Giáo dụcKhoa học

Hạn chế tình trạng đốt chất thải ngoài trời

15:50 - Thứ Hai, 27/08/2018 Lượt xem: 5040 In bài viết
Tình trạng đốt rác thải, phụ phẩm nông nghiệp, hoạt động tái chế tại các làng nghề bằng hình thức đốt hở, đốt ngoài trời là một trong những thách thức đối với công tác bảo vệ môi trường ở Việt Nam hiện nay. Đáng chú ý, việc đốt chất thải ngoài trời sẽ làm phát sinh các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe người dân… đến các thế hệ tương lai.

 

Hệ thống xử lý chất thải rắn tại Khu Liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn, huyện Sóc Sơn (TP Hà Nội).

Theo số liệu thống kê, ở Việt Nam mỗi năm có tổng lượng phát sinh chất thải rắn (CTR) sinh hoạt khoảng hơn 24,5 triệu tấn; CTR công nghiệp 8,1 triệu tấn và khoảng 800 nghìn tấn chất thải nguy hại. Tuy nhiên, tỷ lệ thu gom CTR sinh hoạt ở khu vực các thành phố mới đạt khoảng từ 70% đến 85%; đối với các thị trấn khu vực nông thôn từ 40% đến 55%. Ngoài ra, hoạt động đốt hở tại các cơ sở tái chế chất thải quy mô nhỏ ở các làng nghề, đốt ngoài trời các phế phẩm nông nghiệp, đốt tại bãi rác ngoài trời, đốt chất thải sinh hoạt ở khu vực nông thôn… là những thách thức lớn trong quản lý ô nhiễm môi trường ở nước ta hiện nay. Ðáng lo ngại, các hoạt động này không chỉ gây hậu quả trước mắt như ô nhiễm không khí, bụi, khói, mà trong quá trình đốt còn phát sinh các chất đi-ô-xin, phu-ran, nhất là các chất POP mới tồn tại bền vững trong môi trường. Cho nên về lâu dài, do tiếp xúc với các chất POP thường xuyên sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, nhất là sức khỏe của phụ nữ và từ đó ảnh hưởng đến các thế hệ tương lai…

Thực tế cho thấy, việc quản lý CTR ở nước ta còn gặp không ít hạn chế như: Việc phân loại chất thải công nghiệp tại nguồn chưa phổ biến (thường áp dụng với các chất thải tái chế); chất thải công nghiệp thường được thu gom cùng với chất thải sinh hoạt, hoặc chất thải nguy hại. CTR ở khu vực nông thôn hầu như chưa được thu gom và xử lý triệt để. Nhiều làng quê vẫn còn tình trạng đổ rác thải bừa bãi ở các khu vực công cộng, dọc sông, ao hồ gây ô nhiễm môi trường. Trong khi đó, CTR ở các đô thị lớn thường được lưu giữ tạm thời tại khu vực tập kết, các trạm trung chuyển trước khi vận chuyển đến các cơ sở xử lý cuối cùng là bãi chôn lấp. Việt Nam hiện có khoảng 400 lò đốt rác thải y tế (hầu hết hoạt động từ năm 2000) và nhiều lò đốt rác quy mô nhỏ ở khu vực nông thôn với công suất thấp (dưới 500 kg/giờ), công nghệ lạc hậu, không có hệ thống xử lý bụi, khí thải… cho nên nguy cơ phát thải đi-ô-xin, phu-ran trong môi trường là rất cao…

Theo Ths Nguyễn Như Trung, Vụ Quản lý chất thải (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường), nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường, Việt Nam đã tham gia Công ước Xtốc-khôm về các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), trong đó có quy định việc ngừng sản xuất, cấm sử dụng, hạn chế sử dụng và tiến tới tiêu hủy hoàn toàn một số chất thải POP do con người tạo ra. Thực hiện các biện pháp cần thiết để giảm liên tục sự phát sinh không chủ định các chất POP từ hoạt động sản xuất công nghiệp, sinh hoạt, hoặc xử lý chất thải. Ðể thực hiện các quy định của Công ước Xtốc-khôm về POP, năm 2017, Thủ tướng Chính phủ ra Quyết định số 1598/QÐ-TTg về việc ban hành Kế hoạch quốc gia thực hiện Công ước Xtốc-khôm về POP đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030, với mục tiêu quản lý, kiểm soát ô nhiễm, giảm phát thải, xử lý và tiến tới loại bỏ các chất POP ở Việt Nam, góp phần bảo vệ sức khỏe con người và môi trường, phát triển bền vững tại Việt Nam và hội nhập quốc tế... Luật Bảo vệ Môi trường (năm 2014) cũng có những điều, khoản nghiêm cấm hành vi như: thải chất thải chưa được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; các chất độc, chất phóng xạ và chất nguy hại khác vào đất, nguồn nước và không khí… Chất thải phải được quản lý trong toàn bộ quá trình phát sinh, phân loại, thu gom, vận chuyển, tái sử dụng, tái chế và tiêu hủy. Chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ làm phát sinh chất thải có trách nhiệm giảm đến mức thấp nhất, từng bước thực hiện việc tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng từ chất thải, hoặc chuyển giao cho cơ sở có chức năng phù hợp để tái sử dụng, tái chế và thu hồi năng lượng…

Tiến sĩ Trần Thế Loãn (Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam) cho rằng: Bên cạnh việc tiếp tục rà soát, bổ sung các quy định pháp luật có liên quan về CTR và chất thải có chứa POP do hoạt động đốt ngoài trời, đốt hở, các bộ, ngành liên quan cần sớm ban hành các cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, công nghệ sạch thân thiện với môi trường trong quá trình xử lý CTR. Ðồng thời, cần coi rác thải là nguồn tài nguyên do thành phần CTR ở Việt Nam có tỷ lệ tái chế cao, cũng là cơ hội để phát triển ngành công nghiệp tái chế chất thải, nhất là chế biến năng lượng sinh khối, thu hồi năng lượng thông qua quá trình đốt… Hiện nay việc ứng dụng công nghệ chuyển hóa chất thải rắn thành năng lượng ở Việt Nam đã bước đầu được áp dụng. Cụ thể như, tại Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn (TP Hà Nội) đã xây dựng một nhà máy hiện đại để chuyển hóa chất thải thành năng lượng (công nghệ Nhật Bản). Nhà máy có công suất đốt là 75 tấn CTR mỗi ngày, tạo ra 1,93 MW năng lượng điện, trong đó 1,2 MW được đưa vào lưới điện quốc gia. Một số dự án có công nghệ tương tự đang được triển khai tại Phú Thọ, Cần Thơ, Bà Rịa-Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh..., bước đầu thu được một số kết quả đáng khích lệ...
P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top