Giáo dụcKhoa học

Công nghệ hạt nhân: Nhiều ứng dụng đi vào cuộc sống

00:00 - Thứ Sáu, 27/05/2016 Lượt xem: 2960 In bài viết
Cùng với việc bảo đảm phát triển bền vững và an toàn của điện hạt nhân, những ứng dụng của công nghệ hạt nhân vào đời sống là vấn đề thu hút sự quan tâm của dư luận. Xung quanh nội dung này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Hoàng Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).

Ứng dụng công nghệ hạt nhân trong nông nghiệp để tạo ra các giống lúa, đậu với nhiều đặc tính ưu việt.

- Thưa ông, hiện việc ứng dụng công nghệ hạt nhân trong y tế và công nghiệp ở Việt Nam đã đạt được một số thành tựu nhất định. Ông có đánh giá gì về các kết quả này và có thể cho biết những mục tiêu sắp tới?

- Việc ứng dụng công nghệ hạt nhân đã phát huy tốt trong nhiều lĩnh vực như y tế, bảo vệ môi trường, ứng dụng trong nông nghiệp để tạo ra các giống ứng phó với biến đổi khí hậu như hạn hán, chịu mặn…
Ở Việt Nam, việc đưa các ứng dụng của đồng vị phóng xạ vào trong cuộc sống ở các lĩnh vực khác nhau có tiềm năng lớn. Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) để tiếp tục phát triển tiềm năng này. Tuy nhiên sự phát triển này phải làm theo quy mô mới, tức là có sự kết hợp liên ngành, liên bộ để cùng nhau đưa các giải pháp KH&CN, trong đó có ứng dụng năng lượng nguyên tử vào ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh lương thực, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân qua khám chữa bệnh bằng các phương thức hiện đại của y học hạt nhân…

- Trong bối cảnh, vấn đề an toàn thực phẩm được rất nhiều người quan tâm, hiện mới chỉ có TP Hồ Chí Minh và Hà Nội có 2 trung tâm chiếu xạ khử trùng phục vụ khử trùng các sản phẩm xuất khẩu. Vậy trong thời gian tới, chúng ta có định hướng như thế nào để nâng cao ứng dụng công nghệ năng lượng nguyên tử trong xuất khẩu nông sản, hải sản, thưa ông?

- Một trong những ứng dụng quan trọng của năng lượng nguyên tử là công nghệ chiếu xạ. Công nghệ này được áp dụng thành công tại Việt Nam bắt đầu từ Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, sau đó là Trung tâm Nghiên cứu và Triển khai công nghệ bức xạ tại TP Hồ Chí Minh. Các trung tâm này đã thực hiện dịch vụ khử trùng cho nông sản, hải sản để xuất sang các thị trường khó tính tại Châu Âu, Nhật Bản. Tuy nhiên, tiềm năng sử dụng công nghệ bức xạ không chỉ là trong lĩnh vực chiếu xạ bảo quản thực phẩm mà còn trong các lĩnh vực khác như tạo ra các vật liệu có đặc tính quan trọng dùng trong nông nghiệp, môi trường, công nghiệp. Chúng tôi cho rằng đây là triển vọng rất lớn cần đầu tư để xây dựng nhóm nghiên cứu kết hợp các doanh nghiệp, thương mại hóa các kết quả nghiên cứu về ứng dụng bức xạ tại Việt Nam.

- Vấn đề bảo đảm an toàn hạt nhân luôn được đặt lên hàng đầu trong chiến lược phát triển năng lượng nguyên tử. Ông có thể cho biết sự cố tại nhà máy điện hạt nhân tại Nhật Bản có tác động như thế nào tới việc hoạch định an toàn điện hạt nhân của Việt Nam trong tương lai?

- Sự cố điện hạt nhân tại Nhật Bản khiến các nhà máy điện hạt nhân trên thế giới phải gia cố và tăng cường nhiều giải pháp để ứng phó với sự cố và bảo đảm an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân đang hoạt động cũng như là các dự án điện hạt nhân đang được triển khai. Việt Nam cũng đã nghiên cứu những bài học đó.

- Thưa ông, trong năm 2016, những hoạt động trọng tâm trong phát triển cơ sở hạ tầng cho dự án điện hạt nhân và đặc biệt là dự án Điện hạt nhân Ninh Thuận I là gì?

- Hiện hồ sơ phê duyệt địa điểm cũng như dự án đầu tư do Tập đoàn Điện lực thực hiện đối với 2 nhà máy Điện hạt nhân Ninh Thuận I và Điện hạt nhân Ninh Thuận II đã được hoàn thành về căn bản và đang được các cơ quan có thẩm quyền ở các bộ, ngành khác nhau nghiên cứu, thẩm định để có thể trình lên Hội đồng thẩm định cấp Nhà nước trước khi Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt. Đây là khâu rất quan trọng để từ đó có thể tiếp tục triển khai các nội dung khác của dự án cũng như đồng thời tổ chức các hoạt động để hoàn thiện cơ sở hạ tầng phục vụ cho một dự án điện hạt nhân an toàn, an ninh và hiệu quả.

- Xin cảm ơn ông!

Theo Hanoimoi
Bình luận
Back To Top