Giáo dụcKhoa học

Khu Bảo tồn thiên nhiên Mường Nhé

“Của thiên” còn một chút này

16:01 - Thứ Ba, 17/01/2017 Lượt xem: 3070 In bài viết
ĐBP - Được thiên nhiên ưu ái ban tặng, Khu bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Mường Nhé có diện tích trải dài qua địa bàn 5 xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Nậm Kè, Mường Nhé của huyện Mường Nhé. Nằm trong vùng có đặc điểm khí hậu nhiệt đới, đất đai phì nhiêu, nhiều sông suối - là điều kiện thuận lợi để hình thành một hệ động, thực vật rừng phong phú, đa dạng trong khu bảo tồn. 

Ở đây có rất nhiều rừng nguyên sinh như: rừng thường xanh trên đất thấp, rừng thường xanh núi thấp, rừng thường xanh trên núi cao và rừng tre nứa được bảo tồn nguyên vẹn; đồng thời cũng là nơi cư trú của nhiều loại động vật quý hiếm.

 
Tiền thân của Khu BTTN Mường Nhé là Khu rừng cấm quốc gia được thành lập theo Quyết định số 6/QĐ-TKNN ngày 8/7/1976 của UBND tỉnh Lai Châu (cũ) và được Nhà nước công nhận theo Quyết định 194/CT ngày 9/8/1986 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) với diện tích 182.000ha. Sau khi chia tách, thành lập 2 tỉnh Lai Châu mới và Điện Biên (2004), diện tích quy hoạch Khu BTTN Mường Nhé bị thu hẹp vì phần lớn diện tích thuộc địa bàn huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Đến năm 2008, UBND tỉnh Điện Biên ra Quyết định số 593/QĐ-ND, ngày 23/5/2008 phê duyệt Dự án Quy hoạch chi tiết Khu BTTN Mường Nhé, tỉnh Điện Biên giai đoạn 2008 - 2020 với diện tích 45.581ha.

 

Một góc Khu BTTN Mường Nhé.

Thời gian qua, Khu BTTN Mường Nhé đã bổ sung được 248 loài mới (198 loài bướm, 34 loài lưỡng cư, 16 loài bò sát) nâng tổng số loài đã thống kê được trong Khu Bảo tồn lên 742 loài thực vật, thuộc 502 chi, 158 họ; động vật có 60 loài thú, 257 loài chim, 77 loài bò sát, 40 loài lưỡng cư, 198 loài bướm. Trong đó, có 37 loài thực vật (sơn tuế, pơ mu, ba gạc Ấn Độ, ngũ gia bì gai, trầm hương, lan kim tuyến...) và 31 loài động vật (gấu ngựa, gấu chó, vượn bạc má, vượn đen, các loài khỉ, cầy, tê tê, gà lôi, trăn mốc, rái cá, các loài rắn hổ, bướm phượng cánh chim...) thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm cần bảo vệ đặc biệt.

 

Cán bộ Ban Quản lý, Hạt Kiểm lâm Khu BTTN Mường Nhé tuần tra rừng.

Khu BTTN Mường Nhé giữ vai trò, ý nghĩa rất quan trọng trong bảo vệ rừng, nguồn nước, bảo vệ đa dạng sinh học song những năm qua, công tác quản lý, bảo vệ còn gặp nhiều khó khăn, bất cập. Khu Bảo tồn chính thức có Ban Quản lý từ năm 2005 (được thành lập theo Quyết định số 1019/QĐ-UBND ngày 3/10/2005 của UBND tỉnh Điện Biên), trực thuộc Chi cục Kiểm lâm tỉnh. Tuy nhiên đến nay đơn vị chưa có trụ sở, phải sử dụng nhà của Trạm quản lý, bảo vệ rừng xã Chung Chải để làm việc. Lực lượng cán bộ còn thiếu so với yêu cầu nhiệm vụ. Hiện nay, Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn (gồm văn phòng hạt và 4 trạm quản lý bảo vệ rừng) có tổng số 12 người. Theo quy định, 1 cán bộ kiểm lâm quản lý tối đa 500ha rừng đặc dụng (Nghị định số 117/2010/NĐ - CP của Chính phủ về tổ chức và quản lý hệ thống rừng đặc dụng) nhưng hiện nay, mỗi kiểm lâm của đơn vị đang phụ trách quản lý hơn 5.000ha (gấp 10 lần). Nhân lực thiếu nhưng vẫn hoàn thành nhiệm vụ quản lý, bảo vệ diện tích rừng rất lớn là nỗ lực vượt bậc của cán bộ, nhân viên Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn. Những năm gần đây, dân di cư tự do ồ ạt vào địa bàn huyện Mường Nhé nói chung, địa bàn các xã giáp ranh Khu Bảo tồn, như: Nậm Kè, Chung Chải, Mường Nhé nói riêng kéo theo tình trạng phá rừng bừa bãi làm đất sản xuất, săn bắn thú rừng, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến khu sinh thái này. Trước mối đe dọa đó, Ban Quản lý Khu BTTN Mường Nhé và Hạt Kiểm lâm Khu Bảo tồn đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp giữ rừng, bảo vệ sự đa dạng sinh thái như: Dựng biển cấm phá rừng; phối hợp với kiểm lâm địa bàn các xã tuyên truyền công tác bảo vệ rừng, phòng cháy, chữa cháy rừng; tăng cường tuần tra bảo vệ, kịp thời ngăn chặn, xử lý các hành vi phá rừng, săn bắn trái phép. Mỗi chuyến tuần tra rừng thường bắt đầu khi trời còn mờ sương đêm và kéo dài 3 - 5 ngày bởi địa hình phức tạp, diện tích quản lý rộng. Cắt rừng, lội suối hàng chục cây số nhưng phương tiện di chuyển duy nhất là... đôi chân các thành viên đoàn tuần tra và phương tiện vận chuyển thiết bị chuyên dụng, nhu yếu phẩm cũng chỉ là đôi vai của họ. Vất vả, mỏi mệt nhưng hiệu quả những chuyến tuần tra, bảo vệ rừng là rất rõ rệt. Bởi, nhờ đó lực lượng chức năng đã phát hiện và bắt giữ nhiều đối tượng phá rừng, khai thác, săn bắn động thực vật trái phép, giữ màu xanh của rừng và môi trường sống yên bình cho hệ sinh vật Khu Bảo tồn.

