Giáo dụcKhoa học

Tại sao smartphone phát nổ? Ta phải làm gì để tự bảo vệ mình?

15:02 - Chủ Nhật, 04/09/2016 Lượt xem: 3268 In bài viết

Vấn đề smartphone phát nổ đang trở lại và nóng hơn bao giờ hết khi Samsung đã phải ra lệnh thu hồi flagship Galaxy Note 7 trên phạm vi toàn cầu vì lí do trên. Vậy tại sao smartphone lại có thể phát nổ và chúng ta có cách nào để tự bảo vệ trước mối nguy hiểm tiềm tàng tồn tại ngay bên cạnh này không?

Nguyên nhân

 

1 trong số 35 chiếc Galaxy Note 7 bị phát nổ được báo cáo.

Trong thông báo chính thức của mình, Samsung đã xác nhận nguyên nhân phát nổ là do pin Lithium-ion trên Galaxy Note 7. Trong điều kiện bình thường, pin Lithium-ion khó có thể bị phồng hay phát nổ được. Tuy nhiên, có hai nguyên nhân cơ bản có thể khiến cho pin Lithium-ion rơi vào tình trạng nguy hiểm.

Theo Android Authority, nguyên nhân đầu tiên đó là viên pin bị thủng, chủ yếu do lực va chạm mạnh khi smartphone bị rơi vỡ. Một lỗ thủng có thể phá vỡ các tấm ngăn cách mỏng giữa các cell pin và gây nên hiện tượng đoản mạch, phồng pin và phát nổ. Ngoài ra, một số loại pin rẻ tiền hay không rõ nguồn gốc có thể vô tình để lẫn một số mảnh kim loại nhỏ trong pin khi chế tạo. Điều này có thể dẫn tới việc đoản mạch khi nguồn điện truyền qua các cell pin bị các mảnh kim loại làm cho sai cách.

Tuy nhiên, trong trường hợp Galaxy Note 7 của Samsung hay một số smartphone phát nổ khác trong thời gian vừa qua, các báo cáo cho thấy vấn đề thường xảy đến khi người dùng đang sạc. Điều này đưa chúng ta tới gợi ý của nguyên nhân thứ 2, đó là nhiệt. Khi nhiệt độ tăng cao tới mức nào đó sẽ đủ để phá vỡ trạng thái của các cell pin, gây hiện tượng đoản mạch và phát nổ. Tuy nhiên, pin chỉ nổ được khi nhiệt độ lên quá cao hoặc pin bị lỗi. Ngoài ra, việc sạc quá mức cũng có thể là một vấn đề khi pin phải nhận một lượng điện quá nhiều so với mức an toàn có thể xử lí, từ đó làm cho pin nóng lên rất nhanh.

Việc một khu vực trên pin trở nên quá nóng so với các khu vực khác có thể dẫn tới hiện tượng "thermal runaway" (tạm dịch là thoát nhiệt). Theo đó, khi một khu vực trên pin không hạ nhiệt đủ nhanh, nó sẽ truyền nhiệt cho các khu vực khác và tạo ra phản ứng dây chuyền khiến nhiệt độ chung của pin tăng dần lên. Nói cách khác, pin càng nóng, tốc độ gia tăng nhiệt càng cao. Quá trình này cứ diễn ra cho tới khi pin trở nên nóng quá mức cho phép và phát nổ.

Thông thường, các pin chất lượng cao đều có các tính năng an toàn giúp ngăn chặn phản ứng dây chuyền nguy hiểm trên xảy ra. Tuy nhiên, lí do gì đã khiến cho flagship hàng đầu của năm nay là Galaxy Note 7 lại có tới 35 vụ nổ pin chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng. Samsung cho biết rằng họ đã mua pin từ nhiều nhà cung ứng khác nhau và một trong số này đã có vấn đề về sản xuất. Nghi vấn hiện đang được đặt ra cho một số nhà cung ứng Hàn Quốc mới được thuê trong năm nay.

