Giáo dụcKhoa học

Internet giúp thay đổi cuộc sống

14:22 - Thứ Hai, 20/11/2017 Lượt xem: 2838 In bài viết
Ngày 19-11-1997, internet chính thức xuất hiện tại Việt Nam. Ngày 1-12-1997, dịch vụ internet được cung cấp rộng rãi tới người dùng. Đến nay, sau 20 năm, internet trở thành một dịch vụ thiết yếu đối với đời sống xã hội và là nền tảng kết nối, góp phần giúp thay đổi cuộc sống con người.

Trong thời gian đầu, internet được cung cấp trên hạ tầng mạng điện thoại cố định, tốc độ truy cập hạn chế, nên sau 5 năm, cả nước mới có 3 triệu người dùng (khoảng 4% dân số thời điểm đó). Năm 2003, dịch vụ internet băng thông rộng ADSL chính thức có mặt trên thị trường, cho phép khách hàng truy nhập internet tốc độ cao, có thể vừa dùng các dịch vụ khác như điện thoại, fax. Cùng với tốc độ kết nối được nâng cao đáng kể, giá dịch vụ rẻ, dịch vụ ADSL trở thành một “cú hích” khiến lượng người dùng internet tại Việt Nam tăng nhanh chóng. Đến năm 2008, lượng người dùng tăng gần 7 lần (chiếm 24% tổng dân số).

Đến năm 2009, thời điểm các nhà cung cấp dịch vụ bắt đầu triển khai công nghệ internet cáp quang mới - FTTx, và sau đó là FTTH trên diện rộng, một lần nữa tốc độ truy nhập tăng lên đáng kể, trong khi giá cước ngày càng rẻ. FTTH trở thành “cú hích” thứ 2 giúp thị trường internet Việt Nam phát triển "bùng nổ".

“Cú hích” thứ 3 phải kể đến là sự ra đời của internet băng rộng di động, bắt đầu bằng việc VinaPhone tiên phong cung cấp dịch vụ 3G, 4G; không chỉ đánh dấu sự có mặt chính thức của internet băng rộng di động tại Việt Nam mà còn đón đầu xu hướng truy nhập internet trên các thiết bị cầm tay của người dùng. Nhờ 3 "cú hích" đó, Việt Nam đã nằm trong tốp đầu những quốc gia có lượng người dùng internet nhiều nhất (thứ 12 trên thế giới và thứ 6/35 nước và vùng lãnh thổ Châu Á, với 64 triệu người dùng, tương đương 67% dân số), dù internet có mặt sau rất nhiều quốc gia.

Internet giờ đây đã có mặt từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, biên giới, hải đảo. Với người dùng, internet từ việc phục vụ nhu cầu tìm kiếm, chia sẻ, kết nối thông tin của mỗi cá nhân, đã trở thành nền tảng để kết nối mọi thứ, trong mọi lĩnh vực của đời sống, như giáo dục, y tế, giao thông, xây dựng chính phủ điện tử...

Trong lĩnh vực giáo dục, hầu hết trường học hiện nay đều được trang bị internet để phục vụ dạy và học; nâng cao hiệu quả quản lý; liên lạc giữa gia đình và nhà trường. Trong lĩnh vực y tế, internet đang tạo ra một cuộc "cách mạng", phát triển hình thức khám chữa bệnh từ xa, quản lý bệnh nhân, liên thông dữ liệu giữa các tuyến…. Trong xây dựng chính phủ điện tử, internet đóng vai trò là nền tảng để cung cấp các dịch vụ công trực tuyến, đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch hóa, tiết kiệm thời gian, công sức cho người dân...

Đóng góp không nhỏ vào sự phát triển internet tại Việt Nam phải kể đến vai trò tích cực của các doanh nghiệp. Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) đã đầu tư hàng chục tỷ USD để phát triển mạng internet băng rộng. Đến nay, mạng cáp quang FTTH của VNPT đã phủ sóng tới 97% số xã trên cả nước, và tiếp tục được đầu tư để nâng tỷ lệ này lên 100%. Tập đoàn Viễn thông quân đội Viettel là nhân tố có tác động mạnh đến thị trường viễn thông Việt Nam trong 10 năm qua, khi chấm dứt sự độc quyền và thúc đẩy cạnh tranh, cung cấp dịch vụ giá rẻ. Hiện, Viettel đi đầu trong quang hóa mạng truyền dẫn. 

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng kết nối internet cho khách hàng, trong nhiều năm qua, các doanh nghiệp viễn thông triển khai nhiều chương trình hỗ trợ, đưa internet đến với người dân, đặc biệt là khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa... góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top