Giáo dụcKhoa học

Năng lượng hạt nhân: Không còn là lựa chọn tối ưu

16:28 - Chủ Nhật, 20/11/2016 Lượt xem: 3186 In bài viết

Trong suốt nửa thế kỷ vừa qua, điện hạt nhân (ĐHN) đã được xem như cuộc cách mạng trong ngành năng lượng thế giới, tạo đòn bẩy cho nhiều nền kinh tế và tạo nguồn lực sống còn cho các hoạt động sản xuất, phát triển, công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, sau nhiều thập kỷ được “cưng chiều”, thế giới đang có xu hướng nhìn nhận lại loại hình năng lượng này vì sự thiếu bền vững, nhiều rủi ro, nguy cơ ô nhiễm môi trường và lợi ích kinh tế ngày càng ít...

Trong vòng 20 năm trở lại đây, tỷ lệ ĐHN trong bản đồ điện năng thế giới đã giảm từ 17% xuống còn 11%. Số nhà máy được xây dựng mới cũng giảm mạnh liên tục sau từng năm: 15 lò năm 2010, 10 lò năm 2013, 3 lò năm 2014. Hầu hết các nước phát triển - đặc biệt là những quốc gia trong Liên minh Châu Âu (EU) - đều đã quyết định sẽ từng bước chia tay loại năng lượng này.

 

Chi phí để xử lý hậu quả của các lò phản ứng hạt nhân luôn là gánh nặng khổng lồ với nền tài chính của mỗi quốc gia.

Thực tế, công suất ĐHN của EU cũng giảm liên tục từ năm 2000 tới nay, như hệ quả của việc đóng cửa hàng loạt các lò phản ứng và sự gia tăng của các loại hình năng lượng tái tạo hiện chiếm 27% tổng sản lượng điện EU. Có một thực tế là cho dù phải nhập khẩu tới 53% năng lượng với tổng chi phí khoảng 400 tỷ euro mỗi năm, đa số người dân trong khối này cũng không ủng hộ việc sử dụng ĐHN hiện đang chiếm 27% tổng sản lượng điện của EU (bên cạnh 27% nhiệt điện than, 17% nhiệt điện khí, 2% nhiệt điện dầu). 

Mặt khác, kể từ khi triển khai ĐHN, giá thành loại năng lượng này trên thế giới liên tục tăng. Nguyên nhân chính được cho là bởi những yêu cầu an toàn ngày càng cao hơn khiến cho nhà máy liên tục phải hiện đại hóa, đồng thời chi phí phá dỡ, khử phóng xạ, cất giữ chất thải hạt nhân cũng tăng mạnh sau từng năm. Điều này đã đẩy nhiều công ty ĐHN của EU, Mỹ, Nhật Bản, Nga… vào thế khó. 

Tại Anh, riêng việc tháo dỡ các lò phản ứng tại Sellafield - vốn là nơi tập trung nhiều dự án năng lượng hạt nhân của đảo quốc Sương mù - đã tiêu tốn khoảng 3 tỷ euro mỗi năm với đội ngũ nhân sự gần 10.000 người. Con số này chưa kể tới gần 2 tỷ euro/năm nữa để bảo đảm các hoạt động. Ngoài ra, những thảm họa lớn có liên quan đến ĐHN trong một thập kỷ qua - điển hình là sự cố Fukushima tại Nhật Bản hồi năm 2011 - cũng đã minh chứng cho những rủi ro lớn luôn tiềm ẩn của các lò phản ứng. Sự kiện này cũng gây ra hàng loạt các cuộc tuần hành ở nhiều nước, phản đối việc vận hành các lò phản ứng hạt nhân phát điện. Tại Đức, dư luận đã khiến chính phủ phải đóng cửa 8 trong tổng số 17 lò phản ứng, đồng thời cam kết sẽ đóng nốt số còn lại muộn nhất là tới năm 2022 và chấp nhận mất khoảng 2 tỷ euro thu ngân sách mỗi năm. Tập đoàn Siemens của nước này cũng tuyên bố rút khỏi lĩnh vực ĐHN từ tháng 9-2016. 

Để bù đắp năng lượng thiếu hụt, Đức - nền kinh tế số một Châu Âu - đã thực thi chính sách tiết kiệm điện và tăng tỷ lệ năng lượng tái tạo và đề ra mục tiêu đạt 35% vào năm 2020. Tương tự như vậy, Pháp cũng tuyên bố sẽ giảm tỷ lệ ĐHN từ 76% hiện nay xuống còn 50% tổng sản lượng điện trong năm 2025, đồng nghĩa với việc khoảng 24 lò phản ứng trên tổng số 58 lò của nước này bị đóng cửa từ nay tới mốc thời gian trên. Tại Phần Lan, kế hoạch xây thêm lò Olkiluoto 4 hiện đã bị hủy bỏ trong khi Lithuania đang cân nhắc kết thúc hoàn toàn các dự án ĐHN do vấp phải sự phản đối của người dân. Một số nước như Cộng hòa Czech, Slovakia, Hungary cũng đều gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn tài chính cần thiết cho các dự án hiện đại hóa các nhà máy ĐHN mà họ đang vận hành. 

Tuy nhiên, việc đóng cửa các lò hạt nhân phát điện hiện cũng đặt nhiều chính phủ vào những khó khăn tài chính do mức chi phí quá cao. Theo tính toán của Ủy ban Châu Âu (EC), để đóng cửa 128 lò trên toàn EU, các nước sẽ phải bỏ ra tối thiểu khoảng 268 tỷ euro cho chi phí tháo dỡ, khử phóng xạ và cất giữ chất thải hạt nhân. Trong khi đó, một số dự toán khác còn cho rằng mức thức tế có thể lên tới 485 tỷ euro. Đây là một gánh nặng tài chính không nhỏ ngay cả với những nền kinh tế phát triển bậc nhất.

Sau những thập kỷ phát triển rực rỡ, những vấn đề nảy sinh, đặc biệt là rủi ro về độ an toàn khiến ĐHN ngày càng nằm ngoài sự lựa chọn của nhiều quốc gia. Xu hướng này cũng phù hợp với mục tiêu hướng đến một cuộc sống xanh của nhân loại. Vì vậy, điều quan trọng là phải đẩy mạnh việc nghiên cứu, tìm kiếm và áp dụng những nguồn năng lượng mới, nhất là năng lượng tái tạo (mặt trời, gió, thủy triều…) để đáp ứng nhu cầu của con người và vẫn thân thiện với môi trường.

Theo HNM
Bình luận
Back To Top