Chông chênh nghề trồng cánh kiến

00:00 - Thứ Sáu, 09/01/2015 Lượt xem: 2318 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Bao đời nay, người dân Huổi Lèng đã quen với việc thả cánh kiến đỏ từ tháng 9 năm trước đến tháng 5 năm sau thì bắt đầu thu hoạch. Dù là nghề phụ, nhưng nghề trồng cánh kiến đã trở thành công việc thân thuộc, gắn bó như một phần cuộc sống với người Huổi Lèng.

Trong rừng tự nhiên có đến 60 loài cây có thể chọn làm cây chủ như: Cọ phèn, sung, vỏ, nhãn, đậu thiều, táo... nhưng bao đời nay, người dân xã Huổi Lèng, huyện Mường Chà chỉ ưa chọn cây cọ khiết. Đây là cây phù hợp với điều kiện thổ thưỡng, sinh trưởng và phát triển tốt trên đất Huổi Lèng. Vì thế khắp các thôn, bản Huổi Lèng cũng đều có loại cây này. Xen giữa những mái nhà gỗ nhỏ bé, mặc thời tiết khắc nghiệt, cây cọ khiết vẫn vươn cao, tán xòe rộng như bàn tay che chở, ôm ấp bản làng. Có cây đã nhiều năm tuổi to lớn, thân và cành phủ màu trắng và cũng từng là nơi sinh trưởng, thu hoạch của biết bao mùa cánh kiến.

Ông Hạng Sáy Dua, Chủ tịch UBND xã Huổi Lèng hướng dẫn người dân cách thả cánh kiến.

Vừa đi thăm cánh kiến, ông Giàng Xá Thàng, thôn Huổi Toóng 2, xã Huổi Lèng cẩn thận ghi chép cụ thể thời gian cũng như hiện trạng sinh trưởng của từng khoảnh cọ khiết. Là người đã gắn bó với nghề 30 năm, ông Thàng chia sẻ: Nghề trồng cánh kiến không nhàn hạ, đơn giản như nhiều người vẫn tưởng, bởi đòi hỏi người trồng phải chăm chỉ, kiên trì trong suốt gần một năm từ khi thả kiến đến thời điểm cho thu hoạch. Kinh nghiệm của ông Thàng khi chọn giống là phải chọn những cành cây chủ có sâu cánh kiến định cư phát triển tốt, không bị nấm mốc, sâu bệnh. Cánh có nhựa dày, sáng màu và đã chín thành thục. Một tuần trước khi kiến nở là lúc tiến hành cắt kiến giống, đem buộc thả lên cây chủ, hoặc trải mỏng trong sọt tre thông thoáng, để nơi râm mát ít ngày, rồi đem buộc lên cây chủ. Công việc vất vả, nguy hiểm nhất đối với ông Thàng là thời điểm trước khi buộc thả giống phải trèo lên những cây cao tỉa cành, tạo tán sao cho càng nhiều cành bánh tẻ càng tốt. Trèo cây nhiều lần cũng thành quen nhưng cũng khó tránh khỏi những lần sơ sẩy mà có thể bị trượt chân ngã.

Vốn kinh nghiệm, kiến thức dày dặn như vậy nhưng nghề trồng cánh kiến với ông Thàng và nhiều người khác còn lắm chông chênh. Trước kia, Huổi Lèng từng được xem là vùng trọng điểm nuôi thả cánh kiến của tỉnh. Ngày ấy, cùng với Lâm trường Đặc sản Lai Châu, dự án nuôi thả cánh kiến trên địa bàn xã được triển khai, thực hiện. Lâm trường giao khoán cho người dân trồng, chăm sóc và thu hoạch một số diện tích cây cánh kiến. Đến khi thu hoạch, sản phẩm được thu mua và người dân có thu nhập dựa vào mức sản lượng. Nhưng ngày vui chẳng được bao lâu, Lâm trường Đặc sản Lai Châu giải thể, toàn bộ diện tích cây cánh kiến của Huổi Lèng phải chia đều cho người dân. Hàng nghìn héc ta cánh kiến đang ở độ trưởng thành không biết bán cho ai và bán ở đâu… Nhìn những cây cọ khiết bị chặt làm củi, lấy gỗ, ông Giàng Xá Thàng không khỏi xót xa. Nhiều người bỏ rừng cọ khiết, bỏ nghề trồng cánh kiến nhưng ông vẫn quyết tâm duy trì mô hình nhỏ với 3ha của mình, ông hi vọng một ngày tới, cây cánh kiến sẽ có giá trị trở lại.

Cùng với ông Giàng Xá Thàng, ông Mùa Dũ Cáng, bản Trung Dình 2, nguyên là công nhân Lâm trường Đặc sản Lai Châu cũng là người gắn bó lâu năm với nghề trồng cánh kiến. Nhiều khi nghĩ đến nghề, lòng ông cũng chông chênh vì không biết nên tiếp tục làm hay bỏ. Ông Cáng tâm sự: Để giữ nghề trồng cánh kiến, gia đình ông đã cố gắng duy trì 10ha. Nỗ lực giữ nghề nhưng có năm, diện tích cho thu hoạch chỉ hơn 50% tổng số cây nên ông và nhiều người trong gia đình cũng thấy nản lòng. Đã nhiều lần định bỏ mà không thành. Khi mùa thu đến, ông lại lội suối trèo đèo tìm đến các cây như để gặp lại người bạn tri kỉ. Trong thời vụ, bất chấp nguy hiểm, ông cùng các thành viên gia đình chèo lên những cây cao chặt tỉa cành đảm bảo độ quang hợp để cánh kiến sinh trưởng và phát triển, hạn chế các loại ký sinh phá hoại. Không phụ lòng người, mấy năm gần đây, thương lái ngoại tỉnh về bản thu mua, giá cánh kiến cũng tăng cao. Bình quân mỗi năm, gia đình ông Cáng thu hoạch được trên 1 tấn sản phẩm cánh kiến tươi, thu về khoảng 100 triệu đồng.

Trở về trụ sở UBND xã với nhiều suy tư về câu chuyện giữ rừng cọ khiết, giữ nghề trồng cánh kiến, chúng tôi gặp ông Hạng Sáy Dua, Chủ tịch UBND xã Huổi Lèng. Ông Hạng Sáy Dua vui mừng cho biết: Xã Huổi Lèng hiện có hơn 350ha cây chủ thả cánh kiến đỏ, tập trung nhiều nhất ở các bản: Huổi Toóng 1, 2, Trung Dình và Huổi Lèng, mật độ trung bình từ 400 - 500 cây/ha. Nếu chăm sóc tốt, thời tiết thuận lợi thì mỗi cây cọ khiết thu được khoảng 13kg sản phẩm cánh kiến tươi, cây to có thể thu được 30kg. 3 năm trở lại đây, giá sản phẩm bất ngờ tăng từ 100.000-120.000 đồng/kg cánh kiến tươi, 200.000-250.000 đồng/kg khô… Ngần ấy thông tin cũng đủ để thắp lên niềm hy vọng, dù còn chông chênh nhưng Huổi Lèng sẽ vẫn có những người gắn bó với cây cọ khiết, với nghề trồng cánh kiến như một phần cuộc sống của họ.

Mai Phương
Bình luận
Back To Top