Giáo dụcKhoa học

Chẩn, trị ung thư: Việt Nam không thua thế giới

09:06 - Thứ Sáu, 03/02/2017 Lượt xem: 3158 In bài viết
Cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác”, do GS.TS Mai Trọng Khoa, Phó Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu cùng các cộng sự thực hiện đã khẳng định việc chẩn, trị ung thư ở Việt Nam không thua thế giới.

Năm 2012, PGS.TS Đỗ Quốc Hùng, nguyên Trưởng phòng C7, Viện Tim mạch của Bệnh viện Bạch Mai được chẩn đoán mắc bệnh ung thư phổi giai đoạn cuối (Giai đoạn B4). Với suy nghĩ “còn nước còn tát”, ông Hùng đã đến gặp GS.TS Mai Trọng Khoa để xin tư vấn. Sau đó, ông được áp dụng các kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong điều trị ung thư để chữa trị. Sáu tháng sau, khối u ung thư phổi trong cơ thể ông Hùng đã biến mất.

 

GS.TS Mai Trọng Khoa, chủ nhiệm cụm công trình.

Chia sẻ về quá trình chữa trị của mình, PGS.TS Đỗ Quốc Hùng không kìm được xúc động cho biết: “Thần kỳ ở chỗ tất cả chỗ di căn không còn dấu vết gì. Tôi còn nhớ trước kia di căn lên xương sườn nhưng vết đấy không còn, chỉ còn duy nhất khối u trên phổi trái rất nhỏ như tổn thương thứ phát, giống như cái sẹo”.

Tuy nhiên, sau gần 3 năm ổn định, bệnh của ông Hùng lại tái phát. Lần này, ông được chỉ định điều trị bằng phương pháp dùng hóa chất kết hợp xạ trị. Sau điều trị, một lần nữa khối u trong cơ thể ông Hùng lại biến mất. Nhưng tình trạng này cũng không kéo dài được bao lâu.

“Tôi đi khám mắt, phát hiện bong võng mạc do một khối u trên não đè ép nhãn cầu gây ra, lại đến gặp bác sĩ Khoa. Sau khi chụp Pet/CT và cộng hưởng từ CT sọ, phát hiện lại di căn lên não, u quá lớn nên đè ép nhãn cầu và bong võng mạc, điều ấy không ai ngờ tới”, ông Hùng nhớ lại.

Và lần thứ 3 ung thư phổi tái phát, ông Hùng được chỉ định điều trị theo phương pháp xạ phẫu bằng dao gama quay để cắt các khối u.

“Thật tài tình, sau 2 tuần, mắt tôi dần dần bình phục thị lực, nhìn rõ dần trông thấy. Cách đây mấy tháng chụp lại Pet/CT, CT sọ thì khối u chỉ là một sơ sợi như tổn thương thứ phát chứ không phải là ác tính nữa, sức khỏe tôi gần như bình phục hoàn toàn”, ông Hùng kể lại.

PGS.TS. Đỗ Quốc Hùng chỉ là một trong rất nhiều bệnh nhân mắc ung thư được chữa khỏi nhờ thụ hưởng kết quả của cụm công trình “Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật hiện đại về bức xạ ion hóa trong chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh lý khác”. Công trình này đã trao Giải thưởng Hồ Chí Minh về KH&CN năm 2016, khẳng định việc chẩn trị ung thư ở Việt Nam không thua thế giới.

Công trình giúp giải quyết bài toán về kinh tế so với việc ra nước ngoài chữa trị, giảm hàng chục, thậm chí hàng trăm lần chi phí so với việc chữa chạy ở Singapore và các nước tiên tiến trên thế giới. 

Theo thống kê của Dự án phòng chống ung thư quốc gia, mỗi năm, ở Việt Nam có khoảng 200.000 ca ung thư mới và 70.000 người chết vì bệnh này. So với khu vực Đông Nam Á, Việt Nam là nước có tỉ lệ mắc đứng hàng thứ 3, còn trên thế giới, Việt Nam thuộc tốp 2 thế giới về tỉ lệ mắc ung thư.

Cụm công trình của GS.TS. Mai Trọng Khoa và các cộng sự gồm: Nghiên cứu ứng dụng kỹ thuật chụp cắt lớp phát bức xạ PET/CT để chẩn đoán ung thư và bệnh sa sút trí tuệ; kỹ thuật xạ phẫu bằng dao gama quay để điều trị u não và một số bệnh lý sọ não; kỹ thuật xạ trị trong chọn lọc, cấy hạt phóng xạ, điều trị miễn dịch phóng xạ và xạ trị áp sát trong điều trị ung thư; kỹ thuật miễn dịch phóng xạ và thuốc phóng xạ để chẩn đoán, điều trị ung thư và một số bệnh nội tiết...

Sau 20 năm tìm tòi (1995-2015), nhóm nghiên cứu đã làm chủ công nghệ, thích nghi các phương pháp chẩn đoán và điều trị trong điều kiện thực tế ở Việt Nam. Từ đó, nâng cao chất lượng chẩn, trị bệnh ung thư và một số bệnh lý khác.

Nhóm nghiên cứu cũng cho biết, các kỹ thuật mới, hiện đại được ứng dụng trong chẩn đoán và điều trị ung thư này chưa có ở nhiều nước khu vực châu Á và cũng chỉ được ứng dụng ở một số nước phát triển, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia ở khu vực châu Á làm chủ được một số kỹ thuật hiện đại nói trên.

Đặc biệt, kỹ thuật này giúp cho Việt Nam tiệm cận được công nghệ mới, đào tạo nguồn nhân lực để làm chủ công nghệ đó, chẩn đoán, điều trị những bệnh mà trước đó không có công nghệ này thì không làm được, hay nói cách khác là bệnh nhân không có cơ hội chẩn đoán, điều trị. Khi áp dụng công nghệ này, bệnh nhân sẽ không bị tử vong, một số khỏi bệnh hoàn toàn, thậm chí sinh con bình thường.

Có thể lấy ví dụ, chỉ một lần xạ phẫu bằng dao gama quay trên não, ở Hoa kỳ là 25.000 USD nhưng ở Việt Nam chỉ có 2.000 USD. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi, GS.TS. Mai Trọng Khoa cũng chia sẻ, những kỹ thuật này đều mới và khó, đặc biệt, hầu hết các thiết bị đều rất đắt tiền, trong khi Việt Nam vẫn chưa tự sản xuất được, gây cản trở không nhỏ trong việc phát triển mở rộng những ứng dụng này trong ngành y tế.

“Đấy là các công cụ để hỗ trợ cho người thầy thuốc, cho dù các giáo sư có giỏi đến mấy mà không có máy móc, trang thiết bị thì không thể cứu được người. Chúng tôi đã tập trung mọi nguồn lực để đầu tư các máy móc trang thiết bị hiện đại. Tuy nhiên, với ngân sách Nhà nước còn hạn hẹp so với nhu cầu, chúng tôi ngoài khả năng tự vươn lên thì cũng rất cần đến sự xã hội hóa…”, PGS.TS Nguyễn Quốc Anh, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết thêm.

Theo Chinhphu.vn
Bình luận
Back To Top