Giáo dụcKhoa học

Sáng nay 4-7, bão số 2 đổ bộ miền Bắc

09:24 - Thứ Năm, 04/07/2019 Lượt xem: 5075 In bài viết

Theo thông báo từ Trung tâm Dự báo khí tượng - thủy văn quốc gia, ngày 3-7, áp thấp nhiệt đới ở biển Đông đã mạnh lên thành cơn bão số 2, có tên quốc tế là Mun. Sáng nay 4-7, bão số 2 sẽ đổ bộ trực tiếp vào đồng bằng Bắc bộ. 

 

Sơ đồ đường đi của bão số 2.

Các địa phương gấp rút ứng phó

Dự báo, sáng 4-7 bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 10-15km, đi vào đất liền các tỉnh từ Quảng Ninh đến Thanh Hóa với sức gió mạnh cấp 7-8, giật cấp 10, sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 16 giờ ngày 4-7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở khoảng 21,1 độ vĩ Bắc-106 độ kinh Đông, trên đất liền các tỉnh đồng bằng Bắc bộ. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40-50km/giờ), giật cấp 8. Trong 24 đến 36 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 15km và tiếp tục suy yếu thành một vùng áp thấp trên khu vực vùng núi và trung du Bắc bộ.

Do ảnh hưởng hoàn lưu bão số 2, các tỉnh từ Quảng Trị đến Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to vào đêm 3-7, từ 4-7 mưa sẽ giảm nhanh. Riêng các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa rất to (lượng mưa phổ biến 150-200mm/24 giờ, có nơi trên 250mm/24 giờ). Từ đêm 4-7, mưa giảm ở Nghệ An, Hà Tĩnh và Quảng Bình.

Từ đêm 3-7 đến sáng 5-7, ở các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, khu vực đồng bằng Bắc bộ và Đông Bắc có mưa to đến rất to (lượng mưa phổ biến 100-150mm/24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ); vùng núi Bắc bộ có mưa to (lượng mưa phổ biến 50-100mm/ 24 giờ, có nơi trên 150mm/24 giờ). Hà Nội cũng sẽ có mưa rất to vào ngày 4-7.

Nhận định bão số 2 có thể ảnh hưởng trực tiếp đến các huyện ven biển, ngày 3-7, tỉnh Nam Định đã tập trung mọi phương án chủ động ứng phó với bão số 2 và thực hiện cấm biển từ 12 giờ ngày 3-7, nhằm hạn chế thấp nhất thiệt hại do bão gây ra. Trước 15 giờ ngày 3-7, các địa phương đã hoàn thành việc kiểm đếm, kêu gọi các phương tiện đang hoạt động trên biển, chủ các cơ sở nuôi trồng thủy sản, nhân dân vùng cửa sông, ven biển vào nơi tránh trú an toàn; cấm các hoạt động vui chơi trên biển, tắm biển từ 16 giờ chiều 3-7, vì đây được dự báo là nơi tâm bão đi qua.

 

Tàu thuyền được đưa vào neo đậu tại Bến cá Quán Chánh, huyện Kiến Thụy, Hải Phòng để tránh bão. Ảnh: TTXVN

UBND tỉnh Nam Định yêu cầu Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Nam Định chủ trì, phối hợp với UBND các huyện theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão trên các phương tiện thông tin đại chúng, giữ thông tin liên lạc thường xuyên với chủ các phương tiện để xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Theo thống kê, tỉnh Nam Định có trên 2.100 tàu thuyền với trên 5.720 lao động. Ở khu vực ven biển, Nam Định có trên 1.000 lều, chòi nuôi ngao với trên 1.300 ngư dân. Đến chiều 3-7, tất cả ngư dân đã nhận được thông tin về cơn bão và chủ động vào bờ. 

Tại tỉnh Quảng Ninh, từ 11 giờ ngày 3-7, Cảng vụ Đường thủy nội địa Quảng Ninh đã ngừng cấp phép cho các tàu du lịch và tàu ra các tuyến đảo do ảnh hưởng của cơn bão số 2. Riêng tại huyện đảo Cô Tô đã dừng cấp phép từ sáng 3-7. Theo thông tin từ huyện đảo Cô Tô, trên đảo đang còn khoảng 1.640 khách du lịch, trong đó có 4 khách nước ngoài. Dù đã được thông báo về ảnh hưởng của bão số 2 đến vùng biển Quảng Ninh và dừng cấp phép cho tàu vào bờ từ ngày 2-7 nhưng số du khách này vẫn ở lại đảo. Để đảm bảo cho du khách, UBND huyện Cô Tô đã thông báo đến các nhà hàng, khách sạn tạo điều kiện và đảm bảo an toàn cho toàn bộ số du khách đang ở trên đảo.

 

Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai để ứng phó bão số 2. Ảnh: Văn Phúc

Về tình hình đê biển, đê cửa sông các tỉnh từ Quảng Ninh đến Hà Tĩnh có 43 vị trí xung yếu (27 đoạn đê với 43,83km), 16 cống dưới đê, 6 công trình đang thi công. Các hồ thủy lợi khu vực miền núi phía Bắc và Trung bộ ở mức 30-80% dung tích. Các tỉnh Bắc Trung bộ đã gieo cấy 165.000ha lúa hè thu đang giai đoạn đẻ nhánh. Các tỉnh vùng đồng bằng sông Hồng đã gieo cấy 260.000ha, trong đó: 70.000ha lúa mới gieo sạ (lớn nhất là Hải Dương 15.000ha, Hà Nam 13.000ha) có nguy cơ bị ngập úng cao khi có mưa lớn. Tại các tỉnh vùng Bắc Trung bộ đã gieo cấy 132.000ha, hiện đang giai đoạn đẻ nhánh.

