Giáo dụcKhoa học

Các quy luật thời tiết không còn giống như trước

14:41 - Thứ Hai, 22/08/2016 Lượt xem: 3834 In bài viết

Bão lũ từ khơi xa, hình thành ở nhiều vị trí khác nhau liên tục xối vào một góc của Bắc bộ và có trường hợp như bão số 2 không đổ bộ trực tiếp cũng gây chết người. Mỗi lần bão đến rồi đi, hàng triệu người lại nơm nớp lo đi lại, ăn ở, lịch trình công việc và cả tính mạng, sự an toàn của bản thân lẫn gia đình. Công tác dự báo được quan tâm nhất nhưng sau mỗi lần bão tan lại có những luồng quan điểm khác nhau về sự “đúng - sai” của thông tin dự báo. Phóng viên Báo SGGP có cuộc trao đổi với ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng - thủy văn Quốc gia (Bộ TN-MT) để tìm hiểu thêm những điều dư luận băn khoăn…

- Phóng viên: Thưa ông, tại sao dự báo bão lại có những điều chưa đúng với diễn biến, ví dụ như bão số 1 cảnh báo bình thường thì thực tế bão dữ dội, thiệt hại nặng nề, còn bão số 3 vừa rồi từ chỉ đạo đến dự báo đều tỏ ra rất nghiêm trọng nhưng thực tế bão lại không như dự báo…?

 
 Ông Lê Thanh Hải.
>> Ông LÊ THANH HẢI: Câu chuyện dự báo sát và chưa sát so với tình hình thực tế của bão liên quan tới khía cạnh khoa học khí tượng và có rất nhiều yếu tố. Tất nhiên, chúng tôi sẽ xem xét lại tất cả mọi vấn đề, nhưng nên hiểu rằng hiện nay trong bối cảnh thời tiết đang chịu ảnh hưởng rất rõ rệt của biến đổi khí hậu, các quy luật thiên tai - thời tiết đã không còn giống như trước nữa, không chỉ khó dự báo hơn mà còn xuất hiện các biểu hiện cực đoan, dị thường chưa từng có trong lịch sử khí tượng. Một số hình thái như bão hiện nay ngay cả các nhà khoa học và cơ quan khí tượng thế giới cũng chưa thể hiểu hết được và có những hiện tượng mà họ phải thừa nhận là bất khả thi trong dự báo. Cơn bão số 1 cũng rất dị thường, khi đổ bộ vào tới bờ thì mạnh hơn và di chuyển chậm lại, cơ quan khí tượng đã dự báo khá chính xác vị trí bão đổ bộ nhưng chưa dự báo đúng cấp độ bão, song đó cũng là một kết quả đáng khích lệ và tiến bộ hơn so với trước.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng, trong điều kiện cơ sở vật chất, công nghệ và trình độ dự báo như của chúng ta hiện nay, làm được như vậy là cũng cần được cổ vũ, tất nhiên chúng tôi cũng cần phải nỗ lực rất nhiều nữa. Tại các quốc gia phát triển, họ không chỉ có đội ngũ nhân lực dự báo mạnh, mà còn được trang bị và đầu tư khá đồng bộ, toàn diện về các máy móc, thiết bị quan trắc, đo mưa đo gió, radar thời tiết, hệ thống thiết bị cung cấp dữ liệu ảnh vệ tinh, thám sát bão… Thời tiết và thiên tai có nhiều yếu tố tổng hợp, hoạt động liên hoàn nên cần có công nghệ tốt, có đủ thông tin dữ liệu mới có thể đưa ra được số liệu, bản tin cảnh báo chính xác (và cũng không thể tuyệt đối). Trong khi như ở nước ta hiện nay, hệ thống quan trắc trên biển còn rất thưa thớt (hệ thống đo mưa, quan trắc nhiệt độ và gió, thủy văn trên đất liền thì cơ bản tạm chấp nhận được)…, nên không đủ dữ liệu để dự báo và cảnh báo về bão.

 

Cây xà cừ lớn đổ ngang đường tại ngã tư Quán Sứ - Hai Bà Trưng, Hà Nội lúc trong bão số 3.

- Có phải hiện nay chúng ta đang dự báo bão chỉ dựa chủ yếu trên việc quan sát hình ảnh vệ tinh?

