Giáo dụcKhoa học

Nhiều đề tài khoa học chưa phát huy hiệu quả

08:59 - Thứ Năm, 17/11/2016 Lượt xem: 3265 In bài viết
ĐBP - Gần đây, hoạt động khoa học và công nghệ của tỉnh đã có bước chuyển biến tích cực, bám sát các yêu cầu thực tiễn, góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, phát triển sản xuất, thực hiện thắng lợi các mục tiêu kinh tế, xã hội của tỉnh. 

Đối tượng được hưởng lợi từ các đề tài, dự án, mô hình sản xuất hầu hết là nông dân. Bà con được hỗ trợ về giống, vật tư, hướng dẫn kỹ thuật mới trong chăn nuôi, trồng trọt, chế biến nông - lâm sản. Song có một thực tế bất cập là có rất nhiều đề tài, dự án nghiên cứu và ứng dụng khoa học công nghệ thành công trong sản xuất, khẳng định được hiệu quả của mô hình.

 
Tuy nhiên, các đề tài, dự án lại khó nhân rộng và không thể phát huy vì đầu ra không có. Đây là nguyên nhân chính làm cho nông dân không tha thiết ứng dụng các đề tài, dự án nghiên cứu, kéo theo việc khó có thể tiếp tục hoàn chỉnh, bổ sung và nâng chất lượng cho các đề tài, hay các công trình nghiên cứu nhanh chóng bị xếp xó. Sự lãng phí này không chỉ gây hao tốn tiền của Nhà nước, mà còn tạo nên sự hoài nghi cho nông dân khi ứng dụng các đề tài, dự án mà hiệu quả kinh tế mang lại không nhiều. Bên cạnh đó, nhiều đề tài khoa học chất lượng không cao, hàm lượng khoa học công nghệ thấp, chưa có tính đột phá, chưa nắm bắt được nhu cầu bức thiết của đời sống.

 

Dự án giấy dó tại bản Na Sang II, xã Núa Ngam không phát huy hiệu quả.

Báo cáo về kết quả hoạt động của Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh, năm 2016 đã phê duyệt 34 đề tài, dự án, trong đó có 23 đề tài, dự án tiếp chi từ năm 2015 và 11 đề tài, dự án mới, với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Tuy nhiên, trong số 34 đề tài, dự án có nhiều đề tài, dự án không phát huy được hiệu quả, như: Dự án phát triển sản xuất các sản phẩm từ giấy dó tại bản Na Sang II, xã Núa Ngam, huyện Điện Biên do Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh làm chủ đầu tư. Dự án có tổng kinh phí hơn 700 triệu đồng, thực hiện từ cuối năm 2014. Mục tiêu của dự án sản xuất các sản phẩm như túi giấy, đèn lồng, giấy... làm từ giấy dó với chất lượng tốt, thân thiện với môi trường, đồng thời tạo việc làm ổn định cho khoảng 20 lao động địa phương, tăng thu nhập từ 1,5 – 2 triệu đồng/lao động... Mục đích là vậy, nhưng dự án đang gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, do quá trình trình bày, thuyết minh đề tài đã bỏ thiếu một số hạng mục không được đầu tư. Theo Sở Khoa học và Công nghệ, một số nội dung đơn vị thực hiện chưa đảm bảo tiến độ như xây dựng nhà xưởng, mua sắm trang thiết bị, trồng cây nguyên liệu...  Trong thuyết minh dự án đơn vị chủ trì không có nội dung lắp đặt đường điện 3 pha và không xây dựng dự toán kinh phí lắp đặt dòng điện 3 pha cấp điện đến nhà xưởng, trong khi đó để dự án này đi vào sản xuất, vận hành được cần phải có điện 3 pha. Trong khi đó, việc bố trí kinh phí từ nguồn ngân sách hàng năm đã phân bổ đủ cho các đề tài, dự án. Cho đến thời điểm này đơn vị chủ trì vẫn chưa báo cáo nội dung phát triển vùng nguyên liệu và đường điện 3 pha, không thực hiện được nội dung sản xuất giấy dó và phát triển các sản phẩm từ giấy dó... Ông Lò Văn Thoong, Giám đốc Hợp tác xã dệt thổ cẩm Na Sang II, xã Núa Ngam băn khoăn: Nhà nước đầu tư, phát triển ngành nghề truyền thống cho bà con là tốt lắm. Nhưng dự án giấy dó đã kéo dài nhiều năm mà chưa hoàn thiện, thậm chí máy móc thiết bị được đầu tư cũng không phù hợp để sản xuất khiến bà con hoài nghi về hiệu quả thiết thực của dự án.

