Giáo dụcKhoa học

Quy hoạch tần số để thử nghiệm 5G

09:36 - Thứ Hai, 20/08/2018 Lượt xem: 4141 In bài viết

Phải đến năm 2019, Liên minh Viễn thông thế giới (ITU) mới đưa ra chuẩn công nghệ cho 5G, nhưng tại nhiều nước trên thế giới đã bắt đầu thử nghiệm, cho thấy việc sẵn sàng đón công nghệ mới này là tất yếu. Vì vậy, lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông vừa có yêu cầu các đơn vị chức năng thực hiện quy hoạch băng tần để cho phép thử nghiệm dịch vụ 5G tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.

 

Cục Tần số vô tuyến điện giới thiệu việc thử nghiệm 5G tại Việt Nam.

Hiện các quốc gia phát triển đã thực hiện quy hoạch tần số và thử nghiệm 5G như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ... Châu Âu cũng đã lên kế hoạch thử nghiệm 5G vào năm 2018 đến năm 2020 chính thức triển khai thương mại hóa dịch vụ. Đồng thời cũng xác định băng tần tiềm năng để triển khai dịch vụ gồm 700MHz, 3.400-3.800MHz, 24.000-27.000MHz cho 5G.

Theo Cục Tần số vô tuyến điện (Bộ Thông tin và Truyền thông), qua tham khảo các nước thì thấy băng tần được sử dụng phổ biến nhất là băng 3.500MHz và băng tần cao 26.000MHz. Trong đó, băng tần 3.400-3.800MHz được nhiều nước đưa vào quy hoạch và thử nghiệm 5G. Tuy nhiên, tại Việt Nam, băng tần này đang được sử dụng cho vệ tinh viễn thông VINASAT-1, do vậy chưa thể sử dụng. 

Chính vì vậy, dự kiến các băng tần để triển khai 5G tại Việt Nam trong giai đoạn đầu sẽ là 24.250-27.500MHz và băng tần 14.270-15.180MHz (đang được quy hoạch sẵn dành cho 4G và 5G); trong giai đoạn tiếp theo sẽ sử dụng băng tần 27.500-29.500MHz.

Các nhà cung cấp dịch vụ di động tại Việt Nam mới thiết lập mạng 4G trên toàn quốc kể từ tháng 4-2017, vì vậy, nói chuyện 5G có quá sớm? Trả lời câu hỏi này bên lề hội thảo và triển lãm quốc tế về 4G/5G do Hiệp hội Internet Việt Nam phối hợp với đối tác tổ chức hồi tháng 4-2018 tại Hà Nội, ông Jim Cathey, Phó Chủ tịch Tập đoàn Qualcomm (Mỹ) cho rằng, không bao giờ là quá sớm để hoạch định tương lai và thực hiện quy hoạch cho 5G. Việc lập kế hoạch sớm sẽ giúp thiết lập những nền tảng cần thiết cho các công nghệ tương lai và đạt hiệu quả hơn.

Cũng tại hội thảo kể trên, các chuyên gia cho biết, sau khi ITU công bố chuẩn công nghệ 5G (dự kiến năm 2019) với các thông tin về tần số sẽ giúp các hãng công nghệ sản xuất thiết bị phù hợp với băng tần; các nhà mạng nắm bắt để triển khai mạng lõi, dùng băng tần như thế nào. Do vậy, việc cơ quan quản lý các nước thực hiện quy hoạch băng tần từ thời điểm này là phù hợp và không nên để muộn hơn.

Trong công văn gửi Văn phòng Chính phủ tháng 7-2018 báo cáo về nghiên cứu, triển khai công nghệ 5G, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu rõ, xu hướng phát triển của hệ sinh thái số hóa toàn cầu và các dịch vụ, ứng dụng trên nền tảng internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn (Big data) và trí thông minh nhân tạo (AI) đòi hỏi công nghệ mới mà hiện 3G/4G đang triển khai không hoàn toàn đáp ứng được. Do vậy, triển khai công nghệ 5G là nhằm đáp ứng nhu cầu và xu thế phát triển trong tương lai.

Về thời điểm triển khai 5G, Bộ Thông tin và Truyền thông cho rằng cần được xem xét cụ thể dựa trên cơ sở nghiên cứu, đánh giá độ phổ dụng của công nghệ trên thực tế, giá thành dịch vụ và thiết bị cũng như nhu cầu thị trường. 

Đồng thời trong thời gian tới, cơ quan quản lý sẽ bổ sung thêm các băng tần 2.600MHz và 700MHz giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng hạ tầng mạng băng rộng, đáp ứng các nhu cầu về cung cấp dich vụ cho IoT, thành phố thông minh, ứng dụng công nghiệp 4.0... Kế hoạch thử nghiệm sẽ được Cục Tần số vô tuyến điện lên phương án để báo cáo lãnh đạo Bộ, sau đó sẽ giao các doanh nghiệp triển khai thử nghiệm. 
P.V (Theo HNM)
Bình luận
Back To Top