Sản xuất lúa thuần trên đất mới khai hoang

00:00 - Thứ Sáu, 16/01/2015 Lượt xem: 1161 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Nhằm tạo điều kiện cho người dân bản Pa Pốm, xã Thanh Minh (TP. Điện Biên Phủ) có kiến thức, kỹ năng sản xuất thâm canh lúa ruộng, vụ mùa vừa qua, Phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ phối hợp với UBND xã Thanh Minh triển khai thí điểm mô hình “sản xuất lúa thuần trên đất mới khai hoang”. Kết quả thực hiện mô hình khả quan khi năng suất đạt 42 tạ/ha, mở hướng thâm canh cho người dân trên địa bàn.

Mô hình sản xuất lúa thuần trên đất mới khai hoang được triển khai từ tháng 6 năm 2014, với 4 hộ dân tham gia trên diện tích 0,6ha. Tham gia mô hình, người dân được hỗ trợ 100% giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật. Phòng Kinh tế thành phố tổ chức tập huấn, chuyển giao KHKT từ khâu làm đất, xử lý, ngâm ủ thóc giống, gieo cấy, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh trên cây lúa; đồng thời, cử cán bộ cắm địa bàn hướng dẫn bà con theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển của cây lúa.

Chị Bùi Thị Dừa, cán bộ kỹ thuật Phòng Kinh tế TP. Điện Biên Phủ cho biết: Pa Pốm là bản đặc biệt khó khăn của xã Thanh Minh, với 35 hộ, 100% là dân tộc Mông. Bà con chủ yếu sản xuất trên nương, tuy nhiên một phần diện tích nương của bà con chuyển sang trồng cao su, số còn lại bạc màu vì qua nhiều năm canh tác. Từ năm 2011 đến nay, thành phố đã đầu tư xây dựng gần 1km kênh mương dẫn nước và hỗ trợ 7 triệu đồng/ha khai hoang để khuyến khích bà con mở rộng diện tích lúa ruộng. Song do đã quen tập quán sản xuất trên nương nên kỹ thuật thâm canh lúa ruộng của người dân còn hạn chế. Những ngày đầu thực hiện, bà con chưa nắm được kỹ thuật, thiếu sự đầu tư và thời gian chăm sóc nên năng suất và sản lượng không cao. Trước thực trạng đó, Phòng Kinh tế thành phố phối hợp với chính quyền xã Thanh Minh xây dựng mô hình sản xuất lúa thuần trên đất mới khai hoang nhằm giúp người dân nắm vững quy trình sản xuất, tăng sản lượng lương thực.

Cùng cán bộ khuyến nông xã Thanh Minh vượt qua con đường lầy lội do trận mưa cuối mùa, chúng tôi tới thăm hộ chị Vàng Thị Lầu, bản Pa Pốm. Gia đình chị có gần 3.000m2 ruộng mới khai hoang đưa vào sản xuất lúa theo mô hình mới. Qua câu chuyện được biết, vụ mùa vừa qua, chị Lầu thu được 40 bao thóc (tương đương 1,2 – 1,5 tấn). Chỉ tay vào đống thóc xếp gọn gàng ở góc nhà, chị Lầu vui vẻ cho biết: “Ngày xưa làm lúa nương chưa bao giờ gia đình tôi thu được nhiều thóc như thế này. Từ ngày được Nhà nước hỗ trợ kinh phí khai hoang, cán bộ khuyến nông xã, thành phố hướng dẫn, tôi đã nắm được quy trình kỹ thuật sản xuất lúa nước. Từ năm nay, gia đình tôi sẽ bỏ làm nương, tập trung khai hoang thêm diện tích để sản xuất lúa nước tăng sản lượng lương thực”. Cùng suy nghĩ như chị Lầu, anh Vàng A Phía, bản Pa Pốm cho biết: Sản xuất lúa nước cho năng suất gấp 3 lần lúa nương. Nhà tôi tham gia mô hình với diện tích 2.000m2 mà cũng thu được tới 30 bao thóc. Anh Phía kể: Ngày xưa do thiếu nước, không am hiểu sản xuất lúa nước nên mới làm nương. Giờ được Nhà nước đầu tư kênh mương, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nên tôi tập trung khai hoang làm lúa nước. Tuy những thửa ruộng của gia đình ở cuối kênh, nước dẫn về ruộng chậm nhưng tôi sẽ huy động nhân lực của gia đình thường xuyên thăm ruộng, khơi thông, nạo vét kênh mương để cây lúa đủ nước phát triển. Vụ đông xuân này, gia đình tôi khai hoang thêm 3.000m2 nữa. Nếu thời tiết thuận lợi chắc số thóc thu hoạch được sẽ nhiều gấp đôi vụ mùa vừa rồi.

Chị Quàng Thị Úi, cán bộ khuyến nông xã Thanh Minh cho biết: Hiệu quả của mô hình “sản xuất lúa thuần trên đất mới khai hoang” làm thay đổi mạnh mẽ tư duy sản xuất của bà con bản Pa Pốm. Bà con đã bỏ dần tập quán lạc hậu hướng tới áp dụng KHKT vào sản xuất, nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Trong những năm tới, chúng tôi sẽ tích cực tuyên truyền, vận động người dân khai hoang để sản xuất, thâm canh lúa nước lên 2 vụ/năm. Với hệ thống kênh mương đã được đầu tư có thể đảm bảo nước cho 18ha lúa 2 vụ. Nếu khai hoang được chừng ấy diện tích thì trong tương lai không xa người dân Pa Pốm sẽ không còn đói nghèo.

Phạm Trung
Bình luận
Back To Top