Giáo dụcKhoa học

SARS-CoV-2 xuất hiện biến chủng, diễn biến bệnh vẫn phức tạp

15:30 - Thứ Ba, 14/07/2020 Lượt xem: 18071 In bài viết

Các nhà khoa học trên khắp thế giới vẫn đang ngày đêm đẩy mạnh nghiên cứu để giải mã bí ẩn của SARS-CoV-2 bởi diễn biến của căn bệnh do virus này gây ra vẫn rất phức tạp.

Ảnh minh họa.

Khả năng miễn dịch có thể biến mất sau vài tháng

Các bệnh nhân mắc COVID-19 có thể mất khả năng miễn dịch và đối mặt với nguy cơ tái nhiễm chỉ trong vòng vài tháng sau khi hồi phục. Đây là kết quả nghiên cứu đầu tiên về vấn đề này mới được các nhà khoa học Anh công bố.

Trong nghiên cứu do Trường King's College London thực hiện, các chuyên gia đã kiểm tra mức độ kháng thể trong cơ thể của hơn 90 bệnh nhân COVID-19 và đánh giá sự thay đổi của kháng thể theo thời gian. Các xét nghiệm máu chỉ ra ngay cả những bệnh nhân có các triệu chứng bệnh nhẹ cũng có phản ứng miễn dịch rất mạnh với SARS-CoV-2.

Trong nhóm bệnh nhân tham gia nghiên cứu, 60% có phản ứng mạnh với virus ngay trong những tuần đầu tiên bị nhiễm. Tuy nhiên, sau 3 tháng, chỉ còn khoảng 16,7% số này duy trì các kháng thể COVID-19 ở mức cao và sau 90 ngày, một số bệnh nhân thậm chí không còn đủ lượng kháng thể COVID-19 trong máu để có thể đo được.

Để chống lại những mối đe dọa từ bên ngoài, như một loại virus, cơ thể người sẽ huy động các tế bào để tìm và diệt thủ phạm gây nguy hiểm. Trong quá trình đó, cơ thể sản sinh ra một loại protein gọi là kháng thể, được lập trình để nhắm tới loại kháng nguyên đặc biệt mà cơ thể đang chiến đấu. Khi có đủ kháng thể, cơ thể người sẽ tránh được nguy cơ nhiễm lại cùng loại virus đó, gọi là sự miễn dịch. Nhưng nghiên cứu trên chỉ ra khả năng miễn dịch với virus SARS-CoV-2 không phải là điều luôn tồn tại và có thể mất đi chỉ sau vài tháng, giống như khả năng miễn dịch của cơ thể người với virus cúm.

Các chuyên gia cho rằng kết quả trên có thể làm thay đổi cách thức chuẩn bị cho giai đoạn dịch bệnh tiếp theo của chính phủ các nước, trong đó có kế hoạch phân bổ vốn và tổ chức nghiên cứu và phát triển vaccine ngừa COVID-19. Lawrence Young, Giáo sư chuyên ngành ung thư học phân tử tại Đại học Warwick, cho rằng đây là một nghiên cứu quan trọng mở ra quá trình xác định động lực lâu dài của phản ứng kháng thể với SARS-CoV-2.

Biến chủng mới của SARS-CoV-2 lây lan mạnh hơn chủng virus ở Vũ Hán

Các nhà khoa học đang theo dõi sát một biến chủng mới của virus SARS-CoV-2 gọi là D614G. Vì lý do nào đó nó đang lây lan nhanh trên toàn cầu, vượt qua chủng D ban đầu ở Vũ Hán.

Theo trang Live Science, biến chủng D614G (hay chủng G) của SARS-CoV-2 xuất hiện rải rác từ tháng 2/2020. Tuy nhiên, những tháng gần đây, các mẫu bệnh phẩm có sự hiện diện của nó ngày càng tăng trên khắp thế giới.

Hiện tượng này làm các nhà khoa học quan tâm. Họ chưa hiểu rõ chủng G với đột biến trên gai protein có làm nó dễ lây lan hơn so với chủng D vốn từng phổ biến ở Vũ Hán không, hay sự gia tăng nhanh chóng của nó chỉ là tình cờ.

Trong nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Cell đầu tháng này, một nhóm khoa học nhận định chủng G nổi lên sau quá trình chọn lọc tự nhiên, theo đó đột biến trên gai giúp virus dễ dàng xâm nhập tế bào hơn so với các chủng khác.

Một số thí nghiệm khác chưa công bố chính thức cũng tìm ra kết quả tương tự.

Trước ngày 1/3, hơn 90% mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân COVID-19 đều là chủng D. Nhưng từ đó về sau, chủng G bắt đầu nổi lên, chiếm đến 67% trong tháng 3, rồi tăng lên 78% từ ngày 1/4 đến ngày 18/5. Đây là giai đoạn tâm dịch COVID-19 chuyển từ Trung Quốc sang châu Âu và Mỹ.

Chủng G gây sự chú ý của giới khoa học vì chiếm lĩnh một số khu vực địa lý từng do chủng D thống trị, bà Bette Korber, nhà sinh học thuộc Phòng thí nghiệm quốc gia Los Alamos (New Mexico, Mỹ), tác giả công trình đăng trên tạp chí Cell, cho biết.

Bà Korber và các đồng nghiệp thuộc Đại học Duke và Viện Miễn dịch học La Jolla (Mỹ) so sánh khả năng nhân bản của chủng G và D trong phòng thí nghiệm, kết quả là chủng G xâm nhập tế bào gấp 2,6 - 9,3 lần so với chủng D.

Tuy nhiên, đây chưa phải kết luận cuối cùng. Một số nhà nghiên cứu cho rằng chủng G có thể nổi lên chỉ do tình cờ, ví dụ nó lọt vào một cộng đồng dân số có sự kết nối nhiều hơn, tạo ra nhiều sự kiện siêu lây nhiễm.

“Có rất nhiều yếu tố ảnh hưởng đến khả năng lây của virus, ví dụ khả năng rời cơ thể vật chủ, khả năng sống sót ở môi trường bên ngoài cho đến khi tìm được vật chủ mới...”, nhà dịch tễ Nathan Grubaugh của Đại học Yale (Mỹ) nhận xét.

Trong một diễn biến liên quan khác, Giám đốc Học viện Y khoa thuộc Đại học Hong Kong cho biết tại Hong Kong, chủng virus Corona đã xuất hiện biến thể, khả năng lây nhiễm tăng 31% so với trước đây.

Theo số liệu thống kê mới nhất, tốc độ lây truyền tức thời của các trường hợp mắc COVID-19 tại Hong Kong vượt quá mức 3 và gần 4, nghĩa là mỗi trường hợp mắc COVID-19 có thể lây truyền từ 3-4 người.

Ông cho biết thêm Vũ Hán, nơi bùng phát dịch bệnh đầu tiên, trước khi phong tỏa toàn thành phố hồi cuối tháng 1/2020 có tỷ lệ lây nhiễm tức thời từ 2,5-3 người.

P.V (Theo baochinhphu.vn)
Bình luận
Back To Top