Sạc và nhiệt


Có một số nguyên nhân khiến cho việc các thông tin về những vụ nổ pin trên smartphone xuất hiện ngày càng nhiều. Đầu tiên, phải kể đến cuộc chạy đua về công nghệ sạc nhanh của các hãng sản xuất trong những năm qua khiến pin lithium-ion (vốn không có thay đổi gì nhiều về công nghệ) ngày càng phải chịu thêm áp lực. Sạc nhanh hơn nghĩa là lượng điện truyền vào nhiều hơn nhưng lại trong thời gian ngắn hơn. Điều này đồng nghĩa với việc nhiệt sẽ tăng nhanh hơn. Được biết, ở các smartphone được trang bị công nghệ sạc nhanh, pin của chúng đều có một mạch quản lí và chuyển đổi nguồn điện giúp giảm nhiệt và thường nằm ở một bên cạnh của pin. Tuy nhiên, điều này lại dẫn tới việc cạnh còn lại của pin trở nên nóng hơn hẳn.

Ngoài ra, trái với công nghệ pin, các vi xử lí luôn được cải tiến công nghệ theo hướng mạnh hơn và tỏa nhiều nhiệt hơn qua mỗi năm. Ngoài ra, vì nhu cầu tiết kiệm không gian trong smartphone, các vi xử lí thường được bố trí nằm gần pin. Điều này vô tình đã làm khu vực chứa pin đang ngày càng trở nên nóng hơn.

Quay trở lại vấn đề của Galaxy Note 7, chúng ta nên hiểu rõ rằng Samsung cho biết chỉ có pin là nguyên nhân gây ra các vụ nổ chứ không phải các phần khác. Điều đó nghĩa là hãng khẳng định Galaxy Note 7 đủ an toàn để chạy với một viên pin đạt tiêu chuẩn bên trong. Ngoài nguyên nhân Samsung đã mua phải một số pin sản xuất kém chất lượng như đã nêu trên, việc nổ pin có thể còn do thiết lập sai thông số sạc hoặc do một lô sản phẩm bị lỗi.

Cách tự bảo vệ khỏi mối nguy nổ smartphone

Mặc dù sự việc của Galaxy Note 7 là do lỗi nhà sản xuất nhưng người dùng cũng có thể khiến nguy cơ nổ smartphone tăng lên khi để máy gần nguồn nhiệt hay sạc sai cách. Dưới đây là một số lời khuyên của trang công nghệ Android Authority để giúp bạn và smartphone của mình được an toàn hơn:

Đừng sạc khi điện thoại quá nóng: Đừng ngại ngần dừng sạc và để nguội đi một lúc khi bạn thấy máy đang có dấu hiệu quá nóng. Ngoài ra, hãy chắc chắn rằng không có thứ gì đang làm cản trở quá trình thoát nhiệt của điện thoại khi sạc.

Dùng bộ sạc đi kèm điện thoại: Sử dụng bộ sạc được nhà sản xuất cho đi kèm khi mua là cách để sạc smartphone một cách tối ưu nhất. Kể cả khi smartphone của bạn dùng công nghệ sạc nhanh hay cổng USB Type-C, việc dùng các phụ kiện sạc đi kèm vẫn là một sự lựa chọn khôn ngoan.

Không sạc trên giường: Nếu bạn có thói quen vừa sạc, vừa sử dụng điện thoại trên giường để xem phim hay đọc truyện trước khi ngủ thì bạn nên bỏ ngay từ hôm nay. Bạn có thể ngủ quên và nằm đè lên smartphone trong khi đang sạc, một điều thật sự nguy hiểm nếu nó phát nổ. Ngoài ra, việc sạc dưới chăn hay gối có thể khiến máy của bạn bị nóng lên rất nhanh.

Quan sát nơi bạn sạc: Tránh sạc điện thoại trong một thời gian dài ở gần nơi có nhiệt độ cao như để ở gần một bộ tản nhiệt hay nơi có ánh sáng mặt trời chiếu trực tiếp vào.

Được biết, một số dấu hiệu cho thấy pin của bạn đã bị hư hỏng và có nguy cơ phát nổ đó là có tiếng động lạ khi cầm hoặc tháo pin, sần và phồng to. Nếu thấy các dấu hiệu trên, bạn nên lập tức thay pin mới ngay. Tuy nhiên, đừng vội vàng vứt viên pin cũ vào thùng rác vì điều này thật sự có hại cho môi trường. Thay vào đó, bạn nên đưa tới cơ sở xử lí có ủy quyền hoặc một số nơi nhận tái chế pin.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top