượt xem: 1893 In bài viết
Việt Nam được coi là một trong 16 quốc gia trên thế giới về đa dạng tài nguyên sinh vật. Tuy nhiên, lợi thế trên đang bị đe dọa nghiêm trọng do việc khai thác bừa bãi thiếu ý thức, thiên tai, thói quen canh tác lạc hậu… ảnh hưởng đến công tác bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gien sinh vật ở nước ta.

Bà Trương Thị Hồng Vân (Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết: Tài nguyên di truyền là tài sản riêng của mỗi quốc gia; đồng thời cũng là tài sản chung của thế giới. Tài nguyên di truyền sinh vật là vật liệu ban đầu để lai tạo giống mới và là hạt nhân của đa dạng sinh học nên giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển nông nghiệp của mỗi quốc gia. Thực tế cho thấy, quốc gia nào sở hữu nguồn tài nguyên di truyền sinh vật nói chung và nguồn tài nguyên thực vật nói riêng đa dạng và phong phú, thì sẽ đạt được những thành tựu nổi bật trong công tác tạo giống mới.

Theo số liệu thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, Việt Nam đã xây dựng được hệ thống mạng lưới quỹ gien quốc gia, với 17 cơ quan đầu mối; hơn 70 tổ chức tham gia công tác này từ T.Ư đến các địa phương. Tuy nhiên, công tác bảo tồn tại chỗ ở Việt Nam mới chủ yếu được áp dụng cho nguồn gien lâm nghiệp, nguồn gien thủy sản và cây thuốc dưới dạng các khu bảo tồn. Trong đó Việt Nam đã lưu giữ bảo quản tại chỗ tại 23 đơn vị hệ thống, với hơn 28 nghìn nguồn gien cây trồng nông nghiệp. Đối với nguồn gien thực vật lâm nghiệp, Ngân hàng gien hạt giống đã bảo tồn được một nghìn giống của 35 loại cây có hạt. Về nguồn gien thủy sản, tính đến nay đã bảo tồn an toàn và lưu giữ được 87 giống thuộc 75 loài thủy sản nước ngọt; 12 nguồn gien cá biển; hai nguồn gien giáp xác và bốn nguồn gien nhiễm thể; một số nguồn gien tảo và vi tảo làm thức ăn cũng đã được bảo tồn. Đáng chú ý, công tác bảo tồn bằng phương pháp bảo quản lạnh tinh được nghiên cứu và ứng dụng cho một số loài thủy sản quan trọng như: Tôm sú, cá tra, cá ba sa, cá chép, cá trắm, cá song, cá giò…

Theo bà Trương Thị Hồng Vân, thực tế cho thấy việc khai thác bừa bãi và thiếu ý thức của người dân; thói quen canh tác lạc hậu, sự gia tăng dân số và đô thị hóa, nhất là sự biến đổi khí hậu, nước biển dâng thực tại đã đe dọa tài nguyên di truyền ở nước ta. Trong khi đó, Việt Nam lại chưa xác định được thứ tự ưu tiên đối tượng bảo tồn nguồn gien. Nhiều nguồn gien đang lưu giữ, bảo tồn không đủ căn cứ để được xếp ưu tiên; thiếu các nghiên cứu cơ bản để cải tiến phương pháp lưu giữ, bảo tồn cũng như việc sử dụng, khai thác và phát triển nguồn gien; thông tin giá trị nguồn gien chưa sẵn có để chia sẻ cho người sử dụng...

Trong khi đó, Phó Trưởng phòng Quản lý Nguồn gien và An toàn sinh học (Cục Bảo tồn đa dạng sinh học, Bộ Tài nguyên và Môi trường) Nguyễn Đặng Thu Cúc cho rằng: Mặc dù Việt Nam đã ban hành khung pháp lý tương đối đầy đủ liên quan bảo tồn và khai thác sử dụng nguồn gien thực vật, động vật, nhưng hiện nay hệ thống văn bản, chính sách về tiếp cận nguồn gien và chia sẻ lợi ích vẫn còn thiếu nhất quán. Điển hình như Luật Thủy sản (năm 2003) quy định các điều kiện khai thác thủy sản, trong đó có việc cấp giấy phép khai thác, hoặc giấy chứng nhận quyền khai thác. Tuy nhiên, luật không quy định chi tiết về vấn đề quản lý nguồn gien thủy sản phục vụ mục đích nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ. Hay Luật Sở hữu trí tuệ (năm 2005) và Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi, bổ sung (năm 2009) quy định tương đối cụ thể về quyền sở hữu, quyền tác giả đối với giống cây trồng mới, nhưng không có quy định cụ thể về quyền tác giả đối với giống vật nuôi, mà chỉ quy định về nghiên cứu, chọn, tạo, đặt tên, công nhận vật nuôi mới. Bên cạnh đó, pháp luật về sở hữu trí tuệ chưa có các quy định để bảo hộ tri thức truyền thống (cụ thể là bản quyền tri thức truyền thống) giống như quy định của Luật Đa dạng sinh học. Các quy định đó bao gồm cả tri thức y học cổ truyền của các dân tộc sinh sống trên lãnh thổ Việt Nam. Đây là cơ sở pháp lý cho hoạt động tiếp cận nguồn gien và tri thức truyền thống.

Để khắc phục những khó khăn nêu trên, trong thời gian tới Bộ Tài nguyên và Môi trường cho biết sẽ phối hợp các bộ, ngành, xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn kỹ thuật như hệ thống bảo hộ các tri thức truyền thống về nguồn gien (bao gồm việc hướng dẫn đăng ký tri thức truyền thống); các trình tự, thủ tục về giấy phép hợp đồng tiếp cận nguồn gien, chia sẻ lợi ích và luật tục cộng đồng. Xây dựng đề án tăng cường năng lực tiếp cận nguồn gien và chia sẻ lợi ích tại Việt Nam; hoàn tất việc điều tra, kiểm kê tình hình phân bố của các nguồn gien cây trồng, vật nuôi trên toàn quốc. Xác định được các đối tượng ưu tiên cần thu thập, bảo tồn và xây dựng các phương pháp bảo tồn thích hợp, cũng như tiếp tục thu thập và nhập nội thêm nguồn gien mới…

Ngoài ra, các chuyên gia di truyền cũng đề nghị, Việt Nam cần xây dựng một Chương trình quốc gia về bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gien, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, với mục tiêu ứng dụng KH và CN để nâng cao hiệu quả công tác bảo tồn và sử dụng hiệu quả, bền vững các nguồn gien sinh vật nhằm phát triển kinh tế- xã hội, bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh áp dụng các tiến bộ khoa học và công nghệ trong lưu giữ, bảo quản, tư liệu hóa nguồn gien; thu hút, đào tạo, sử dụng nguồn nhân lực có trình độ cao cho hoạt động bảo tồn nguồn gien; tăng cường khai thác và phát triển các nguồn gien thành sản phẩm thương mại đối với các nguồn gien có tính trạng quý hiếm, có giá trị kinh tế thành các giống bổ sung vào bộ giống quốc gia, tạo ra một số sản phẩm chủ lực phục vụ xuất khẩu và tiêu dùng trong nước…

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top