Giáo dụcKhoa học

Thị trường viễn thông: Chạy đua giữ thuê bao

10:24 - Thứ Tư, 18/10/2017 Lượt xem: 3368 In bài viết
Khi thị trường viễn thông bước vào giai đoạn bão hòa thì có thể nói rằng, "cuộc chiến" giữa các nhà cung cấp dịch vụ di động chủ yếu tập trung vào việc giữ thuê bao. Những động thái gần đây trên thị trường cho thấy cả ba nhà mạng nắm giữ thị phần chủ yếu Viettel, MobiFone, VinaPhone liên tục đưa ra các chương trình chăm sóc khách hàng với cách thức như vậy.

Miễn cước thuê bao tháng để cạnh tranh

Từ cuối tháng 5-2017, MobiFone đã tiên phong đưa ra gói cước dành cho khách hàng dùng di động trả sau không tính cước thuê bao tháng mang tên MobiF. Gói MobiF gồm 4 gói cước: C69, C149, C101, C171, tương ứng với số tiền 69.000 đồng/tháng, 149.000 đồng/tháng, 101.000 đồng/tháng và 171.000 đồng/tháng. Tùy theo nhu cầu, khách hàng dùng gói C69 được miễn phí 700 phút gọi nội mạng MobiFone và đến các số cố định của mạng VNPT; hoặc sử dụng gói C171, được miễn phí 300 phút gọi tới 4 nhà mạng còn lại, được tặng kèm gói dữ liệu.

 

Khách hàng giao dịch tại Trung tâm kinh doanh VinaPhone Hà Nội.

Đáng chú ý, để tránh phát sinh cước, dữ liệu ngoài ý muốn cho khách hàng, MobiFone còn áp dụng giới hạn cước sử dụng để khách lựa chọn. Được biết, với gói cước này, nhà mạng MobiFone thu hút khoảng 50.000 khách hàng đăng ký mới. Không đứng ngoài cuộc, 4 tháng sau (vào đầu tháng 10-2017), VinaPhone cũng đưa ra thị trường các gói cước ECO không cước thuê bao tháng: ECO69, ECO99, ECO149 và ECO169 với các số tiền tương ứng 69.000 đồng/tháng, 99.000 đồng/tháng, 149.000 đồng/tháng, 169.000 đồng/tháng. Các gói ECO của VinaPhone cũng có các quy định tương tự về phút gọi miễn phí nội mạng và đến các nhà mạng khác trong nước cũng như kèm tặng gói dữ liệu. Theo thông tin ban đầu được biết, lượng thuê bao đến đăng ký các gói cước này cũng tăng khá nhanh.

Trên thực tế, từ trước đó cả ba nhà mạng Viettel, MobiFone, VinaPhone cũng đã có các gói cước dành cho khách hàng dùng trả sau (gồm cả cước thuê bao tháng), trong đó áp dụng mức thấp nhất là 99.000 đồng/tháng. Tuy nhiên, việc đưa ra gói cước giảm mạnh như C69 của MobiFone và ECO69 của VinaPhone có thể coi là mức giảm mang tính đột phá khi tính ra cước gọi nội mạng chỉ xấp xỉ 10 đồng/phút gọi. Trong khi cước thông thường gọi nội mạng 880 đồng/phút. Đây cũng là lợi thế của hai nhà mạng MobiFone, VinaPhone trong cạnh tranh với Viettel khi cả hai không phải chịu sự quản lý về giá và gói cước vì không phải là doanh nghiệp thống lĩnh thị trường.

Cạnh tranh bằng gói cước tích hợp

Cũng từ tháng 9 đến nay, VinaPhone liên tiếp đưa ra các gói cước tích hợp dành cho khách hàng cá nhân và khối khách hàng là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Trong đó, để khuyến khích thuê bao sử dụng cùng lúc các dịch vụ đang cung cấp, nhà mạng này áp dụng chính sách giá giảm trên dưới 50% nếu có nhiều khách hàng chọn dùng và thanh toán cùng một hóa đơn dịch vụ. Đặc biệt, VinaPhone còn áp dụng chính sách chia sẻ dùng dữ liệu trong nhóm giữa khách hàng. Được biết, gói cước này nhanh chóng tạo nên “cơn sốt” ngay khi chính thức công bố với lượng lớn thuê bao đăng ký ngay tại Hà Nội. 

Không đứng ngoài cuộc chơi, MobiFone cũng liên tiếp công bố hợp tác với các đối tác như Facebook cung cấp miễn phí cho khách hàng “lướt face” mà không phải trả phí (chỉ có thể đọc bản tin rút gọn trên Facebook); hợp tác với Tập đoàn iFlix đưa ra gói cước dữ liệu tốc độ cao để xem phim miễn phí trên kho film của iFlix; đồng hành với VTC đưa ra các gói cước ưu đãi cho khách hàng là game thủ thi đấu Giải Thể thao điện tử.

Tuy nhiên, nếu như VinaPhone mạnh trong việc đưa ra thị trường các gói cước tích hợp các dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin, thì cả Viettel và MobiFone lại mạnh trong việc đưa ra các gói cước bán kèm thiết bị đầu cuối. Cả hai nhà cung cấp này đều hợp tác với Samsung Việt Nam để đưa ra thị trường gói cước bán kèm với máy, trợ giá tới 50-60% giá trị các dòng máy trung và hơn 30% giá trị với dòng máy cao cấp. Tất nhiên, điều kiện đi kèm là khách hàng phải cam kết mức cước theo quy định trả hằng tháng.

Thị trường dịch vụ di động đã ở mức bão hòa và các chuyên gia nhận định, "cuộc chiến" giữa các nhà cung cấp dịch vụ sẽ tập trung ở khâu chăm sóc khách hàng. Hiện nay, cả ba nhà cung cấp Viettel, MobiFone, VinaPhone đang nắm giữ 95% thị phần di động (riêng Viettel là 46,7% thị phần) cho thấy, cuộc cạnh tranh chủ yếu diễn ra giữa ba nhà mạng. Song, việc phát triển thuê bao mới lại không đơn giản khi cơ quan quản lý nhà nước áp dụng các quy định siết chặt quản lý với thuê bao trả trước, do vậy có thể hiểu rằng, cuộc cạnh tranh giữa các nhà mạng còn nhằm giữ chân các thuê bao đang có. 

Đáng chú ý, từ ngày 31-12-2017, thời điểm áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao có hiệu lực sẽ trở thành “cú hích” cho việc cạnh tranh giữa các nhà mạng. Vì vậy, các nhà mạng liên tiếp đưa ra các gói cước có lợi cho khách hàng cũng là nhằm giữ chân thuê bao. Trong "cuộc chiến" này, nhà mạng nào chăm sóc khách hàng tốt hơn, cung cấp dịch vụ chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng thì sẽ giành chiến thắng.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top