 

Đoàn công tác liên ngành thả cá thể khỉ mặt đỏ vào Khu BTTN Mường Nhé.

Song, mối đe dọa không phải chỉ từ dân di cư sống ở vùng lân cận. Ông Vi Văn Thuy, Phó Giám đốc Ban Quản lý Khu BTTN Mường Nhé cho biết: Một trong những trăn trở lớn của chúng tôi hiện nay là 12 hộ dân ở điểm Nậm Kè Nọi, bản Huổi Thanh I và 6 hộ bản Huổi Thanh II đang ở trong vùng lõi Khu Bảo tồn. Tổng diện tích sản xuất của những hộ dân này gồm 8,217ha nương và 8,5ha ruộng. Dù thời gian qua những hộ này không chặt phá, xâm hại rừng trong Khu Bảo tồn nhưng vẫn có những tác động nhất định. Đó là môi trường sinh thái, đa dạng sinh học bị ảnh hưởng; khó kiểm soát về công tác quản lý, bảo vệ rừng và vấn đề an ninh trật tự. Do vậy, vấn đề cần thiết là quan tâm di chuyển các hộ này ra khỏi Khu Bảo tồn càng sớm càng tốt.

Mặc dù thời gian qua, diện tích rừng thuộc Khu BTTN Mường Nhé được bảo vệ tốt nhưng không vì thế mà chúng ta mất cảnh giác, đặc biệt là tình trạng phá rừng trên địa bàn huyện Mường Nhé thời gian qua. Nguyên nhân chính của nạn phá rừng khốc liệt ấy là do số lượng dân di cư tự do quá lớn; gần 2/3 dân số toàn huyện là dân di cư tự do, để có lương thực họ đã tàn phá rừng lấy đất làm nương. Chưa ai dám chắc dân di cư tự do sẽ không bao giờ xâm hại đến Khu BTTN Mường Nhé. Nhất là ngay tại các xã có diện tích thuộc Khu Bảo tồn, rừng cũng bị phá thảm hại. Năm 2010, xã Leng Su Sìn có hơn 11.000ha rừng tự nhiên, đến năm 2015 còn khoảng 8.000ha. Năm 2016, khoảng 60ha rừng thuộc các bản: Nậm Khum, Nậm Sin và Đoàn Kết (xã Chung Chải) đã bị dân di cư tự do phá hại...

 

Nhà khoa học, chuyên gia nước ngoài khảo sát, nghiên cứu hệ động vật trong Khu BTTN Mường Nhé.

Bên cạnh những nguy cơ, thách thức đối với nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng thì công tác bảo tồn đa dạng sinh học tại Khu BTTN Mường Nhé cũng gặp nhiều khó khăn. Hiện nay, Ban quản lý chỉ có 2 cán bộ Phòng kế hoạch - Khoa học - Kỹ thuật kiêm nhiệm công tác bảo tồn đa dạng sinh học. “Họa vô đơn chí”, trong khi thiếu cán bộ chuyên sâu về chuyên môn, nghiệp vụ thì nguồn vốn đầu tư cho công tác nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học cũng hầu như chưa có nên khó tổ chức được hoạt động nghiên cứu khoa học, bảo tồn đa dạng sinh học. Chính vì vậy mà cán bộ Ban Quản lý ngoài việc tích cực, trách nhiệm với công tác tuần tra, bảo vệ thì cũng chỉ thực hiện được việc cứu hộ, chăm sóc các loài thú do người dân được vận động giao nộp trước khi thả về tự nhiên. Gần đây nhất là tháng 11/2016, sau 4 ngày chăm sóc, giám định sức khỏe, Ban Quản lý Khu Bảo tồn đã thả về tự nhiên 1 cá thể khỉ mặt đỏ (tên khoa học là Maccac arctoides) nặng 7kg do người dân giao nộp.

Những năm thập kỷ 80 trở về trước, rừng nguyên sinh Mường Nhé bạt ngàn, nhiều loài thú lớn như: Voi, bò tót, hổ, báo... đi từng đàn. Đến nay, các loài thú đó đã biến mất khỏi rừng Mường Nhé, các cánh rừng cũng đang dần thu hẹp bởi “nhân tai”. Quà tặng vô giá từ thiên nhiên cũng chỉ còn ít ỏi trong Khu BTTN Mường Nhé. Chút “của trời” đó có giữ được hay không, cần nhiều nỗ lực không chỉ của riêng cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Khu BTTN Mường Nhé!

Bài, ảnh: Nguyễn Đức Bảo
Bình luận
Back To Top