Giáo dụcKhoa học

Chuyển giao KHKT trong nông nghiệp còn hạn chế

08:47 - Thứ Sáu, 29/06/2018 Lượt xem: 6628 In bài viết
ĐBP - Những năm qua, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Ðiện Biên đã đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật (KHKT) nhằm giúp nông dân tiếp cận, nắm bắt các kỹ thuật công nghệ mới, áp dụng vào thực tiễn sản xuất để nâng cao hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, quá trình triển khai còn gặp nhiều khó khăn, dẫn đến chưa hiệu quả.

 

Người dân xã Noong Luống (huyện Ðiện Biên) chăm sóc vườn nhãn ghép.

Từ năm 2014 đến nay, bằng nhiều nguồn vốn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và huyện, mỗi năm Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện được giao 400 triệu đồng để thực hiện các mô hình trình diễn về ứng dụng KHKT và chuyển giao những tiến bộ KHKT trong phát triển nông nghiệp. Một số mô hình đã mang lại hiệu quả. Ðiển hình như mô hình gieo sạ hàng lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên trên địa bàn xã Thanh Hưng và Thanh An, thực hiện từ năm 2016. Ðến nay theo đánh giá chi phí đầu vào so với sản xuất đại trà giảm được 2/3 lượng giống; 1/3 lượng phân bón; giảm số lần sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; năng suất tăng từ 3 - 4 tạ/ha, tương đương 6 - 7 triệu đồng/ha. Hay mô hình ghép mắt lai tạo giống nhãn chín muộn trên địa bàn các xã: Thanh Yên, Noong Luống và Sam Mứn với tổng diện tích gần 20ha. Ðó là giống nhãn chín muộn PM-M99-1.1 có năng suất chất lượng cao bằng phương pháp ghép cải tạo thay thế giống nhãn kém chất lượng. Với giá bán ra thị trường từ 30.000 - 35.000 đồng/kg, trừ chi phí (giống mắt ghép và vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật) sau 1 năm thu lợi nhuận khoảng 100 triệu đồng/ha.

Việc áp dụng KHKT trong sản xuất tạo điều kiện cho người dân tiếp cận các tiến bộ KHKT mới; có cơ hội trao đổi, học hỏi kinh nghiệm, nâng cao trình độ thâm canh, đầu tư chuyển đổi giống cây trồng vật nuôi theo hướng hiệu quả. Mặc dù các mô hình được đánh giá ban đầu rất thành công, song việc chuyển giao các tiến bộ KHKT đến người dân lại chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Theo tìm hiểu, hầu hết các mô hình mới chỉ dừng lại ở việc trình diễn, có những mô hình trình diễn rất hiệu quả nhưng khi chuyển giao cho người dân lại không duy trì được. Ðiển hình là mô hình nuôi cá hệ VAC kết hợp với chăn nuôi gia súc, gia cầm, thức ăn tinh và rau xanh tại 3 xã Núa Ngam, Phu Luông và Mường Lói. Nhờ áp dụng KHKT nên năng suất đạt 4 - 5 tấn/ha/vụ, tăng 1,5 - 2 tấn so với hình thức nuôi quảng canh, lợi nhuận đạt từ 60 - 100 triệu đồng/ha/vụ. Thế nhưng, sau khi mô hình kết thúc thì người dân cũng không tiếp tục duy trì mô hình. Như mô hình chăm sóc cây cà phê năm thứ 2 tại bản Tân Quang, xã Mường Nhà. Sau khi mô hình kết thúc người dân cũng không còn mặn mà chăm sóc cà phê với lý do không có nước tưới, sản phẩm khó trở thành hàng hóa nên không duy trì và mở rộng.

Trên đây chỉ là 2 trong số nhiều mô hình sau khi chuyển giao cho người dân nhưng không phát huy được hiệu quả. Bà Ðặng Thị Hồng, Trạm trưởng Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư huyện Ðiện Biên, cho biết: Do nguồn kinh phí thực hiện các mô hình vẫn còn thấp (400 triệu đồng/năm), chưa tương xứng với những tiềm năng. Vì vậy, việc nhân rộng các mô hình đã xây dựng thành công còn hạn chế. Theo thống kê, đối với các hộ khá thì việc mở rộng mô hình rất tốt (đạt trên 90%), thế nhưng đối với những hộ nghèo tỷ lệ duy trì và mở rộng mô hình rất thấp (chỉ đạt khoảng 20%). Thực tế đời sống nhiều hộ dân vẫn còn khó khăn, nhất là đối với các xã vùng ngoài. Ðồng thời, một bộ phận người dân chưa quan tâm đến việc áp dụng KHKT vào sản xuất, chăn nuôi; chưa mạnh dạn vay vốn để đầu tư phát triển sản xuất, thế nhưng khi được đầu tư sản xuất thì không mặn mà tái sản xuất sau khi mô hình kết thúc. Bên cạnh đó, lực lượng cán bộ kỹ thuật chưa đủ mạnh để đáp ứng nhiệm vụ chuyển giao tiến bộ KHKT; chưa có cán bộ khuyến nông thôn, bản trong khi một số cán bộ khuyến nông xã, đặc biệt các xã vùng ngoài còn yếu, chưa nhiệt tình với công việc… Vì vậy, việc tiếp cận và chuyển giao KHKT còn hạn chế.

Bài, ảnh: Thành Ðạt
Bình luận
Back To Top