Giáo dụcKhoa học

Nghiên cứu đột phá về điều trị ung thư giành Nobel Y học 2018

15:43 - Thứ Ba, 02/10/2018 Lượt xem: 5502 In bài viết

Hai nhà khoa học James Allison và Tasuku Honjo đã đoạt giải Nobel Y học năm 2018 cho những khám phá dẫn đến những đột phá trong liệu pháp điều trị ung thư.

 

Hai nhà khoa học James P. Allison (phải) và Tasuku Honjo (trái).

GS. James Allison (70 tuổi, người Mỹ) đã nghiên cứu ra một loại protein hoạt động như một chất kìm hãm hệ miễn dịch. Ông nhận ra tiềm năng khi giải phóng tế bào miễn dịch có thể kích thích khả năng tấn công các khối u. Theo đó, ông phát triển ý tưởng này thành hướng tiếp cận mới để điều trị cho bệnh nhân.

Còn GS. Tasuku Honjo (76 tuổi, người Nhật Bản) cũng phát hiện một loại protein ở tế bào miễn dịch hoạt động như chất ức chế nhưng có cơ chế hoạt động khác. Các phương pháp điều trị dựa trên phát hiện của ông rất hiệu quả trong việc chống lại ung thư.

Phương pháp mới này đã được áp dụng thử nghiệm trong việc điều trị ung thư phổi tế bào nhỏ. Hai tháng sau khi đưa vào tế bào miễn dịch, hiện tượng tiến triển giả xuất hiện. Sau 4 tháng, kích thước khối u được thu nhỏ.

Ủy ban Nobel cho biết trong lúc ung thư đang cướp đi hàng triệu mạng sống mỗi năm và là một trong những thách thức sức khỏe nghiêm trọng nhất của nhân loại thì công trình của hai nhà khoa học đã tìm ra cách để kích thích hệ thống miễn dịch để chống lại và tự đào thải tế bào ung thư, mở ra nguyên lý mới cho việc điều trị bệnh này.

Nhà miễn dịch học James Allison là Giám đốc Hội đồng cố vấn khoa học của Viện Nghiên cứu Ung thư (CRI), hiện làm việc tại Trường Đại học Texas (Mỹ). Trước khi nhận giải Nobel cho công trình khám phá cách điều trị ung thư bằng ức chế miễn dịch âm tính, ông đã dành nhiều năm nghiên cứu về cơ chế phát triển và kích hoạt thụ thể tế bào T. Ông cũng là nhà khoa học đầu tiên tìm ra cách tách chuỗi protein phức tạp của kháng nguyên thụ thể tế bào T.

Nhà khoa học Tasuku Honjo là một nhà miễn dịch đang làm việc tại Đại học Kyoto, Nhật Bản. Ông nổi tiếng với việc xác định protein chết được lập trình và được biết đến với nhận dạng phân tử của cytokine: KL-4 và IL-5 cũng như phát hiện ra Cytidine Deaminase. 

Y học là giải thưởng Nobel đầu tiên được trao tặng mỗi năm. Các giải thưởng Nobel được trao cho những thành tựu trong khoa học, văn học và hòa bình theo di nguyện của nhà khoa học, doanh nhân Alfred Nobel. Giải thưởng Nobel đầu tiên được trao tặng vào năm 1901.

Giải thưởng văn học sẽ không được trao trong năm nay sau khi Hội đồng giải thưởng này là Viện Hàn lâm Thụy Điển bị ảnh hưởng bởi một vụ bê bối tình dục.

Từ năm 1901 đến 2017, đã có 108 giải Nobel Y học được trao, trong số những người thắng giải có 12 phụ nữ. Chủ nhân trẻ tuổi nhất của giải Nobel Y học là ông Frederick Banting, nhà sinh lý học người Canada khám phá ra hormone tuyến tụy insulin điều trị bệnh tiểu đường. Ông nhận giải năm 1923, khi mới 32 tuổi. Chủ nhân lớn tuổi nhất của Giải Nobel Y học là bác sỹ Francis Peyton Rous, nhận giải năm 1966 khi ông 87 tuổi, với công trình nghiên cứu khám phá vai trò của các virus trong việc truyền một số loại bệnh ung thư.

Viện Hàn lâm Khoa học Hoàng gia Thụy Điển sẽ công bố chủ nhân các giải Nobel Vật lý, Nobel Hóa học và Nobel Kinh tế lần lượt vào ngày 2/10, 3/10 và 8/10. Ủy ban Nobel Na Uy sẽ công bố giải Nobel Hòa bình vào ngày 5/10.

P.V (Theo Chinhphu)
Bình luận
Back To Top