Giáo dụcKhoa học

Năm 2019, lỗ thủng tầng ozone nhỏ nhất trong ba thập kỷ

14:44 - Thứ Ba, 17/09/2019 Lượt xem: 6282 In bài viết

Các nhà khoa học cho biết, lỗ thủng tầng ozone ở Nam Cực năm nay nhỏ nhất trong ba thập kỷ qua. Các quan sát trong khí quyển chứng tỏ rằng lỗ thủng tầng ozone đã không mở rộng ra vào năm 2019 theo xu hướng thông thường.

Lỗ thủng tầng ozone năm nay được đánh dấu bằng màu xanh đậm, có kích thước nhỏ hơn và cách xa Nam Cực.

Dịch vụ giám sát khí quyển Copernicus của EU (CAMS) có trụ sở tại Anh cho biết, hiện tại lỗ thủng này chỉ còn dưới một nửa diện tích thường thấy vào giữa tháng 9. Lỗ hổng cũng nằm ngoài trung tâm và cách xa Nam Cực. Các chuyên gia của CAMS đang dự đoán sự thu hẹp lỗ hổng tầng ozone sẽ tiếp tục duy trì trong những ngày tới.

Ozone là một phân tử bao gồm ba nguyên tử oxy, có tác dụng lọc các bức xạ cực tím có hại từ mặt trời. Khí liên tục được tạo ra và phá hủy trong tầng bình lưu, cách trái đất khoảng 20-30km. Trong một bầu không khí không bị ô nhiễm, chu kỳ sản xuất và phân hủy này ở trạng thái cân bằng. Nhưng các hóa chất chứa clo và brom do hoạt động của con người thải ra đã làm mất cân bằng quá trình này, dẫn đến tầng ozone bị thủng ở mức cao nhất ở Nam Cực vào tháng 9, 10.

Nghị định thư Montreal được chính phủ các nước ký vào năm 1987 nhằm phục hồi tầng ozone bằng cách cấm sản xuất và sử dụng các hóa chất gây hại.

Theo số liệu đo được tuần vừa qua, ​​diện tích lỗ thủng chỉ còn hơn năm triệu km2. Trong khi thời điểm này năm ngoái đã vượt quá 20 triệu km2, còn năm 2017 là hơn 10 triệu km2. Nói cách khác, có dấu hiệu thay đổi theo chiều hướng tốt hơn từ năm này sang năm khác.

Tuy nhiên, Vincent-Henri Peuch, người đứng đầu tổ chức CAMS cho rằng kích thước lỗ hổng được thu nhỏ từ đầu năm đến nay là tín hiệu mừng, nhưng không nên tự mãn.

"Ngay bây giờ tôi nghĩ chúng ta nên xem đây là một sự bất thường thú vị. Chúng ta cần tìm hiểu thêm về nguyên nhân," ông nói.

Theo ông, nguyên nhân lỗ hổng tầng ozone được thu hẹp không thực sự liên quan đến Nghị định thư Montreal, vì nỗ lực giảm clo và brom trong khí quyển của chúng ta có tác dụng rõ rệt. “Mọi người rõ ràng sẽ đặt câu hỏi liên quan đến biến đổi khí hậu, nhưng chúng tôi chỉ đơn giản là không thể trả lời điều đó vào thời điểm này", ông nói.

"Điều rất quan trọng là duy trì các nỗ lực quốc tế để theo dõi sự phục hồi của tầng ozone theo thời gian và các sự kiện lỗ thủng tầng ozone hàng năm."

CAMS là một dịch vụ của EU do Trung tâm Dự báo thời tiết tầm trung châu Âu điều hành. Tổ chức này có quyền truy cập vào một loạt các quan sát từ không gian và mặt đất. Các nguồn dữ liệu chính bao gồm các vệ tinh thời tiết Metop châu Âu và tàu vũ trụ Sentinel-5P của EU. Bốn nền tảng đều mang cảm biến ozone và thường xuyên băng qua cực.

Theo đánh giá khoa học về sự suy giảm tầng ozone năm 2018 do WMO tài trợ, khoảng năm 2060, tầng ozone có thể phục hồi đến mức như trước năm 1970.

P.V (Theo Nhân dân)
Bình luận
Back To Top