Giáo dụcKhoa học

Techfest 2018: Khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối toàn cầu

14:39 - Thứ Sáu, 30/11/2018 Lượt xem: 3983 In bài viết

“Khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối toàn cầu” là chủ đề xuyên suốt của Techfest 2018 tại TP. Đà Nẵng. Techfest 2018 dự kiến thu hút khoảng 5.000 lượt người tham gia, 250 gian hàng khởi nghiệp triển lãm, 250 nhà đầu tư, quỹ dầu tư, diễn giả trong nước, quốc tế.

Từ ngày 29/11- 1/12, tại TP Đà Nẵng, Bộ KH&CN, Ban Kinh tế Trung ương, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, UBND TP. Đà Nẵng, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, cùng với các đối tác trong và ngoài nước phối hợp tổ chức sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia (Techfest Việt Nam 2018) với chủ đề “Khởi nghiệp sáng tạo - Kết nối toàn cầu”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc sẽ tham dự và có bài phát biểu quan trọng tại Lễ khai mạc Techfest Vietnam 2018, được truyền hình trực tiếp từ 20h-21h30’ ngày 29/11 trên kênh VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam.

Techfest 2018 hướng tới tăng cường liên kết, phát triển mạng lưới chia sẻ giữa các thành phần trong hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam với hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực và trên thế giới; cập nhật tình hình và tiềm năng của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo, cập nhật xu hướng công nghệ và khởi nghiệp sáng tạo mới nhất; kết nối đầu tư từ quỹ đầu tư mạo hiểm, nhà đầu tư thiên thần, các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong nước và quốc tế với các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, trở thành một kênh thông tin hiệu quả trong việc góp ý, đề xuất, kiến nghị về hành lang pháp lý, cơ chế, chính sách hỗ trợ khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam.

Techfest 2018 hướng tới mục tiêu thu hút khoảng 5.000 lượt người tham gia; 250 gian hàng khởi nghiệp tham gia triển lãm; 250 nhà đầu tư, quỹ đầu tư, diễn giả trong nước, quốc tế; 20 nước trong khu vực và trên thế giới, đặc biệt là đại diện của các cơ quan phụ trách khởi nghiệp sáng tạo, các nhà đầu tư, doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tiêu biểu tại các nước ASEAN là đại diện của Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu GEN.

Trong năm 2017 và 2018, hoạt động của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam diễn ra rất sôi động. Với nỗ lực của các thành phần, đặc biệt, với vai trò dẫn dắt của Nhà nước, hệ sinh thái đã có bước tiến vượt bậc.

Năm 2017, đã có hơn 40 quỹ đầu tư mạo hiểm hoạt động tại Việt Nam, tăng gấp đôi so với 2015; hơn 40 cơ sở ươm tạo và tổ chức thúc đẩy kinh doanh cùng hơn 60 khu không gian làm việc chung trên cả nước; nhiều mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp được hình thành như: Mạng lưới kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, Chương trình "Sáng kiến cố vấn khởi nghiệp Việt Nam".

Năm 2018, các tập đoàn kinh tế lớn tăng cường đầu tư cho hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo: Vinacapital thành lập quỹ đầu tư Vinacapital Ventures (100 triệu USD); Vingroup thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Quỹ Hỗ trợ nghiên cứu KH&CN có mức đầu tư 2.000 tỷ đồng, Quỹ Đầu tư mạo hiểm có mức 300 triệu USD để hỗ trợ các ý tưởng sáng tạo đột phá về công nghệ.

Năm 2018 cũng là năm ghi nhận sự thành công của các start-up Việt với những khoản gọi vốn đầu tư lớn: Foody, nền tảng kết nối ẩm thực trực tuyến, gọi vốn thành công thu về 64 triệu USD; Tiki.vn, trang thương mại điện tử nhận được khoản đầu tư 44 triệu USD từ quỹ đầu tư của Hàn Quốc, Trung Quốc; Sendo.vn, sàn giao dịch điện tử gọi vốn thành công 51 triệu USD từ các nhà đầu tư châu Á.

