Giáo dụcKhoa học

Vấn đề bảo vệ môi trường chưa được quan tâm trong khai thác khoáng sản

09:03 - Thứ Sáu, 21/04/2017 Lượt xem: 4793 In bài viết
ĐBP - Hiện nay trên địa bàn tỉnh có khoảng 83 mỏ, điểm mỏ khoáng sản và biểu hiện khoáng sản với trữ lượng tương đối lớn, phân bố rộng khắp các huyện. Tuy nhiên, việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng ngày một tăng đã ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường, tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến biến động địa chất, ảnh hưởng đến đời sống dân sinh và môi trường sinh thái.

Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường, hiện nay trên địa bàn tỉnh mới chỉ có 29/83 điểm được cấp phép khai thác khoáng sản, chủ yếu là vật liệu xây dựng thông thường như cát, sỏi, đá vôi… Bên cạnh một số đơn vị đã thực hiện tốt sản xuất gắn với bảo vệ môi trường thì còn nhiều doanh nghiệp chỉ tập trung khai thác còn vấn đề bảo vệ môi trường thì không được quan tâm. Nhất là tại các mỏ đá, thiết bị khai thác chưa đồng bộ, gây ô nhiễm môi trường, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn lao động rất lớn; tình trạng vận chuyển đá vượt tải trọng cho phép, không phủ bạt, gây bụi, hư hỏng các tuyến đường giao thông. Cá biệt, cuối năm 2014, huyện Mường Chà còn cho phép một doanh nghiệp tư nhân xây dựng nhà máy sản xuất gạch đất sét nung theo công nghệ lò vòng tại bản Mường Mươn 2, xã Mường Mươn với công suất 20 triệu viên/năm, nhưng không xin ý kiến của các sở, ngành chức năng và không được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư. Dù các cơ quan chức năng đã nhiều lần nhắc nhở, nhưng đến nay doanh nghiệp này vẫn tiếp tục sản xuất.

 

Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Ngọc Linh khai thác mỏ đá Cò Chạy.

Bên cạnh đó, vấn nạn khai thác trái phép vật liệu cát, sỏi diễn ra phổ biến. Điển hình là khai thác cát tại các huyện Tuần Giáo, Mường Ảng... Hiện nay, trên địa bàn tỉnh ta, ngoài 2 đơn vị khai thác cát tự nhiên đã được cấp phép là Doanh nghiệp Thương mại tư nhân Nam Sơn và Công ty TNHH Vật liệu xây dựng Phương Bắc, còn lại là các cơ sở khai thác tự phát, nhỏ lẻ. Điển hình là trên dòng suối Nậm Sát, qua địa phận xã Nà Sáy, huyện Tuần Giáo, có hàng chục máy hút cát ngang nhiên hoạt động. Mặc dù không được cấp phép khai thác, nhưng việc hút, khai thác cát tại đây lại diễn ra tự do, công khai suốt thời gian dài. Việc khai thác trái phép, tự phát dẫn đến nhiều hậu quả: biến đổi dòng chảy, sạt lở đất...

Theo ông Bùi Châu Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường, nhìn chung UBND các huyện, thị xã, thành phố đã chỉ đạo các phòng chức năng quản lý các hoạt động khai thác, sản xuất kinh doanh vật liệu xây dựng ở địa bàn. Các tổ chức, cá nhân được cấp phép khai thác, sản xuất vật liệu cây dựng đều thực hiện đúng quy định về Luật Khoáng sản, đồng thời ký cam kết về đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, vẫn còn một số huyện, như Điện Biên, Mường Chà, Nậm Pồ, Tuần Giáo... còn thiếu sát sao; thậm chí có nơi buông lỏng, chưa cập nhật đầy đủ và bám sát các văn bản về quản lý sản xuất vật liệu xây dựng, dẫn đến một số cá nhân, tổ chức ngang nhiên khai thác trái phép vật liệu xây dựng, trong đó nhiều nhất là khai thác cát trái phép, làm ảnh hưởng đến môi trường. Việc khai thác đất sét, đá cuội, sỏi không được quản lý tốt, dẫn đến tình trạng gây sạt lở đất ở một số vùng. Hay việc sản xuất gạch đất sét nung không chỉ dừng lại ở việc tiêu hao nguồn nguyên liệu, nhiên liệu mà quá trình sản xuất, đốt nung còn thải ra nhiều khí độc, đặc biệt là khí CO2 gây ô nhiễm môi trường.

Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đối với những vụ việc vi phạm Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tài nguyên khoáng sản được phát hiện, các cơ quan liên quan chủ yếu chỉ áp dụng biện pháp phạt tiền, nhưng số tiền không đáng kể so với tiền ngân sách phải bỏ ra để khắc phục sự cố môi trường. Cũng một phần vì chưa áp dụng các biện pháp nghiêm minh như buộc khôi phục môi trường, đóng cửa cơ sở sản xuất nên dẫn đến việc vi phạm về môi trường, khai thác khoáng sản trên địa bàn diễn biến phức tạp, gây bức xúc. Hậu quả của tình trạng đó không chỉ là chuyện tổn thất tài nguyên và nguồn thu ngân sách, mà còn thu hẹp diện tích đất nông - lâm nghiệp, gây bồi lấp, biến đổi dòng chảy, làm hỏng cầu cống, đường xá và ô nhiễm môi trường.

Bài, ảnh: Phong Vân
Bình luận
Back To Top