Cũng trong năm 2016, Hội đồng Khoa học và Công nghệ tỉnh đã không xét duyệt, triển khai 1 dự án ứng dụng công nghệ nuôi thương phẩm và sinh sản bò Brahman thuần chủng Úc tại Điện Biên do Doanh nghiệp tư nhân Luyện Thùy làm chủ đầu tư với lý do không đủ điều kiện quy định để nhập giống. Đặc biệt, khi có sản phẩm thì thị trường tiêu thụ rất khó và khả năng phát triển nhân rộng dự án sẽ gặp khó khăn, vì các cơ sở giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh và các tỉnh lân cận chưa có cơ sở nào đảm bảo tiêu chuẩn ESCAS (lò giết mổ phải đảm bảo tiêu chuẩn gọi là phúc lợi động vật). Ngoài ra cũng có những đề tài, dự án khi ứng dụng vào thực tế rất hiệu quả, nhưng sau khi dự án kết thúc thì mô hình cũng “biến” mất, như dự án nuôi cá lồng trên lòng hồ sông Đà ở TX. Mường Lay do Trung tâm Thủy sản tỉnh triển khai từ năm 2013 – 2014. Từ đó đến nay, Trung tâm Thủy sản đã triển khai 3 mô hình nuôi trồng thủy sản, gồm: nuôi cá lồng trên hồ thủy điện Sơn La, nuôi cá rô phi đơn tính trong lồng và nuôi cá hương lên cá giống được triển khai trên địa bàn thị xã với tổng kinh phí gần 3,5 tỷ đồng, thu hút 30 hộ đăng ký tham gia. Còn khi dự án kết thúc thì hầu hết người tham gia cũng không thể kham nổi. Nguyên nhân, khi dự án còn thời gian thì người tham gia dự án được hỗ trợ giống, áp dụng khoa học kỹ thuật, chi phí thức ăn, nhưng khi dự án hết thì người dân không được hỗ trợ nữa, trong khi đó chi phí đầu tư cho 1 lồng cá là rất lớn nên bà con cũng khó có điều kiện thực hiện tiếp. Hơn nữa việc nuôi cá lồng chủ yếu là cá rô phi đơn tính, trong khi loại cá này cho giá trị thương phẩm không cao, thị trường tiêu thụ khó. TP. Điện Biên Phủ là nơi tiêu thụ chủ yếu, nhưng quãng đường vận chuyển khá xa, tốn kém. Trong khi đó, ở các xã lòng chảo huyện Điện Biên hàng năm cũng cung cấp cho thành phố lượng lớn các loại thực phẩm về thủy sản, trong đó có cá rô phi. 

Ông Bạc Cầm Khuyên, Trưởng phòng Kế hoạch Quản lý Khoa học (Sở Khoa học và Công nghệ) cho biết: Hàng năm đơn vị nhận được rất nhiều danh mục các đề tài, dự án khoa học. Tuy nhiên, việc xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học còn mang tính chất dàn trải, hàm lượng khoa học thấp và không đưa vào được sản xuất. Bên cạnh đó các tổ chức, cá nhân chưa quan tâm đúng mức đến khâu đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ; một số nhiệm vụ chỉ do cá nhân đề xuất nên không sát với yêu cầu, không có tính khả thi. Thêm nữa, quy trình từ việc đề xuất, lựa chọn, phê duyệt đến nghiệm thu đề tài, dự án còn rườm rà, mất nhiều thời gian, nhất là quy trình về cấp, thẩm định, thanh quyết toán kinh phí, gây ra tâm lý “ngại” đề xuất và thực hiện đối với tổ chức, cá nhân.

Là tỉnh còn nhiều khó khăn, nên việc đầu tư cho hoạt động khoa học và công nghệ trên địa bàn chủ yếu cân đối từ ngân sách. Từ đặc thù của tỉnh miền núi, sản xuất nông - lâm nghiệp là chủ yếu, nên đầu tư kinh phí cho xây dựng các dự án, mô hình trong lĩnh vực sản xuất nông - lâm nghiệp thường chiếm trên 50% tổng kinh phí nghiên cứu triển khai. Vì vậy, cần quan tâm nhiều hơn đến việc xét duyệt các đề tài, dự án, mạnh dạn loại bỏ những đề tài, dự án, công trình nghiên cứu khoa học thiếu khả thi và không phát huy được hiệu quả. Bởi với nguồn vốn đầu tư có hạn, cần lựa chọn và ưu tiên đầu tư cho các đề tài, dự án mang tính bức thiết và giải quyết kịp thời các khó khăn do thực tiễn đặt ra. Đặc biệt, tránh tình trạng các đề tài, dự án sau khi đưa vào áp dụng thực tế lại kém hiệu quả, gây lãng phí tiền bạc và giảm niềm tin của người dân.

Bài, ảnh: Văn Tâm
Bình luận
Back To Top