Giáo dụcKhoa học

Bước chuyển mới của cuộc chiến chống thiên thạch

15:55 - Thứ Tư, 05/07/2017 Lượt xem: 4352 In bài viết
Cơ quan không gian Mỹ (NASA) đang phối hợp với Cơ quan không gian châu Âu (ESA) sản xuất tàu không gian có thể làm chệch hướng những thiên thạch lớn lao vào Trái đất.

Những thí nghiệm đầu tiên sẽ bắt đầu trong năm 2022, mở ra thời kỳ nhân loại có thể chủ động ngăn chặn “ngày tận thế” của Trái đất. 

 

Mô hình tàu vũ trụ của NASA đâm vào thiên thạch làm chệch hướng va chạm với Trái đất

Bước đi đầu tiên

Theo NASA, cơ quan này bắt đầu giai đoạn thiết kế tàu không gian mang tên DART (viết tắt từ tiếng Anh Double Asteroid Redirection Test - Thử nghiệm chuyển hướng thiên thạch kép). Theo Lindley Johnson, quan chức thuộc Văn phòng Điều phối phòng vệ hành tinh của NASA, DART sẽ là tàu không gian đầu tiên của NASA bảo vệ Trái đất khỏi mối đe dọa của các thiên thạch. Hai thiên thạch sẽ là mục tiêu thử nghiệm đầu tiên của DART là Didymos A và B khi chúng bay gần Trái đất trong giai đoạn từ năm 2022 - 2024. Dự kiến, DART sẽ lao vào Didymos B có kích thước nhỏ hơn A, với chiều dài khoảng 160m, với vận tốc gần 6km/giây, tức gấp 4 lần vận tốc của viên đạn bắn từ súng. Với vận tốc này, các nhà khoa học hy vọng DART có thể làm chệch hướng Didymos B. 

Hàng tỷ năm trước, khi Thái Dương hệ được hình thành, nó đã để lại nhiều đá trong không gian do không đủ lớn để trở thành hành tinh. Ước tính giữa sao Hỏa và sao Mộc có từ 1 - 2 triệu thiên thạch lớn.  Đôi khi các thiên thạch va chạm nhau tạo thành các vệt sáng gọi là mưa sao băng. Từ năm 1998 - 2005, Quốc hội Mỹ đã yêu cầu NASA tìm và có kế hoạch ngăn chặn những thiên thạch có thể va vào Trái đất. Hơn 16.000 vật thể bay bay gần Trái đất với khoảng cách khoảng 45 triệu km.  

Từ năm 1998 - 2017, Mỹ phát hiện hơn 700 quả cầu lửa từ thiên thạch, hầu hết là khá nhỏ. Nếu 1 thiên thạch có đường kính 140m rơi vào Trái đất, nó có thể phá hủy 1 thành phố. Thật may mắn là người ta có thể dự báo được đường đi và khả năng va chạm của thiên thạch với Trái đất trước vài tháng. Tuy nhiên, theo ông Johnson, chúng ta cần thời gian 10 năm để chuẩn bị mọi thứ, kể cả việc phóng một con tàu làm chệch hướng thiên thạch. 

Ngoài ra, cũng có ý kiến cho rằng, không nhất thiết phải tránh thiên thạch mà phải bắt lấy nó. Vì thành phần thiên thạch có nhiều chất khoáng, kim loại quý và platinum có thể dùng cho việc xây dựng trên không gian hoặc sử dụng thay cho tài nguyên đang cạn kiệt dần trên Trái đất. Tuy nhiên, đây chỉ mới là ý tưởng vì chưa có dự án nào liên quan đến phương án này.

Con đường còn dài

NASA hiện đang tập trung vào các thiên thạch cỡ nhỏ và vừa có thể lao xuống các thành phố. Thậm chí, có cả những thiên thạch không trực tiếp rơi xuống Trái đất nhưng sau khi nổ trong bầu khí quyển, các mảnh vỡ của nó cũng có thể gây thiệt hại cho hành tinh xanh. Năm 2013 là một ví dụ. Các mảnh vỡ của thiên thạch rơi xuống bầu trời khu vực Chelyabinsk, Nga làm 1.500 người bị thương.

