Giáo dụcKhoa học

Chính sách phát triển công nghệ thông tin: Cần thay đổi phù hợp với thực tiễn

10:06 - Thứ Ba, 05/09/2017 Lượt xem: 3386 In bài viết
Luật Công nghệ thông tin ra đời năm 2006, đã tạo hành lang pháp lý cho sự phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin. Sau 10 năm, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, hạ tầng được kết nối thông qua cơ sở dữ liệu, các ứng dụng đã được mở rộng... đòi hỏi có bổ sung, hoàn thiện các chính sách phù hợp với thực tiễn và phục vụ cho sự phát triển công nghệ thông tin.

Thay đổi trong thời đại “số”

Trong kỷ nguyên của Cách mạng công nghiệp 4.0, một vấn đề được đặt lên hàng đầu là khái niệm kinh tế số với tài sản số - chính là dữ liệu công nghệ thông tin. Đó cũng là lý do mà các chuyên gia nhận định ai “nắm” được dữ liệu, người đó sẽ giành thắng lợi.

Theo ông Nguyễn Thế Trung, Giám đốc Công ty DTT, Luật Công nghệ thông tin cần phải bổ sung, làm rõ khái niệm thế nào là tài sản số và ai được sở hữu tài sản này, đồng thời đề xuất Chính phủ quy định rõ, dữ liệu nào là mật, dữ liệu nào phải công bố để doanh nghiệp sử dụng và khai thác tạo lợi ích cho xã hội. Bên cạnh đó, Bộ Thông tin và Truyền thông cần phải xây dựng dữ liệu công để doanh nghiệp, cá nhân khai thác.

Về vấn đề phát triển ngành công nghiệp nội dung số, đại diện các doanh nghiệp cho rằng, luật cần sửa đổi để bảo hộ doanh nghiệp trong nước phát triển chứ không được “bảo hộ ngược” như hiện nay. Ông Nguyễn Thế Tân, Tổng Giám đốc VCCorp cho rằng, trong khi doanh nghiệp trong nước làm mọi việc đều phải xin phép, nếu sai giấy phép, nội dung... bị phạt tiền, 3 lần sai thì bị đóng cửa, thì các công ty xuyên biên giới như Facebook vừa làm mạng xã hội, vừa đọc báo, vừa livestream, lại không chịu sự kiểm soát nội dung, đưa nhiều thông tin độc hại... 

Không chỉ có vậy, các doanh nghiệp trong nước do phải đóng các loại thuế theo quy định nên sản phẩm, dịch vụ bị đội giá trong khi công ty nước ngoài không phải nộp bất cứ khoản thuế nào.

Để chính sách gắn với đời sống

Nói về hiệu quả của các chính sách với sự phát triển công nghệ thông tin, đại diện các doanh nghiệp cũng cho rằng, có nhiều văn bản không có tính khả thi. Cụ thể, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc FPT cho rằng, các văn bản chính sách trong chừng mực nào đó cần đẩy mạnh vai trò của cơ quan nhà nước, mà Nhà nước phải là người tạo “cầu” lớn nhất. 

Việc tạo “cầu” sẽ kích thích sự phát triển, tránh tình trạng khi ngân sách khó khăn, việc cắt giảm đầu tiên sẽ tập trung vào tin học. Thứ hai là chính sách thuế, đại diện các doanh nghiệp, hiệp hội đã làm việc nhiều với Bộ Tài chính, Chính phủ kiến nghị ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân cho doanh nghiệp phần mềm, nhưng không nhiều. Hơn nữa, chỉ doanh nghiệp và khu công nghệ cao mới được hưởng, còn các cá nhân khởi nghiệp, người Việt đang ở Việt Nam nhưng làm việc cho doanh nghiệp nước ngoài chưa được hưởng...

Mặt khác, các ý kiến cũng cho rằng, Nhà nước nên đưa các quy định để tối đa hóa các giao dịch điện tử, với quan điểm ở đâu có điện tử, ở đó bỏ sử dụng giấy tờ và tiền mặt. Chẳng hạn, có thể yêu cầu các đơn vị phải ứng dụng công nghệ thông tin, kể cả khu vực tư nhân với quan điểm dùng chung và liên thông nhau. Có một vấn đề được đặt ra đó là kiến nghị Bộ Thông tin và Truyền thông có biện pháp hạn chế sự trợ giá không lành mạnh (đã được quy định trong Luật Cạnh tranh) thông qua hình thức tài trợ và lấy nguồn từ kinh doanh ngành khác bù vào... 

Được biết, Vụ Công nghệ thông tin (thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông) đang xây dựng báo cáo đánh giá, tổng kết 10 năm thi hành Luật Công nghệ thông tin, dự kiến hoàn thành vào cuối quý III-2017.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top