Giáo dụcKhoa học

Ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất nông nghiệp

Hướng phát triển bền vững

08:24 - Thứ Hai, 02/07/2018 Lượt xem: 5926 In bài viết
ĐBP - Ứng dụng khoa học công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp là giải pháp đột phá, góp phần xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại. Thời gian qua, các ngành chuyên môn, chính quyền các cấp đã có nhiều chủ trương, giải pháp nhằm nâng cao giá trị, sức cạnh tranh của các sản phẩm nông nghiệp địa phương, bảo vệ và xử lý ô nhiễm môi trường, góp phần nâng cao đời sống cho người dân. Trong đó tập trung ứng dụng các giải pháp công nghệ sinh học trong sản xuất nông nghiệp, tạo ra các giống cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao; tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, sử dụng các chế phẩm sinh học.

 

Ông Ðặng Ðài Loan, thôn C2, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) xử lý phân chuồng bằng cách nuôi giun quế giúp đẩy nhanh quá trình phân hủy các chất hữu cơ, tạo nguồn dinh dưỡng tối ưu cho cây trồng, không gây ô nhiễm môi trường.

Ông Ðặng Ðài Loan, thôn C2, xã Thanh Yên (huyện Ðiện Biên) đã áp dụng trong trang trại của gia đình các giống cây trồng mới, năng suất cao, có khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu. Không những thế, ông Loan còn thực hiện quy trình chăm sóc, bón phân hoàn toàn bằng phương pháp sinh học như: Ủ phân hữu cơ vi sinh và sử dụng các chế phẩm sinh học có nguồn gốc thực vật với mục tiêu nhằm tạo ra những sản phẩm sạch, tốt cho sức khỏe người tiêu dùng, đồng thời không gây ô nhiễm môi trường. Ông Ðặng Ðài Loan cho biết: Trang trại của gia đình tôi đã triển khai được 3 năm với 2,5ha chủ yếu là các loại cây ăn quả như bưởi da xanh, nhãn, cam, ổi... Ðối với phân bón, tôi sử dụng chủ yếu là phân chuồng được xử lý, ủ mục bằng phân hữu cơ vi sinh cao cấp cùng với giun quế. Giun quế để giúp phân hủy nhanh, hiệu quả cao, không mùi, không gây ô nhiễm môi trường. Thuốc phòng trừ bệnh hại cây trồng được ủ từ đậu tương, ngô nghiền trộn men vi sinh, sau thời gian ủ 1 tháng thì dùng hỗn hợp đã ủ pha với nước rồi phun cho cây. Với phương pháp này, cây trồng phát triển tốt, quả có mẫu mã đẹp, đặc biệt an toàn, hạn chế được sâu bệnh, tiết kiệm chi phí. Tôi xác định phát triển sản xuất trồng trọt theo hướng an toàn sinh học là phát triển một cách bền vững, đảm bảo môi trường. Trang trại thực hiện theo mô hình khép kín, từ sản xuất, chế biến, bảo quản, lưu thông và phân phối sản phẩm đều thông qua hệ thống bán lẻ tại chuỗi các cửa hàng phân phối. Hiện nay, sản phẩm của trang trại được bày bán tại cửa hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm của Công ty Cổ phần Chuỗi thực phẩm an toàn Hoa Ban.

Cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp được xác định là giải pháp góp phần giải phóng sức lao động của nông dân, tăng năng suất, chất lượng cây trồng. Hợp tác xã Công nghệ cao Bản Mé là 1 trong những hợp tác xã điển hình trong việc cơ giới hóa sản xuất và áp dụng tiến bộ khoa học để làm ra sản phẩm lúa chất lượng cao. Ông Nguyễn Văn Nam, Giám đốc Hợp tác xã Công nghệ cao Bản Mé, cho biết: Hợp tác xã được thành lập từ tháng 6/2017, với mục tiêu tạo ra sản phẩm mang thương hiệu của địa phương đến với thị trường, đồng thời nâng cao ý thức người dân trong quá trình sản xuất nhằm tạo ra những sản phẩm an toàn. Hiện nay, tổng diện tích sản xuất lúa chất lượng cao của Hợp tác xã là 22ha, trong đó dồn điền đổi thửa được 13ha. Quy trình sản xuất ứng dụng canh tác lúa cải tiến (SRI), 3 giảm 3 tăng, sạ lúa theo phương pháp hiệu ứng hàng biên đã cho kết quả cao. Năng suất tăng 8,25 - 16,50%; lợi nhuận tăng 19,75 - 26,3%; giảm chi phí sản xuất 4,30 - 8,05% so với đại trà. Quy trình sản xuất đều thực hiện cơ giới hóa từ khâu làm đất, gieo sạ, thu hoạch… Sản phẩm khi thu hoạch của Hợp tác xã được Công ty TNHH Giống Nông nghiệp Trường Hương Ðiện Biên (huyện Ðiện Biên) bao tiêu. Tuy diện tích sản xuất chưa lớn, song với việc bao tiêu toàn bộ sản phẩm của nông dân, hợp tác xã đã bước đầu hình thành nên mô hình chuỗi liên kết: Doanh nghiệp sản xuất giống - người trồng lúa - doanh nghiệp chế biến gạo. Ngoài lúa chất lượng cao, thời gian qua Hợp tác xã phân phối sản phẩm rau trồng theo phương pháp an toàn của người dân trong xã đến với thị trường ngoài tỉnh. Tuy chưa được công nhận theo tiêu chuẩn VietGap, song quy trình sản xuất của người dân luôn được Hợp tác xã thường xuyên theo dõi và có cán bộ kỹ thuật trực tiếp hướng dẫn. Nhờ đó, bản thân người trồng rau trên địa bàn đã thay đổi nhận thức về sản phẩm sạch, biểu hiện ở việc hạn chế thuốc trừ sâu, thuốc bảo vệ thực vật. Thay vào đó, bà con sử dụng các chế phẩm sinh học như: ngâm gừng, sả, tỏi sau đó phun cho cây trồng vừa hạn chế được sâu bệnh, lại an toàn cho người sản xuất và tiêu dùng.

Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ vào sản xuất nông nghiệp đã tạo bước đột phá về năng suất, chất lượng, nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập, cải thiện đời sống nông dân. Do đó, tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật, công nghệ là giải pháp cần được các cấp, ngành chuyên môn lựa chọn, đầu tư trong sản xuất nông nghiệp. Ðồng thời tạo điều kiện, khuyến khích các tổ chức, cá nhân phát triển công nghệ sinh học ứng dụng vào sản xuất nhằm phát triển nền nông nghiệp bền vững, góp phần thực hiện hiệu quả Ðề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

Bài, ảnh: Lan Phương
Bình luận
Back To Top