Giáo dụcKhoa học

Những người “đếm gió đo mưa”

10:10 - Thứ Sáu, 25/01/2019 Lượt xem: 10586 In bài viết

ĐBP - Chúng tôi đã nghe nhiều về công việc lặng thầm, nỗi nhọc nhằn, cô đơn của những người “đếm gió đo mưa”; song cảm nhận thực sự thì chỉ mới đây thôi, khi chúng tôi thăm các trạm khí tượng, thủy văn trên địa bàn tỉnh, nghe họ chia sẻ về công việc, về cuộc sống của mình...

 

Ông Trịnh Ðình Vui, Trạm trưởng Trạm Thủy văn bản Yên, xã Sam Mứn (huyện Ðiện Biên) lặng lẽ với công việc hàng ngày.

Âm thầm, lặng lẽ là cảm nhận đầu tiên của nhiều người khi nói về nghề khí tượng thủy văn. Ðiều này có thể dễ dàng kiểm chứng nếu đến các trạm khí tượng, thủy văn dù chỉ một lần. Một chiều cuối năm chúng tôi đến thăm Trạm Thủy văn bản Yên, xã Sam Mứn (huyện Ðiện Biên). Cơ quan thậm chí không có cổng vào, hỏi thăm mãi chúng tôi mới biết Trạm đi nhờ cổng của Tiểu đoàn Bộ binh 1 (Trung đoàn 741) và cũng chỉ đi chung một đoạn ngắn phía ngoài rồi theo con đường bê tông đã xuống cấp chạy xuống phía bờ sông. Ðiều đầu tiên chúng tôi nhìn thấy là ngôi nhà hai tầng cũ kỹ bong tróc, một bên là cây cối um tùm cao vút, một bên là suối sâu, Trạm Thủy văn bản Yên vắng lặng như tờ; đứng ngoài, gió ù ù như sắp bão, vào trong thì tiếng gió hút nghe như đang mưa gió nặng rồi. Ông Trịnh Ðình Vui, Trạm trưởng nói với chúng tôi: Nhiệm vụ ở mỗi thời điểm có thể khác nhau, mùa mưa lũ có khi 1 - 2 tiếng phải đo lại một lần; vì thế cả 4 thành viên của trạm túc trực liên tục 4 - 5 ngày liền. Còn thông thường, chúng tôi phân công nhau trực mỗi người 1 ngày. Làm nghề 22 năm và gắn bó với trạm này suốt những năm qua, xác định nó là cuộc sống của mình thì cứ lặng lẽ thôi chứ chừng ấy năm bà con quanh đây cũng chẳng mấy người biết mình là ai, làm công việc gì...

Công tác ở Ðài Khí tượng Thủy văn tỉnh Ðiện Biên đã 37 năm, hiện là người có thâm niên lâu nhất ở đây; ông Nguyễn Văn Thanh, Bí thư Chi bộ như một kho tư liệu về nghề “đếm gió đo mưa”. Trò chuyện với ông, chúng tôi mới thực sự hiểu “sống chết với nghề” là thế nào. Ông Thanh chia sẻ: Nghề nào cũng phải yêu thì mới có thể cống hiến hết mình, nhưng nghề này thì phải ngấm vào máu thịt mới trụ được. Khi bước vào nghề, tôi nghĩ nó lãng mạn, thơ mộng lắm... nhưng vào làm rồi thì mới thấy không phải vậy; thay vào đó, gắn bó bởi trách nhiệm bản thân, ý thức nghề nghiệp, sự cần thiết của công việc với cuộc sống cộng đồng. Bởi đây là nghề đặc biệt, thế giới có thể khác nhau về mọi thứ, có thể xung đột, nhưng quy tắc cập nhật số liệu khí tượng thủy văn là đồng nhất (cập nhật cùng thời điểm và chia sẻ toàn cầu). Lúc thực tập, làm gì cũng sẽ có người làm cùng; đặc biệt là khi mưa lũ, đêm hôm, gió bão. Nhưng chính thức nhận ca thì vất vả hơn rất nhiều. Trạm luôn phải ở nơi khắc nghiệt (ven suối, đỉnh đồi...), nên ngoài nỗi sợ do đêm đen đặc quánh, sợ gặp kẻ xấu, còn cả sợ nguy hiểm từ mưa bão, lũ lụt... Nguyên tắc của nghề là phải thật đúng giờ, vì thế có khi mưa bão, gió giật chúng tôi đều phải bò ra trạm. Khoảng năm 1983, ở Trạm Khí tượng Thủy văn Lai Châu (nay là Mường Lay), một đêm vào ca, sau khi đọc xong số liệu quan trắc, tôi gọi điện thoại về báo cáo thì bị sét đánh văng cả điện thoại, chảy máu mồm, sợ vô cùng! Nhưng nguyên tắc nghề nghiệp là thế, nếu không phải là bất khả kháng thì không được phép sai giờ, người run lên, nhưng tôi vẫn phải tiếp tục nhấc điện thoại làm nhiệm vụ...

