Giáo dụcKhoa học

Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26-4

Liệu có “bùng nổ” tranh chấp, khiếu kiện?

00:00 - Thứ Ba, 26/04/2016 Lượt xem: 2210 In bài viết
Khi tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đòi hỏi các thành viên phải mở cửa thương mại sâu rộng, một trong những thách thức lớn đối với Việt Nam là vấn đề bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ (SHTT).

Không chỉ phải tuân theo các nội dung quy định ở mức độ cao hơn, việc thực thi quyền SHTT cũng có những yêu cầu khắc nghiệt hơn về chế tài xử lý, trong đó có các biện pháp hình sự. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra lúc này là liệu có "bùng nổ" tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến SHTT hay không?

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong TPP có nhiều điểm cần phải chú ý.

Nâng cao vai trò của tòa án

Theo ông Nguyễn Phương Minh, Phòng Thực thi và giải quyết khiếu nại thuộc Cục SHTT thì khi tham gia TPP, cam kết về SHTT tạo sức ép lớn đối với Việt Nam, đòi hỏi sự đầu tư lớn về mọi mặt, trước mắt là sửa đổi Luật SHTT. Ngoài việc sửa đổi các quy định pháp luật cụ thể, Việt Nam còn phải tính tới sự chuyển dịch cơ chế, từ xử phạt hành chính sang xử phạt hình sự đối với các hành vi xâm phạm quyền SHTT nghiêm trọng. Hiện nay, việc xử lý vi phạm quyền này được thực hiện thông qua các biện pháp hành chính. Số tiền xử phạt hằng năm là rất lớn, riêng trong năm 2015 là gần 78 tỷ đồng. Tuy nhiên, tình hình xâm phạm quyền SHTT không có nhiều thay đổi, do vậy, việc nâng cao vai trò của tòa án trong quá trình xét xử là nhân tố quan trọng để hoạt động thực thi quyền SHTT đáp ứng các đòi hỏi của TPP.

Doanh nghiệp là đối tượng phải đối mặt với các thách thức gay gắt. Chế độ bảo hộ SHTT cao đồng nghĩa với việc phải tuân thủ nhiều điều kiện chặt chẽ để có thể tiếp cận sản phẩm trí tuệ. Thời gian bảo hộ càng dài thì thời điểm xã hội được tự do sử dụng sản phẩm càng muộn. Trong thời gian bảo hộ, giá sản phẩm đương nhiên cao hơn, dẫn tới bất lợi bởi giá công nghệ, kể cả phần mềm máy tính, bí quyết kỹ thuật là yếu tố gây ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Hơn nữa, việc thực thi cũng khiến doanh nghiệp Việt Nam phải chịu trách nhiệm nhiều hơn đối với các thủ tục kiểm soát, đặc biệt là khi rơi vào tranh chấp, kiện tụng.

Bà Nguyễn Thị Thanh Hà - Trưởng phòng Pháp chế của Cục SHTT là người đã tham gia đàm phán các vấn đề liên quan đến lĩnh vực này trong tiến trình tham gia TPP. Bà Hà cho biết: TPP có nhiều điều khoản, nội dung quan trọng khiến Việt Nam gặp nhiều thách thức trong lĩnh vực này. Đó là: Bảo hộ nhãn hiệu không ít hơn 10 năm và bỏ các rào cản đối với việc bảo hộ nhãn hiệu âm thanh; kéo dài thời gian bảo hộ quyền tác giả lên 70 năm; đền bù thời hạn bảo hộ nếu chậm trễ trong việc cấp bằng độc quyền sáng chế... Đặc biệt, là thành viên kém phát triển trong TPP, Việt Nam sẽ gặp nhiều bất lợi khi thực hiện các cam kết về sản phẩm dược phẩm, sản phẩm hỗ trợ nông nghiệp khó đến được tay người dân với giá rẻ. Sự khó này liên quan đến việc TPP yêu cầu bảo hộ dữ liệu bí mật phải nộp để đăng ký thuốc ít nhất là 10 năm đối với hóa chất nông nghiệp, 5 năm đối với dược phẩm...

Chấp nhận luật chơi

Các chuyên gia SHTT đã cảnh báo khả năng "bùng nổ" tranh chấp về SHTT khi TPP có hiệu lực. Bà Nguyễn Thị Thanh Hà cũng nhấn mạnh tới nội dung thực thi chế tài hình sự khi tuân theo cam kết thực thi quyền SHTT. Chế tài này được áp dụng đối với những hành vi cố ý giả mạo nhãn hiệu hoặc sao lậu quyền tác giả nhằm đạt lợi thế thương mại hoặc thu lợi về tài chính. Thậm chí, hành vi không nhằm thu lợi tài chính nhưng gây tổn hại lớn tới lợi ích của chủ sở hữu cũng sẽ bị xem xét xử lý hình sự. Ngoài ra, còn có những hành vi khác cũng bị xử lý hình sự như: Cố ý nhập khẩu nhãn mác mang nhãn hiệu giả mạo; xâm phạm bí mật thương mại (tiếp cận trên hệ thống máy tính); xâm phạm tín hiệu vệ tinh…

Trước những thử thách sắp tới, Phó Chánh thanh tra Bộ VH, TT&DL Trần Văn Minh cho rằng: Cộng đồng doanh nghiệp cần có bước chuẩn bị kỹ càng về tài chính, về nhân lực và về kỹ thuật để khi hội nhập TPP, chúng ta tránh được các rắc rối liên quan tới khiếu kiện có thể xảy ra. Còn theo Bộ KH&CN, cần tăng cường năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là cơ quan hải quan và tòa án. Hai cơ quan này cần được hoàn thiện về hạ tầng kỹ thuật, nâng cao chất lượng trang thiết bị cần thiết cũng như trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ cán bộ. Bên cạnh đó, để chống các tác động tiêu cực từ chế độ bảo hộ SHTT mới, cần nghiên cứu đề ra hàng loạt chính sách mới về y tế, nông nghiệp và nông thôn, văn hóa, giáo dục để bảo đảm khả năng tiếp cận thuốc với giá cả hợp lý của nhân dân, bảo đảm khả năng tiếp cận nguồn vật tư nông nghiệp và các sản phẩm sáng tạo mới.

Việt Nam đã thể hiện quyết tâm và nỗ lực hết sức to lớn khi đưa ra cam kết tuân thủ luật chơi chung về SHTT dù là nước phát triển ở mức thấp nhất trong khối TPP cũng như trong khu vực Châu Á - Thái Bình Dương. Theo ông Nguyễn Phương Minh, về bảo hộ quyền SHTT, Việt Nam sẽ phải chấp nhận và tìm cách vượt qua những khó khăn nhất định trong một khoảng thời gian dài, trước khi được hưởng lợi ích chung. Nhưng đó là luật chơi, là sự trả giá để tạo khả năng thu hút đầu tư nước ngoài, tạo điều kiện cho doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội xâm nhập vào những thị trường giàu tiềm năng của thế giới.

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top