Không chỉ có start-up Việt hoạt động ở trong nước mà cả start-up Việt được thành lập ở nước ngoài cũng gặt hái thành công như Misfit, GotIt hay Kyber Network. Trí tuệ Việt, sức sáng tạo Việt, ý chí người Việt đã và đang từng bước khẳng định và vươn ra thế giới, xóa nhòa khoảng cách địa lý.

Những con số ấn tượng này đã khẳng định sự phát triển mạnh mẽ của hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia. Đây là kết quả của sự chủ động vào cuộc tích cực của Bộ KH&CN và sự tham gia, hưởng ứng mạnh mẽ của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị-xã hội cũng như các hiệp hội trên cả nước. Đây cũng là kết quả đáng khích lệ sau hơn một năm triển khai Đề án Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025 (Đề án 844) mà Thủ tướng đã giao Bộ KH&CN chủ trì.

Techfest 2018 cũng là một dịp nhìn lại hoạt động khởi nghiệp trên cả nước thông qua các sự kiện nổi bật như: “Diễn đàn Thanh niên khởi nghiệp 2018”, của lãnh đạo Chính phủ với thanh niên, sinh viên để động viên, khuyến khích các bạn trẻ không ngừng sáng tạo và tháo gỡ vướng mắc trong quá trình hoạt động khởi nghiệp.

Điểm nhấn khác của sự kiện là Hành trình “Tôi yêu tổ quốc tôi” năm 2018 với chủ đề: Thanh niên khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, với các chuyến xe xuất phát từ 2 đầu đất nước Hà Nội và Cần Thơ, dừng chân tại 11 tỉnh/thành phố phát triển về khởi nghiệp sáng tạo để có được những góc nhìn trực quan về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của đất nước.

Một sự kiện quan trọng khác là “Diễn đàn đối thoại chính sách cấp cao về hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo”, chia sẻ kinh nghiệm xây dựng hệ sinh thái quốc gia hướng tới liên kết khu vực và toàn cầu, có sự tham gia của đại diện lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ngành, đại diện lãnh đạo Mạng lưới khởi nghiệp toàn cầu (GEN), Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), đại diện các nước ASEAN, các tổ chức tư vấn quốc tế có uy tín. Đây là dịp trao đổi, chia sẻ thông tin, giúp chúng ta tiếp thu những kinh nghiệm của các nước về hoạt động khởi nghiệp sáng tạo.

Techfest 2018 cũng sẽ chứng kiến những ý tưởng sáng tạo rất đặc biệt của người Việt thông qua các video clip được trình chiếu sẽ khiến chúng ta ngạc nhiên về những ý tưởng sáng tạo của người Việt Nam rất đáng khâm phục.

Điểm nhấn trong chuỗi sự kiện này chính là buổi trao giải tại Chung kết Cuộc thi Khởi nghiệp quốc gia với sự góp mặt của các start-up đoạt giải cao của các Techfest vùng và start-up các nước ASEAN, những ý tưởng sáng tạo hay nhất sẽ tham gia vào những sự kiện khởi nghiệp ở Hoa Kỳ (Thung lũng Silicon), Israel, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Trong khuôn khổ Techfest 2018 còn có sự tham gia của chuyên gia các bộ, ngành, viện nghiên cứu, trường đại học, các cơ quan cung cấp thông tin sở hữu trí tuệ, hỗ trợ thương mại hóa công nghệ thuộc Bộ KH&CN tại các chuỗi hội thảo chuyên đề về khởi nghiệp (được gọi là 08 “Làng khởi nghiệp”) trong các lĩnh vực giáo dục, tài chính, y tế, nông nghiệp, du lịch, công nghệ 4.0, khởi nghiệp tác động xã hội, cộng đồng hỗ trợ khởi nghiệp.

Techfest được tổ chức lần đầu tiên vào năm 2015 với tổng giá trị cam kết đầu tư sau sự kiện đạt hơn 1 triệu USD. Đến năm 2016, có hơn 3.000 người tham dự với số cam kết đầu tư hơn 3 triệu USD… Bước sang năm 2017, số người tham dự vượt ngưỡng 4.500 với tổng giá trị cam kết đầu tư sau sự kiện đạt hơn 4,5 triệu USD.

P.V (Theo Chinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top