Quan sát qua ảnh vệ tinh chỉ một phần, chúng tôi vẫn phải dựa vào các thông số, dữ liệu khác mới đưa ra được thông tin về tốc độ, cấp độ bão. Hiện nay về ảnh vệ tinh, chúng ta vẫn đang được cung cấp miễn phí từ Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc… Mà những dữ liệu vệ tinh để quan sát chỉ cho ta thấy dữ liệu hiện tại của cơn bão, còn để biết các dữ liệu sắp xảy ra trong 24 giờ, 36 giờ, 48 giờ tới… thì cần phải có các mô hình dự báo bão (được tổng hợp bằng nhiều nguồn thông tin dữ liệu) và ngay cả các mô hình cũng chỉ đưa ra kết quả gần đúng.

Vì vậy, tùy từng loại hình thời tiết, đối với gió mùa Đông Bắc thì hiện chúng tôi có thể dự báo trước tới 10-15 ngày và tương đối chính xác, nhưng với dự báo bão thì chỉ dự báo trước được 1-2 ngày, dữ liệu của ngày thứ 3 chỉ có tính tham khảo.

- Nếu bây giờ được đầu tư một khoản tiền lớn, liệu có thể dự báo chính xác được không, thưa ông?

Cũng chưa thể làm ngay được vì như tôi đã chia sẻ, nguyên nhân cũng không chỉ do thiếu thiết bị quan trắc, dữ liệu mà cả vấn đề trình độ sử dụng công nghệ và năng lực, nguồn nhân lực nữa. Tất nhiên, đầu tư cho cơ sở hạ tầng là nhu cầu cần thiết, nhưng để thay đổi, theo tôi cần phải có một quá trình để đào tạo về nhân lực và tiếp cận cách sử dụng công nghệ.

- Dư luận lâu nay nói nhiều về việc dự báo theo kiểu trừ hao. Có bao giờ cơ quan dự báo khí tượng nâng cấp bão được cảnh báo so với thực tế hay không?

So với các hiện tượng như mưa, băng giá thì ở nước ta, bão được coi là một hình thái rất nguy hiểm. Do năng lực dự báo của chúng ta còn hạn chế vì gặp nhiều khó khăn, trong một trường hợp bao giờ cũng phải đưa ra 2 phương án. Tôi ví dụ, nếu có một phương án bão mạnh cấp 10 và một phương án bão chỉ cấp 9 thì chắc chắn chúng tôi phải chọn phương án bão mạnh cấp 10 chứ không thể chọn phương án cấp 9 được. Chúng tôi buộc phải chọn các phương án có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng để cảnh báo, và đề nghị phương án tổ chức phòng tránh với tinh thần cảnh giác bão cao hơn. Nếu chỉ dự báo cấp 8 và 9 mà trên thực tế bão mạnh cấp 10 thì sẽ để lại hậu quả còn nặng nề hơn.

Theo tôi, cần phải hiểu mỗi trận bão là một cuộc tập dượt để có kinh nghiệm ứng phó khi có những cơn siêu bão, và dự báo có thể sai trong bối cảnh thời tiết đang chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, mọi quy luật của bão và thời tiết, thiên tai đều trái quy luật so với trước, chứ nếu đòi hỏi lần nào cũng phải dự báo chính xác 100% thì khó lắm, thậm chí còn gây căng thẳng cho những người làm công tác dự báo. Mỗi khi có bão, các anh em ở trung tâm đều căng hơn cả dây đàn, nếu dự báo có sai số thì sau khi bão qua đi ai cũng đều cảm thấy buồn. Mấy hôm nay chúng tôi lại phải động viên anh em cố gắng khắc phục những khó khăn về điều kiện cơ sở khoa học công nghệ, mạng lưới máy móc, thiết bị còn thiếu thốn… để làm cho tốt hơn trong việc dự báo những cơn bão kế tiếp.

- Xin cảm ơn ông!

Tháng 9, 10, 11: Bão sẽ vào miền Trung và Nam bộ nhiều hơn

Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng - thủy văn Quốc gia Lê Thanh Hải cũng cho biết, qua các dữ liệu tổng hợp sơ bộ cho thấy, từ tháng 9-2016 hiện tượng La Nina bắt đầu hoạt động trở lại nhưng chỉ là La Nina yếu. Quy luật của La Nina là làm mưa nhiều hơn, bão lũ dồn dập nhưng chưa phải là cao điểm của thiên tai khốc liệt vì La Nina còn yếu. Tháng 7, 8 thường là mùa bão ở Bắc bộ và theo dự báo thì không còn cơn bão nào đổ bộ vào miền Bắc nữa. Các cơn bão sau sẽ đổ bộ vào miền Trung và Nam bộ. Tháng 9 và 10 mới là mùa bão ở Trung bộ. Từ tháng 11 là mùa bão ở Nam Trung bộ và Nam bộ.

Theo SGGP
Bình luận
Back To Top