Không được chủ quan

Tại cuộc họp khẩn của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai diễn ra ngày 3-7 tại Hà Nội, ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phó trưởng Ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, đề nghị các địa phương không chủ quan với bão số 2, khẩn trương triển khai các biện pháp ứng phó.

Về 1.640 khách du lịch đang ở đảo Cô Tô, Đại tá Trần Văn Đình - Trưởng phòng Cứu hộ, cứu nạn, Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, đề nghị Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đôn đốc tỉnh Quảng Ninh đảm bảo an toàn cho những du khách này. Đại tá Trần Văn Đình cũng cho biết: “Chúng tôi đã thông tin, kiểm đếm, hướng dẫn cho tổng số 56.600 tàu với khoảng 230.000 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Cùng với đó là đôn đốc các đơn vị biên phòng tuyến biển từ Bình Định trở ra khẩn trương kêu gọi tàu thuyền vào nơi trú tránh an toàn; phối hợp với các ngành để tham mưu cho chính quyền địa phương hoàn thành công tác kêu gọi và sắp xếp, neo đậu các loại phương tiện trước 17 giờ chiều 3-7”.

Kết luận cuộc họp, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường yêu cầu thông tin dự báo bão cần bám sát thực tế, thường xuyên liên tục để phục vụ công tác điều hành của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, giúp địa phương và các lực lượng cứu hộ cứu nạn chủ động các phương án ứng phó. Đặc biệt chú ý các tuyến đê, hồ chứa xung yếu, ngập úng tại các đô thị; đề phòng lũ ống sạt lở đất ở khu vực miền núi phía Bắc. Về tuyến biển, theo ông Cường, cần phải rất chú ý tàu vãng lai. Kinh nghiệm 3 năm vừa qua, thiệt hại chủ yếu là tàu vãng lai do không nắm được thông tin luồng lạch và đề nghị Bộ Giao thông Vận tải  (GT-VT) lưu ý thông báo kịp thời cho các phương tiện. Ông Cường cũng đề nghị đảm bảo an toàn khu neo đậu cho các tàu thuyền, lồng bè chòi canh nuôi thủy sản, không để thiệt hại về người và chú ý khách du lịch trên các đảo, trong đó có đảo Cô Tô.

Do ảnh hưởng của cơn bão số 2, các hãng hàng không Vietnam Airlines và Jetstar Pacific đã phải điều chỉnh kế hoạch khai thác các chuyến bay đến, đi từ sân bay Cát Bi (Hải Phòng) trong ngày 3-7. Cụ thể, Vietnam Airlines hủy 2 chuyến bay VN1192, VN1193 giữa Hải Phòng - TPHCM. Jetstar Pacific điều chỉnh hướng cất, hạ cánh của 2 chuyến bay BL594, BL595 giữa Hải Phòng - TPHCM từ sân bay Cát Bi sang sân bay Nội Bài (Hà Nội). Ngoài ra, một số chuyến bay khác cũng sẽ bị ảnh hưởng dây chuyền do lịch khai thác thay đổi. Hành khách trên các chuyến bay bị ảnh hưởng được hãng bay hỗ trợ theo quy định, có thể chuyển đổi miễn phí sang các chuyến bay khác.

Ngày 3-7, Bộ GTVT đã yêu cầu các đơn vị chủ động đối phó với diễn biến bão số 2. Theo đó, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng đảm bảo giao thông khi có sự cố sạt lở đất đá gây tắc đường. Cục Hàng hải Việt Nam, Cục Đường thủy nội địa chỉ đạo các cảng vụ kiểm tra, hướng dẫn tàu thuyền neo đậu, tránh trú, kiên quyết yêu cầu thuyền trưởng, chủ phương tiện di chuyển ra khỏi địa điểm không an toàn. Bộ GTVT cũng yêu cầu Đài Thông tin duyên hải cập nhật, thông báo kịp thời diễn biến, hướng di chuyển của bão số 2 cho các phương tiện đang hoạt động trên biển tránh không đi vào vùng nguy hiểm. Đặc biệt, sở GTVT các tỉnh từ Quảng Ngãi trở ra có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan đảm bảo an toàn đối với các bến đò dọc, đò ngang, không cho phép chủ đò, chủ thuyền chở người và phương tiện giao thông khi có lũ lớn, sóng to gió lớn.

 

Chiều 3-7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai đã ký công điện về phòng chống bão số 2. Phó Thủ tướng yêu cầu ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các bộ ngành, địa phương không được chủ quan, tổ chức theo dõi chặt chẽ diễn biến, chủ động triển khai các phương án ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”...

Cùng ngày, Bộ GD-ĐT đã gửi công điện tới ban chỉ đạo thi THPT quốc gia 2019 cấp tỉnh và sở GD-ĐT các tỉnh, thành phố khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ chỉ đạo đảm bảo an toàn khu vực chấm thi trước cơn bão số 2.     

P.V (Theo SGGP)
Bình luận
Back To Top