Sau khi hoàn thành việc báo cáo số liệu lúc 4 giờ chiều, anh Ðào Ðức Thụy, Giám đốc Ðài Khí tượng Thủy văn tỉnh chia sẻ với chúng tôi: Ðài Khí tượng Thủy văn tỉnh trực thuộc Ðài Khí tượng Thủy văn khu vực Tây Bắc; có chức năng quan trắc, điều tra, khảo sát khí tượng thủy văn, môi trường và quan trắc định vị sét; dự báo, cảnh báo khí tượng thủy văn; thông tin dữ liệu khí tượng thủy văn trong phạm vi tỉnh Ðiện Biên. Hiện, Ðài có 35 cán bộ, viên chức làm việc tại 3 trạm thủy văn, 4 trạm khí tượng. Những năm gần đây diễn biến thời tiết, khí hậu phức tạp, thay đổi không theo quy luật nên việc dự báo khó khăn hơn. Khoa học công nghệ dù đã hỗ trợ nhiều cho hoạt động chuyên môn; song dù sao con người vẫn phải làm chủ và cán bộ viên chức Ðài đang nỗ lực hết mình để làm tốt việc này.

 

Chị Nguyễn Thị Thu Thủy, Phụ trách Trạm Khí tượng Ðiện Biên đọc số liệu quan trắc.

Khi chúng tôi hỏi thăm về đời sống, điều kiện làm việc của cán bộ, viên chức trong cơ quan, thì anh Thụy như cởi tấm lòng chia sẻ: Chúng tôi - những người đang làm việc ở trung tâm này là hạnh phúc nhất rồi. Trụ sở dẫu có cũ, bong tróc vì xây dựng từ năm 1996, thì vẫn tốt hơn rất nhiều so với các đồng chí ở trạm (Trạm Thủy văn Mường Lay, Trạm Khí tượng Pha Ðin...). Làm nghề khí tượng thủy văn là phải chấp nhận làm việc trong môi trường khó khăn, hoang vắng, nguy hiểm, thiếu thốn cả về vật chất và tinh thần. Vì thế mà, ở Ðài Khí tượng thủy văn tỉnh có nhiều đôi vợ chồng cùng cơ quan. Hầu như người làm trong ngành đều phải xa con vì nơi làm việc chẳng mấy chỗ có trường học. Ðặc thù nghề nghiệp không bao giờ có ngày nghỉ, nên tết đến xuân về vẫn xa vợ, xa con là chuyện bình thường. Cũng có những người vợ ở miền xuôi, quanh năm thay chồng gánh vác gia đình, chăm con; tết đến lại khăn gói lên trạm thăm chồng... 

Trong một bài viết khó có thể viết hết, nói hết, tả hết được những gì được nghe, được thấy về công việc, cuộc sống của những người làm công tác khí tượng, thủy văn - những người lặng lẽ từng ngày “đếm gió đo mưa”. Có quá nhiều khó khăn, nhọc nhằn, thiếu thốn và những hy sinh lặng thầm, song điều mà chúng tôi chắc chắn đó là niềm tin, họ đã, đang và sẽ còn tiếp tục sống chết với nghề.

Mai Thủy
Bình luận
Back To Top