Chính vì tầm quan trọng của việc cảnh báo va chạm giữa các thiên thạch với Trái đất nên người ta đã lập ra Ngày Thiên thạch thế giới vào ngày 30-6. Ngày này do Brian May, tay guitar của nhóm nhạc rock Queen chọn vào năm 2015 và được cộng đồng các nhà khoa học trên thế giới ủng hộ. Brian May cho rằng, những gì nhân loại biết về thiên thạch dường còn quá ít. Mục đích của ngày này không gì khác là nâng cao sự hiểu  biết của của công chúng trước khả năng thiên thạch rơi vào Trái đất và làm thế nào để bảo vệ Trái đất. 

 

Một thiên thạch rơi vào Trái đất.

Để chuẩn bị cho nguy cơ thảm họa, NASA đã thành lập Văn phòng Điều phối phòng vệ hành tinh. Các cơ quan vũ trụ tại nhiều nước khác cũng đã hình thành các chương trình tương tự. Theo NASA, làm chệch hướng một tiểu hành tinh sẽ đòi hỏi phải thay đổi tốc độ của nó gần 1 inch/giây/năm trong vòng nhiều năm trước khi nó có thể chạm vào Trái đất. Ngoài tàu không gian DART, NASA đang phát triển một  máy tạo trọng lực có thể có lực hấp dẫn kéo theo thiên thạch đủ để thay đổi đường đi của nó .

Cả hai hệ thống này sẽ đòi hỏi phải có kiến thức về các quỹ đạo chết người của một tiểu hành tinh. “Một tiểu hành tinh trên quỹ đạo lao vào Trái đất không thể bị bắn rơi trong vài phút, thậm chí hàng giờ trước khi va chạm” các quan chức của NASA khẳng định. Theo họ, không thể có hệ thống vũ khí nào có thể ngăn chặn các khối đất đá đồ sộ với vận tốc lớn nhứ vậy, trung bình 19km/giây.

Theo các nhà khoa học, cảnh báo sớm là yếu tố sống còn của phòng vệ hành tinh. Một cách khác để ngăn ngừa va chạm là để các nhà khoa học hiểu rõ hơn về các đặc tính của tiểu hành tinh hay thiên thạch và cách chúng di chuyển. Vào năm 2016, NASA đã bắt đầu nhiệm vụ xác định nguồn gốc của tiểu hành tinh Bennu với việc phóng con tàu vũ trụ Osiris-Rex. Bắt đầu vào tháng 8-2018, tàu vũ trụ sẽ quay quanh tiểu hành tinh, nghiên cứu nó trong hai năm trước khi lấy mẫu bụi và sỏi, sau đó sẽ quay trở lại Trái đất vào năm 2023. Sau khi đáp xuống bang Utha, các mẫu lấy từ Bennu sẽ được mang đi phân tích tại nhiều phòng thí nghiệm trên thế giới. Những kết quả phân tích này sẽ giúp các nhà khoa học và kỹ sư hiểu rõ hơn về sự hình thành của các tiểu hành tinh hay thiên thạch để chuẩn bị cho những phương án đối phó hiệu quả hơn khi chúng có nguy cơ đâm vào Trái đất. 

Các nhiệm vụ khác của NASA theo kế hoạch là khám phá thêm nhiều tiểu hành tinh khác như tàu Psyche sẽ phóng vào năm 2022 để đến một tiểu hành tinh kim loại và tàu Lucy, phóng vào năm 2021 để thám hiểm tiểu hành tinh xung quanh sao Mộc. Các nhà nghiên cứu đang tạo ra các mô hình 3D và sử dụng một trong những siêu máy tính mạnh nhất của NASA để tạo ra mô phỏng các kịch bản thiên thạch lao vào Trái đất. Tiểu hành tinh là các thiên thể có quỹ đạo giống như các hành tinh. NASA sẽ chia sẻ kết quả của nỗ lực lập mô hình với những quan chức ở các cơ quan chính phủ, trường đại học và những nơi khác chịu trách nhiệm chuẩn bị kế hoạch ứng phó khẩn cấp liên quan đến khả năng bị thiên thạch rơi trúng.

Mặc dù Mỹ và châu Âu gần đây đã gia tăng các chương trình nghiên cứu ngăn chặn tiểu hành tinh/thiên thạch rời vào Trái đất nhưng kinh phí và chính trị đã cản trở nhiều. Cho đến nay, có rất ít khả năng loài người có thể ngăn chặn thảm họa vì trước hết, khả năng phát hiện mối đe dọa vẫn đang là một bài toán khó.

Hoàng Hồng (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top