Giáo dụcKhoa học

Hiệu quả ứng dụng KHKT vào sản xuất

08:20 - Thứ Hai, 11/09/2017 Lượt xem: 3801 In bài viết
ĐBP - Trong những năm qua, việc áp dụng công nghệ, khoa học kỹ thuật (KHKT) trong sản xuất đã tạo sự chuyển biến rõ rệt về năng suất, chất lượng sản phẩm.

Dự án “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình sản xuất một số loại hoa mới có giá trị cao trên địa bàn tỉnh Điện Biên” được Sở Khoa học và Công nghệ triển khai năm 2015 tại 2 xã Mường Phăng, Thanh Hưng (huyện Điện Biên) là một trong những dự án mang lại hiệu quả. Đến nay, Dự án đã kết thúc song người dân xã Thanh Hưng vẫn duy trì và phát triển một số giống hoa quý. Bà con đã nắm vững quy trình sản xuất từ đầu tư nhà lưới đến kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch và bảo quản hoa. Sau một thời gian duy trì, phát triển, một số hộ đã lựa chọn đầu tư các giống hoa có năng suất cao, chất lượng tốt, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng và thích hợp với điều kiện sinh thái của tỉnh. Hiện nay, người trồng hoa Thanh Hưng đã nhân rộng được 1 giống hoa ly, 3 giống hoa lan Hồ điệp (hoàng hậu, tím mười giờ, trắng lưỡi đỏ), 3 giống hoa Địa lan (vàng cam, xanh lưỡi vàng, vàng lưỡi đỏ), 5 giống hoa tuy líp (đỏ thẫm, vành chanh, vành viền đỏ, tím thẫm, đỏ tươi) và 1 giống hoa lay ơn (đỏ boóc đô).

 

Người dân Thanh Hưng ươm những giống hoa quý từ dự án.

Là hộ được Dự án lựa chọn tham gia mô hình, chị Trần Thị Tiếp, ở đội, 1, xã Thanh Hưng chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi chuyên sản xuất các loại hoa truyền thống, như: cúc các loại, hồng Pháp, huệ và lay ơn... chủ yếu cung cấp ra thị trường vào những ngày rằm, mùng 1 (âm lịch). Khi tham gia mô hình, tôi nhận thấy trồng hoa ly hiệu quả kinh tế tăng gấp 2 - 3 lần so với một số loại hoa khác, giá dao động từ 25 - 40.000 đồng, hoa tuy líp giá 200.000 đồng/khóm 5 bông; địa lan từ 1,5 triệu - 10 triệu đồng/cành/chậu (tùy kích cỡ). Trong khi đó, hoa hồng bán với giá 3.000 đồng/bông; cúc các loại cũng chỉ 2.500 đồng/bông... Do vậy, gia đình tôi đầu tư trồng các loại hoa cao cấp, thu nhập tăng gấp nhiều lần. Nhất là dịp cuối năm, trừ chi phí, mỗi hộ trồng hoa cao cấp thu từ 30 - 50 triệu đồng/vụ hoa tết.

Năm 2016, Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu thực nghiệm rau, hoa quả (Hà Nội) đã triển khai Dự án “Đánh giá khả năng phát triển sản xuất thanh long vùng lòng chảo Điện Biên" tại 2 xã: Thanh Xương và Noong Luống (huyện Điện Biên). Với diện tích gần 3ha với  4 giống thanh long: ruột trắng Bình Thuận; các giống thanh long ruột đỏ LD1, TL4 và V5. Đây là những giống thanh long cho năng suất cao, được ưa chuộng trên thị trường. Dự án mở ra hướng đi mới trong sản xuất cây ăn trái thu nhập cao của người dân vùng lòng chảo Điện Biên. Thanh long ruột trắng Bình Thuận, thanh long ruột đỏ LD1, TL4 và V5 có lợi thế là ra hoa rải vụ quanh năm, mà không cần chiếu đèn. Quá trình sinh trưởng, phát triển cành cũng mạnh hơn thanh long ruột trắng. Cây cho quả sau 1 năm trồng, năng suất đạt 6 - 8kg/trụ/năm; cây từ 3 năm tuổi trở lên đạt trung bình 40kg/trụ/năm (40 tấn/ha/năm). Hiệu quả kinh tế cao nên nhiều hộ dân vùng lòng chảo huyện Điện Biên đã mở rộng diện tích trồng thanh long. Với quy mô đầu tư từ 300 - 500 trụ, doanh thu sẽ đạt khoảng gần 200 triệu đồng/năm. Giống thanh long ruột đỏ là một trong những loại cây dễ trồng, ít bị sâu bệnh; chăm sóc đơn giản, chủ yếu bón phân chuồng và bảo đảm đủ ánh sáng. Cho thu hoạch chính vụ từ tháng 3 - 9 (âm lịch), nhưng có thể áp dụng kỹ thuật xử lý hoa, chiếu đèn điện để cho quả quanh năm và bán giá cao vào thời điểm trái vụ. Trồng thanh long ruột đỏ tuy chi phí ban đầu nhiều hơn so với các loại cây trồng khác nhưng cho thu hoạch nhiều năm, lại không tốn nhiều công chăm sóc.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều nhiều dự án, mô hình ứng dụng KHKT vào sản xuất mang lại hiệu quả, góp phần chuyển đổi cây trồng, lai tạo các giống cây chất lượng cao, đồng thời nâng cao kiến thức, kỹ thuật sản xuất cho nông dân. Từ đó, giúp nông dân nâng cao thu nhập, xóa bỏ tư tưởng độc canh cây lúa để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bài, ảnh: Thành Đạt
Bình luận
Back To Top