Lạm dụng thuốc BVTV trong sản xuất nông nghiệp

00:00 - Thứ Tư, 07/01/2015 Lượt xem: 1397 In bài viết
ĐBP - Điện Biên có trên 80% dân số sống bằng nghề nông, chỉ tính riêng diện tích gieo cấy lúa nước hàng năm hơn 25.000ha (trong đó, sản xuất vụ mùa gần 17.000ha), chưa kể đến hàng trăm nghìn héc ta lúa nương và cây trồng khác. Vì thế nông dân đều tìm đến thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) để giải quyết vấn đề phòng trừ dịch hại, sâu bệnh, bảo vệ mùa màng. 

Tuy nhiên, chính tâm lý có bệnh là phun thuốc hoặc phun phòng bệnh cho “chắc ăn” của nông dân đã khiến tình trạng lạm dụng thuốc BVTV khá phổ biến, ảnh hưởng lớn đến chất lượng nông sản cũng như môi trường sống của người dân.

Chị Nguyễn Thị Loan, chủ Đại lý thuốc BVTV, phân bón Lại Loan tư vấn thuốc BVTV cho khách hàng.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, trung bình mỗi năm nông dân trong toàn tỉnh sử dụng khoảng 75 tấn thuốc BVTV. Trong đó, khoảng 30 tấn thuốc trừ sâu (chiếm 40%), 25 tấn thuốc trừ bệnh (chiếm 34%), 10 tấn thuốc trừ cỏ (chiếm 13%), còn lại 10 tấn là thuốc trừ các đối tượng khác (chiếm 13%). Mỗi vụ sản xuất, nông dân thường phun từ 4 - 6 lần thuốc BVTV (thuốc trừ cỏ, phun lá, phòng, trừ sâu bệnh...); sử dụng 0,6kg thuốc BVTV/ha/năm. Đó là đối với tình trạng cây trồng bình thường còn nếu sâu bệnh phát triển nhiều thì số lần phun thuốc BVTV của nông dân càng tăng lên.

Qua tìm hiểu thực tế việc sử dụng thuốc BVTV của nông dân còn nhiều bất cập, cụ thể là khi sử dụng chưa tuân thủ theo nguyên tắc “4 đúng” (đúng thuốc, đúng liều lượng nồng độ, đúng cách, đúng lúc) mà phần lớn chỉ mới chú trọng đến vấn đề hiệu quả sử dụng thuốc. Việc phối trộn nhiều loại thuốc trong một lần phun còn phổ biến theo “kinh nghiệm” mà không thực hiện theo khuyến cáo của nhà sản xuất và cơ quan chuyên môn. Thậm chí ở không ít thôn, bản, nông dân vẫn còn hiện tượng phun theo phong trào, nhiều diện tích chưa đến ngưỡng phòng trừ nhưng vẫn phun dẫn đến tình trạng lãng phí thuốc. Đây cũng là lý do khiến một số đối tượng dịch hại từ thứ yếu trở thành chủ yếu. Hiện tượng thuê phun thuốc trong sản xuất diễn ra khá phổ biến nên đôi khi người phun chưa chú ý đến việc cách pha thuốc, phun ẩu, phun cho xong dẫn đến hiệu quả phòng trừ không cao mà còn ảnh hưởng môi trường, sinh vật có ích và sức khỏe con người, trở thành nguồn gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh việc sử dụng chưa đúng quy định các loại thuốc BVTV là hiện tượng vỏ bao bì thuốc BVTV vứt bừa bãi trên cánh đồng, mương dẫn nước, nguy cơ gây ô nhiễm môi trường đất, nước, không khí và nhiễm độc nông sản.

Nói về hậu quả việc lạm dụng thuốc BVTV, ông Hoàng Ngọc Quân, Chi cục trưởng Chi cục BVTV tỉnh cho biết: Việc lạm dụng thuốc BVTV nhất là thuốc trừ cỏ sẽ làm cho đất chua, giữ phân bón kém dẫn đến cây trồng khó hấp thu dinh dưỡng khiến năng suất không đạt tối đa; tiêu diệt sinh vật có ích, tạo đà cho sinh vật có hại phát triển nên cây trồng dễ nhiễm sâu bệnh, sinh trưởng kém. Nguyên nhân của tình trạng còn bộ phận nông dân lạm dụng thuốc BVTV quá mức cần thiết là do bà con chưa quan tâm đến mặt trái của các loại thuốc này dẫn đến sử dụng tùy tiện, cho rằng càng phun liều lượng nặng so với hướng dẫn thì hiệu quả phòng trừ càng cao... Để giảm tình trạng sử dụng thuốc BVTV trong sản xuất, thời gian qua Chi cục BVTV tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho chủ hộ kinh doanh và nông dân; duy trì và phát triển hoạt động của các bảng tin, tủ thuốc BVTV tại cơ sở, giúp nông dân cập nhật thông tin kịp thời, xác định cụ thể thời gian, lựa chọn đúng loại thuốc BVTV để phòng trừ khi dịch hại xuất hiện... Từ đó nâng cao năng lực cho nông dân trong việc nhận biết, phát hiện sâu bệnh và biện pháp phòng trừ dịch hại tổng hợp; sử dụng thuốc BVTV an toàn hiệu quả. Đồng thời hướng dẫn ủ phân hữu cơ vi sinh, giới thiệu danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng trên địa bàn; phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các lớp huấn luyện quản lý dịch hại tổng hợp IPM cho nông dân; tuyên truyền, phổ biến kiến thức cho nông dân trong việc sử dụng thuốc BVTV theo nguyên tắc “4 đúng”; đồng thời xây dựng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp an toàn, như: canh tác cải tiến lúa SRI; “3 giảm, 3 tăng”; xây dựng các bể chứa thu gom bao gói thuốc BVTV trên các cánh đồng vùng lòng chảo Điện Biên hạn chế việc xả bao, vỏ thuốc BVTV bừa bãi... Đặc biệt công tác thanh, kiểm tra khâu sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc BVTV được tăng cường đối với các cơ sở, cửa hàng, đại lý kinh doanh thuốc BVTV: chứng chỉ hành nghề, điều kiện đảm bảo chất lượng cơ sở, địa điểm kinh doanh thuốc BVTV, kho chứa thuốc... Qua đó, góp phần nâng cao kiến thức, ý thức cho chủ kinh doanh mặt hàng này.

Chị Nguyễn Thị Loan, Chủ đại lý thuốc BVTV, phân bón Lại Loan, C17, xã Thanh Xương (huyện Điện Biên) - người có kinh nghiệm lâu năm trong kinh doanh các loại thuốc BVTV cho biết: Nếu chỉ vì lợi nhuận mà bán lấy số lượng, bán thu lời thì sẽ ảnh hưởng đến uy tín kinh doanh. Vì thế, khi bà con đến mua thuốc BVTV chúng tôi đều hỏi rõ biểu hiện bệnh và tư vấn, hướng dẫn sử dụng thuốc đúng cách, đúng chủng loại, đảm bảo liều lượng. Không ít trường hợp, bà con nói biểu hiện bệnh không rõ ràng tôi đều tư vấn cho họ đem cây trồng bị bệnh đến để kiểm tra cụ thể trước khi bán thuốc.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top