Giáo dụcKhoa học

Tạo đà phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam

15:05 - Thứ Hai, 04/12/2017 Lượt xem: 3565 In bài viết
Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Luật Công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nhất là các điều khoản liên quan đến internet.

Luật Công nghệ thông tin được Quốc hội thông qua năm 2006 là văn bản luật đầu tiên về công nghệ thông tin ở Việt Nam. Hơn 10 năm qua, Luật đã tạo hành lang pháp lý quan trọng cho việc phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin, mang đến nhiều đột phá trong phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam. Tuy nhiên, sau thời gian ứng dụng, Luật Công nghệ thông tin cần được điều chỉnh để khắc phục những bất cập, tiếp tục là cơ sở để ngành công nghệ thông tin phát triển. Do đó, Bộ Thông tin và Truyền thông đang xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Luật Công nghệ thông tin để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới, nhất là các điều khoản liên quan đến Internet.

 

Ảnh minh hoạ.

52% người dân sử dụng internet

Dịch vụ cung cấp Internet có mặt ở Việt Nam từ năm 1997, ban đầu chỉ với tốc độ khá hạn chế, nhưng đến năm 2003, Internet băng rộng ADSL chính thức có mặt tại nước ta. Điều này có nghĩa là người dùng có thể truy cập internet tốc độ cao, đồng thời sử dụng các dịch vụ khác như điện thoại, fax. Cùng thời điểm này, nhiều cửa hàng dịch vụ truy cập Internet xuất hiện, người dùng có cơ hội tiếp cận rộng rãi với Internet.

Cho đến nay, ứng dụng công nghệ thông tin trên nền tảng Internet đã “xâm nhập” vào mọi lĩnh vực của đời sống, đem đến những tác động mạnh mẽ, thay đổi cuộc sống của toàn xã hội. Tính đến tháng 11/2017, tỉ lệ người dân sử dụng Internet tại Việt Nam đã đạt hơn 52%, vượt mức bình quân của thế giới. Tỉ lệ hộ gia đình có máy tính đã đạt 34% (năm 2008 là 20%). Tỉ lệ hộ gia đình có kết nối Internet băng rộng đạt khoảng 30%. Tỉ lệ các doanh nghiệp có kết nối internet băng rộng đạt khoảng 91% (năm 2008 là 60%). Tỉ lệ thuê bao di động đạt khoảng 113 thuê bao/100 dân. Hạ tầng công nghệ thông tin được đầu tư để tạo nền tảng xây dựng xã hội số, công dân số, chính phủ điện tử...

Năm 2009, Việt Nam khai trương mạng 3G đầu tiên, mở ra kỷ nguyên Internet di động. Với điện thoại thông minh, máy tính bảng, laptop, người sử dụng có thể truy cập mạng ở bất cứ vùng nào phủ sóng 3G. Sự tiện lợi của Internet di động cũng kéo theo sự thay đổi trong hành vi sống hàng ngày của người dân. Hình ảnh người dân sử dụng điện thoại thông minh trong mọi hoàn cảnh đã trở nên quen thuộc ở các thành phố lớn của Việt Nam. Năm 2016, dịch vụ 4G chính thức được đưa ra thị trường Việt Nam.

So sánh với hơn 31 triệu người của năm 2012, 17 triệu người của 10 năm trước hay 205.000 người trong thời kỳ đầu của internet quay số qua mạng điện thoại di động, có thể nói Internet Việt Nam đã có những bước tiến ấn tượng. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra dự báo, đến năm 2020, Việt Nam sẽ là quốc gia trong nhóm đứng đầu về số người sử dụng điện thoại di động. Đây cũng là tiền đề thuận lợi cho việc phát triển hệ sinh thái Internet ở Việt Nam.

Tạo môi trường thuận lợi cho Internet

Thời gian qua, Bộ Thông tin và Truyền thông, các đơn vị trực thuộc tổ chức nhiều cuộc hội thảo, tọa đàm lấy ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân... đóng góp xây dựng Đề án sửa đổi, bổ sung Luật Công nghệ thông tin để phù hợp với xu thế phát triển của công nghệ thông tin, internet và điều kiện thực tế hiện nay của Việt Nam.

