Giáo dụcKhoa học

Vì sao Việt Nam tăng 12 bậc Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu?

14:56 - Thứ Ba, 04/07/2017 Lượt xem: 3907 In bài viết
Sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thông qua các Nghị quyết 19 cùng với nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh những năm qua… là các yếu tố dẫn tới cải thiện "Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu" (Chỉ số GII) của Việt Nam.

Ngày 3/7, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh báo cáo về nguyên nhân Việt Nam được xếp hạng thứ 47/127 về “Chỉ số sáng tạo toàn cầu” - Global Innovation Index 2017 (GII) do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) công bố giữa tháng 6 vừa qua.

 

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ thông qua các Nghị quyết 19, cùng với nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương trong việc cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh những năm qua… là các yếu tố dẫn tới cải thiện Chỉ số GII.

Theo đó, chỉ số GII 2017 của Việt Nam vượt 12 bậc so với 2016. Đây cũng là thứ hạng cao nhất Việt Nam từng đạt được từ trước đến nay.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, qua những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về KHCN, có thể thấy từ thể chế đến chính sách đều có hướng sát với việc phục vụ phát triển kinh tế-xã hội; bày tỏ sự trân trọng đối với những quan tâm, sát sao của Chính phủ và lãnh đạo các tỉnh, thành phố nhằm tăng cường thực hiện vai trò của KHCN trong công tác của các địa phương.

Việc chỉ số GII của Việt Nam tăng 12 bậc, đứng đầu nhóm các nước có thu nhập trung bình thấp, Bộ trưởng khẳng định, đây là kết quả của việc thực hiện các nghị quyết, chỉ đạo của Chính phủ. Theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, nhìn tổng thể xu hướng chỉ đạo của Chính phủ không chỉ đúng hướng, đúng giải pháp, mà còn tạo nền tảng cho việc phát triển trung và dài hạn.

Chỉ số GII được đánh giá dựa trên 7 nhóm chính: 5 nhóm chỉ số đầu vào và 2 nhóm chỉ số đầu ra. Kết quả xếp hạng được tính toán trên cơ sở xem xét tác động của các nhóm chỉ số đầu ra đối với các nhóm chỉ số đầu vào; tác động của đổi mới sáng tạo về KHCN đối với sự điều hành kinh tế cũng như chất lượng tăng trưởng.

Năm nhóm chỉ số đầu vào bao gồm: Thể chế vĩ mô (môi trường chính trị, pháp luật, kinh doanh…); nguồn nhân lực và nghiên cứu (giáo dục, giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đưa công nghệ vào thực tiễn…); cơ sở hạ tầng (công nghệ thông tin, hạ tầng chung…); thị trường (chiến lược đầu tư thương mại và cạnh tranh) và môi trường kinh doanh tạo thuận lợi cho đổi mới và sáng tạo (nhân lực chính thức, liên kết đổi mới, khả năng hấp thụ tri thức...).

Nhóm chỉ số đầu ra gồm: Tri thức và công nghệ (sáng tạo tri thức, tác động, phổ biến tri thức…) và kết quả đổi mới sáng tạo (tài sản vô hình, hàng hóa và dịch vụ sáng tạo, sáng tạo trực tuyến).

Nói về nguyên nhân tăng bậc chỉ số GII mà quan trọng hơn là xu hướng cải thiện chất lượng đổi mới sáng tạo, Bộ trưởng cho biết kết quả đạt được do nhiều nguyên nhân tác động.

Thứ nhất, việc tiếp tục duy trì và cải thiện nhóm chỉ số đầu ra là tri thức, công nghệ, đổi mới sáng tạo đóng góp phần không nhỏ trong sự tăng bậc đáng kể của chỉ số này.

Tuy nhiên Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, theo đánh giá, nhóm ngành của Việt Nam có tốc độ tăng năng suất cao nhất, dựa trên phép chia tổng GDP cho tổng số lao động của tất cả các lĩnh vực, nhưng trên thực tế, việc cải thiện năng suất lao động còn gặp nhiều khó khăn, mức trung bình còn thấp hơn nhiều nước trong khu vực. “Về việc này, Bộ KH&CN sẽ cùng với Tổng cục Thống kê xem xét lại”, Bộ trưởng cho biết.

Trong nhóm này, xuất khẩu công nghệ cao, số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu, xuất khẩu hàng hóa sáng tạo được đánh giá cao. Ngoài ra, việc cải thiện phần chi cho nghiên cứu phát triển của các doanh nghiệp, hay nói cách khác là sự quan tâm của các doanh nghiệp cho đầu tư, cạnh tranh về công nghệ cũng là một trong số các nguyên nhân đưa đến kết quả khả quan này.

Nhóm chỉ số đầu vào thay đổi đáng kể, thể hiện rất mạnh mẽ chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ về cải thiện thể chế, cơ sở hạ tầng và trình độ phát triển của thị trường nhằm đổi mới sáng tạo.

Về nhóm thể chế, nâng cao hiệu lực của Chính phủ gia tăng rất mạnh từ 33,3 điểm (hạng 86) lên 37,3 điểm (hạng 12). Tương tự như vậy, môi trường kinh doanh cũng được cải thiện từ 54,2 điểm lên 55,4 điểm.

Về nhóm cơ sở hạ tầng, tăng mạnh thể hiện ở tổng tích lũy tài sản và nhóm chỉ số công nghệ thông tin tăng từ 40,1 điểm đến 41,3, tăng hạng 10 bậc.

Dịch vụ trực tuyến của Chính phủ và mức độ tham gia trực tuyến cũng nằm trong nhóm này và được tăng hạng đáng kể, là kết quả thực hiện Nghị quyết số 36a/NQ-CP về Chính phủ điện tử và các nghị quyết có liên quan của Chính phủ.

Trình độ phát triển thị trường cũng nhận được sự tăng bậc khả quan từ thứ hạng số 67 lên 64. Trong đó, cấu phần về tín dụng tăng tới 30 bậc, thể hiện kết quả việc Nhà nước tập trung giải pháp vào giảm lãi suất đối với các tổ chức tín dụng, có các chính sách tích cực để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và hướng luồng tín dụng vào những khu vực cần thiết.

Bên cạnh đó, các Nghị quyết 19 của Chính phủ những năm qua đã thể hiện đường hướng đúng đắn trong phân công trách nhiệm đối với các bộ, ngành, địa phương đối với việc thực hiện đổi mới năng lực sáng tạo và chỉ số đầu ra; đồng thời đưa ra các giải pháp cụ thể kèm theo.

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết thời gian tới Bộ KH&CN sẽ tiếp tục thực hiện và phát huy theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, xây dựng và báo cáo lên Chính phủ các giải pháp cụ thể tương ứng với từng nhóm chỉ số.

Bảo Ngọc (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top