Giáo dụcKhoa học

Phòng thí nghiệm tư nhân: Đưa nghiên cứu vào cuộc sống

08:55 - Thứ Ba, 15/08/2017 Lượt xem: 3831 In bài viết
Trước nhu cầu của thực tiễn, nhiều phòng thí nghiệm tư nhân đã ra đời, mở ra hướng mới trong việc đưa các nghiên cứu từ phòng thí nghiệm vào cuộc sống. Điểm nổi bật ở các phòng thí nghiệm do tư nhân làm chủ so với các phòng tại các viện, trường là tập trung cao vào phục vụ sản xuất, trực tiếp đáp ứng nhu cầu thực tế của thị trường.

Thuận lợi về thị trường

TS Nguyễn Hữu Thiện, Chủ tịch Hội các Phòng thử nghiệm Việt Nam VINALAB cho biết: Cùng với sự phát triển của nền kinh tế thị trường, đặc biệt là để tham gia vào thị trường hàng hóa quốc tế, các doanh nghiệp cũng phải đáp ứng được yêu cầu trong lĩnh vực thử nghiệm, hiệu chuẩn. Điều đó đồng nghĩa với việc kết quả thử nghiệm, hiệu chuẩn phải xuất phát từ các phòng thử nghiệm hiệu chuẩn, đủ chất lượng theo quy định. Đây chính là thuận lợi rất lớn về thị trường để các phòng thí nghiệm tại Việt Nam có thể phát triển nhanh chóng.

 

Phòng thí nghiệm tư nhân là mô hình cần được khuyến khích.

Tuy nhiên, TS Nguyễn Hữu Thiện cũng cho rằng, nếu muốn tận dụng được thị trường trong nước, các cơ sở phải có sự thống nhất về phương pháp kiểm định, trang thiết bị và đào tạo tay nghề theo những tiêu chuẩn chung của thế giới và khu vực. Để làm được điều này, đòi hỏi phải có sự hợp tác giữa những tổ chức, phòng thí nghiệm quốc tế và Việt Nam nhằm xây dựng và đáp ứng được những tiêu chuẩn theo yêu cầu.

Bên cạnh những thuận lợi về mặt thị trường, việc phát triển hệ thống cơ sở này ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn, nhất là vấn đề kinh phí. Kinh phí đầu tư, mua sắm trang thiết bị cho phòng thí nghiệm hiện còn khá thấp so với mặt bằng chung của quốc tế. Điều này dẫn đến việc không phải phòng nào cũng đủ trang thiết bị để đáp ứng tiêu chuẩn của thế giới, nhiều nơi vẫn hoạt động cầm chừng, không có định hướng, mục tiêu cụ thể. Ngoài ra, ngoại trừ một số ít thiết bị đơn giản được sản xuất trong nước, hầu hết máy, thiết bị trong phòng đều phải nhập khẩu từ nước ngoài với chi phí hàng trăm triệu USD mỗi năm.

Do vậy, theo TS Nguyễn Hữu Thiện, việc Bộ KH-CN ban hành cơ chế tự chủ về tài chính cho các phòng thí nghiệm được coi như bước đi đúng đắn, vừa giúp Nhà nước giảm gánh nặng về kinh tế, vừa tạo điều kiện cho các phòng có thể tự đổi mới, đầu tư, phát triển theo xu hướng của thị trường để hội nhập quốc tế. Đặc biệt, nhu cầu thị trường tạo điều kiện rất lớn cho các phòng thí nghiệm tư nhân phát triển.