Đóng góp ý kiến xây dựng Luật Công nghệ thông tin sửa đổi, liên quan đến phát triển Internet, ông Bùi Quang Ngọc, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần FPT cho rằng Luật cần xem xét bỏ các loại phí mà nhà cung cấp dịch vụ Internet đang phải đóng góp theo quy định hiện hành. Bởi hiện nay, ngày càng có nhiều người dân lựa chọn xem truyền hình internet nhưng dịch vụ này đang chịu “phí chồng phí”.

Cụ thể, khi doanh nghiệp viễn thông cung cấp dịch vụ truyền hình Internet (IPTV), dịch vụ này sẽ phải cõng 3 loại phí. Đó là phí thương quyền cung cấp dịch vụ viễn thông 0,5% doanh thu; quỹ dịch vụ viễn thông công ích 1,5% doanh thu; phí thương quyền cung cấp dịch vụ truyền hình trả tiền 0,3% doanh thu.

Theo ông Bùi Quang Ngọc, một hoạt động Internet mà cõng 3 loại phí như trên là quá vô lý vì Internet là hạ tầng để triển khai rất nhiều dịch vụ khác trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0. Nếu không có mạng Internet, các công nghệ để xây dựng chính phủ thông minh, thành phố thông minh dựa trên nền tảng Internet kết nối vạn vật (IoT) sẽ không thể triển khai. 

Tổng Thư ký Hội Tin học Việt Nam Nguyễn Long cho biết, trong sự bùng nổ của các ứng dụng trên mạng Internet như hiện nay, Việt Nam cần siết chặt hơn nữa về sở hữu trí tuệ để tạo cơ sở luật pháp bảo vệ các đơn vị, tổ chức, cá nhân khi phát triển các lĩnh vực liên quan đến trí tuệ nhân tạo.

Ông Nguyễn Thế Trung, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Công nghệ DTT kiến nghị: Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nên đi đầu trong việc bảo vệ dữ liệu số hóa và quy hoạch các nội dung số hóa cần cụ thể, rõ ràng để các đơn vị nắm được phạm vi cấm và phạm vi được quyền khai thác, sử dụng.

Ngoài ra, các quy định trong Luật Công nghệ thông tin về công nghiệp công nghệ thông tin cũng chưa đầy đủ và nhiều điểm không còn phù hợp với xu thế phát triển. Việc phân loại các loại hình công nghiệp công nghệ thông tin trong Luật chưa đồng bộ, thống nhất với hệ thống ngành kinh tế Việt Nam và phân loại các ngành dịch vụ (CPC) của Liên Hợp Quốc. Bên cạnh đó, còn có một số vấn đề về nhận thức, nguồn nhân lực, kinh phí hoạt động và tổ chức bộ máy, các vấn đề quy định chặt chẽ về bảo đảm an toàn an ninh thông tin mạng, cơ chế phối hợp khi xảy ra sự cố công nghệ... cũng cần được xem xét khi điều chỉnh Luật.

Đối với những đề xuất, kiến nghị sửa đổi Luật Công nghệ thông tin, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nên tiếp cận trên cơ sở đã có Luật cơ bản. Khi đã xây dựng được nền khung rồi, tiến tới sẽ hoàn thiện để nội dung các luật chuyên sâu hơn. Luật càng chuyên sâu, càng cụ thể thì khi cần chỉnh sửa sẽ thuận tiện hơn. Phó Thủ tướng cũng lưu ý việc cần nghiên cứu các xu thế phát triển mới của ngành công nghệ thông tin để đưa vào Luật.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Trương Minh Tuấn cho biết, Bộ sẽ chủ động hoàn thiện khuôn khổ pháp lý về công nghệ thông tin và truyền thông, trước mắt tập trung vào hai lĩnh vực: Ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển công nghiệp và dịch vụ công nghệ thông tin.

Với quan điểm hỗ trợ, thúc đẩy phát triển ngành, Luật Công nghệ thông tin cần sửa đổi những điều bất cập để tạo điều kiện phát triển công nghiệp công nghệ thông tin thành ngành kinh tế mũi nhọn, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực kinh tế-xã hội. Những sửa đổi cần dựa trên nhận xét, đánh giá toàn diện về thành tựu, hạn chế của Luật Công nghệ thông tin, thực tiễn phát triển của ngành trong 10 năm qua. Việc sửa đổi Luật Công nghệ thông tin cũng cần căn cứ vào phương hướng, chiến lược phát triển ngành công nghệ thông tin của Chính phủ trong thời gian tới.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top