Nâng cao ứng dụng

Trong vòng một thập kỷ qua, ngoài hàng nghìn tỷ đồng Nhà nước chi để mua sắm thiết bị khoa học kỹ thuật cho phòng thí nghiệm tại các viện, trường, thì các công ty tư nhân, tập đoàn nước ngoài cũng đầu tư rất lớn cho cơ sở nghiên cứu của họ. Có những cơ sở đã hình thành từ hàng chục năm, có những phòng do người Việt Nam hoặc do kiều bào nước ngoài bỏ vốn đầu tư. Không ít nhà khoa học thành công trong nghiên cứu đã khẳng định họ khó có thể đạt được những thành tựu đó nếu không có phòng thí nghiệm của riêng mình, bởi công việc nghiên cứu, ngoài niềm đam mê thì rất cần có các phương tiện, trang thiết bị hỗ trợ.

Phòng nghiên cứu nấm linh chi của PGS.TS Nguyễn Thị Chính, một trong những người tiên phong trong việc nghiên cứu trồng nấm và sản xuất thành công sinh khối linh chi dạng sợi ở Việt Nam, được đầu tư với đầy đủ thiết bị từ máy nghiền, máy xay, máy sấy, máy đóng gói tự động đến nồi lên men, giàn giáo… Phòng thí nghiệm được đặt ngay trong ngôi nhà mà PGS.TS Chính cùng gia đình đang sinh sống để tiện cho việc nghiên cứu khoa học. PGS.TS Nguyễn Thị Chính cho biết, khi còn công tác trong trường đại học, các phòng thí nghiệm nhỏ chỉ đủ cho sinh viên thực tập, khó có thể tiến hành các thí nghiệm mà bà mong muốn. Hơn nữa, việc nghiên cứu nấm phải làm thí nghiệm không kể ngày đêm, nên việc có cơ sở riêng sẽ thuận lợi hơn, giúp bà có được thành công như ngày hôm nay. “Mỗi ngày tích lũy một chút, dần dần phòng thí nghiệm có đủ phương tiện. Khi công ty bán được sản phẩm, có tiền, tôi lại đầu tư vào trang thiết bị để hoàn thiện và cũng để phân tích các hoạt chất sinh học. Quan trọng nhất là mình có thể chủ động, cần đến cái gì mình cũng có”, PGS.TS Chính chia sẻ.

Không chỉ các nhà khoa học chủ động thành lập phòng thí nghiệm tư nhân, mà ngay cả những người nông dân cũng nhanh chóng bắt kịp xu thế này. Ở TP Đà Lạt, có rất nhiều phòng thí nghiệm tư nhân được lập ra để trực tiếp sản xuất hàng hóa - đó là giống cây trồng. Việc nông dân tự tạo ra giống hoa như cẩm chướng, đồng tiền, salem, khoai tây hay chuối… bằng công nghệ nuôi cấy mô tại chính phòng thí nghiệm của mình ngày càng phổ biến. Ông Nguyễn Văn Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cho biết, tỉnh có khoảng 50 phòng nuôi cấy mô, trong đó phần lớn là của tư nhân. Lực lượng này mang lại hiệu quả rất lớn trong việc mỗi năm sản xuất 30 triệu cây mô về rau, hoa để phục vụ cho sản xuất và công nghệ cao. Anh Lê Văn Hải ở làng hoa Thái Phiên, TP Đà Lạt, chia sẻ: Mặc dù số tiền ban đầu cho một phòng thí nghiệm không nhỏ vì cần đủ thiết bị, phòng nuôi cấy, các thiết bị phục vụ… nhưng bù lại, hiệu quả kinh tế đem lại rất cao, vì có thể chủ động nguồn cây giống, bên cạnh đó kiểm soát được các giống cây sạch bệnh để đáp ứng nhu cầu thị trường.

Vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức trong quá trình hoạt động, tuy nhiên không thể phủ nhận phòng thí nghiệm tư nhân là mô hình phát triển khoa học rất đáng được khuyến khích. Bằng việc tập trung nghiên cứu theo nhu cầu thị trường, tự tạo nguồn kinh phí thông qua việc thương mại chính sản phẩm nghiên cứu, hoạt động tại các cơ sở nay đã và đang trở nên thiết thực, gần gũi hơn với cuộc sống.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top