Cơ giới hóa nông nghiệp và những băn khoăn

00:00 - Chủ Nhật, 18/01/2015 Lượt xem: 1403 In bài viết
Normal 0 false false false false EN-US X-NONE X-NONE /* Style Definitions */ table.MsoNormalTable {mso-style-name:"Table Normal"; mso-tstyle-rowband-size:0; mso-tstyle-colband-size:0; mso-style-noshow:yes; mso-style-priority:99; mso-style-parent:""; mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt; mso-para-margin:0cm; mso-para-margin-bottom:.0001pt; mso-pagination:widow-orphan; font-size:10.0pt; font-family:"Calibri","sans-serif"; mso-bidi-font-family:"Times New Roman";} ĐBP - Năm 2010, theo Chương trình 135, xã Nậm Kè, huyện Mường Nhé được cấp 4 chiếc máy cày với tổng giá trị khoảng 100 triệu đồng. Qua nghiên cứu điều kiện thực tế tại địa phương, chính quyền huyện, xã đã thống nhất giao cho 2 bản: Phiêng Vai và Nậm Kè mỗi bản 2 chiếc máy, người dân sẽ chia theo tổ, luân phiên sử dụng. Được biết, đây là 2 bản có diện tích lúa nước lớn và địa hình bằng phẳng nhất trên toàn xã, phù hợp để những chiếc máy cày này phát huy tối đa tác dụng.

Lúc mới được cấp máy, người dân 2 bản khá hồ hởi và phấn khởi, bởi đây là lần đầu tiên họ được thấy, sử dụng máy móc trên cánh đồng của miền đất xa xôi này. Tuy nhiên, niềm vui không kéo dài được lâu, những chiếc máy "kiểu mẫu" này nhanh chóng hỏng và bị bỏ xó.

Đội mưa dẫn chúng tôi đến nơi để máy cày hỏng ở trung tâm bản Phiêng Vai, anh Vàng Văn Vui kể: Tôi không nhớ gia đình có được sử dụng 2 chiếc máy cày lần nào không nữa, chỉ biết khi nhắc đến máy cày được cấp là tôi đã thấy nó đang nằm ở đây trong tình trạng “sắt vụn” rồi. Theo quan sát của chúng tôi, chiếc máy cày bị chia làm 2 mảnh nằm trên bãi đất trống, mưa gió đã làm han gỉ đến mức khó có thể hình dung được hình dáng ban đầu. Anh Vui cho biết thêm: Chiếc máy còn lại cũng đang trong tình trạng tương tự, được đặt ở cuối bản. 

Chiếc máy cày Nhà nước cấp cho bản Phiêng Vai, xã Nậm Kè (Mường Nhé) giờ chỉ như khối “sắt vụn”.

Khi được hỏi về quá trình sử dụng và nguyên nhân dẫn đến sự hỏng hóc của 2 chiếc máy cày, ông Vàng Văn Thích, trưởng bản Phiêng Vai cho biết: Máy được giao cho bản quản lý, sử dụng nhưng nhanh chóng bị hỏng chỉ sau 2 lần làm việc. Theo đánh giá của ông Thích, chất lượng của máy thấp, đặc biệt là bộ phận động cơ rất yếu. Bản cũng đã đề nghị đóng góp sửa chữa nhưng thực tế việc này không dễ bởi nhiều nguyên nhân... Sau khi 2 chiếc máy cày được cấp hỏng, do nhận thấy lợi ích của việc cơ giới hóa sản xuất và diện tích khai hoang trồng lúa nước của bản được mở rộng, một số hộ trong bản đã tự đầu tư mua 3 chiếc máy cày mới để vừa sử dụng cho gia đình vừa làm dịch vụ. Sau câu chuyện, ông Vàng Văn Thích hỏi chúng tôi: "2 chiếc máy hỏng kia, bản có được bán thanh lý không?" mà chúng tôi không biết nói cách nào!

Trao đổi với phóng viên về thực trạng máy móc nông nghiệp được Nhà nước cấp nhưng sử dụng không hiệu quả, gây lãng phí, ông Lò Văn Sung, Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ tịch UBND xã Nậm Kè cho biết: Tình trạng máy móc nông nghiệp được cấp nhưng trong quá trình sử dụng bị hỏng là thực tế trên địa bàn xã. Không chỉ riêng bản Phiêng Vai mà cả bản Nậm Kè, 2 chiếc máy cày được cấp cũng đã hỏng và bị bỏ xó. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến máy hỏng, nhưng cơ bản nhất là do người dân chưa quen với việc sử dụng, chưa có phương pháp thao tác, vận hành và xử lý hỏng hóc. Khi máy hỏng rồi thì bị đặt vào tình trạng "cha chung không ai khóc", máy móc để lâu không sử dụng cũng hỏng chứ chưa nói hỏng rồi mà không sửa thì chỉ còn là phế liệu mà thôi!

Xã Nậm Kè hiện nay có hơn 160ha lúa nước, năm 2014, năng suất trung bình đạt 50 tạ/ha. Diện tích ruộng nước được khai hoang ngày càng mở rộng, riêng trong năm vừa qua trên địa bàn xã đã khai hoang được 24ha. Nhu cầu máy móc phục vụ sản xuất cũng cao lên. Trừ các bản vùng cao, đất nương chiếm phần lớn trong cơ cấu đất trồng cây lương thực như Huổi Khon 1, 2... thì việc đầu tư máy móc là chưa phù hợp. Vừa qua, Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện Mường Nhé đã tặng mỗi bản 2 con bò để làm sức kéo. Nhân dân nhiều bản đang rất sốt sắng đề nghị được cấp máy để phục vụ sản xuất, cụ thể như bản: Huổi Thanh, Huổi Hốc. Tuy nhiên, do nguồn kinh phí chưa có, chính quyền xã và nhân dân các bản này vẫn phải chờ.

Việc nâng cao cơ giới hóa nông nghiệp không chỉ nằm trong những lộ trình, kế hoạch mang tầm vĩ mô của Nhà nước mà nó còn tác động trực tiếp đến đời sống sản xuất hàng ngày của người dân, góp phần làm tăng năng suất, sản lượng cây trồng, nâng cao đời sống. Nhưng, việc đồng bộ hóa cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói chung và huyện Mường Nhé nói riêng vẫn gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do đồng ruộng manh mún, phương thức canh tác không đồng bộ, địa hình chia cắt, không bằng phẳng gây khó khăn trong việc di chuyển nội đồng và làm việc trên thực địa, đặc biệt ở khâu thu hoạch dẫn tới hiệu suất thấp, tăng chi phí nhân công, nhiên liệu, sửa chữa và bảo dưỡng... Bên cạnh đó, trình độ của người dân trong tiếp cận, ứng dụng thiết bị, công nghệ không đồng đều, ảnh hưởng đến chất lượng, tuổi thọ máy móc.

Để tháo gỡ vấn đề này, cần tiếp tục bổ sung, hoàn thiện các chính sách thúc đẩy ứng dụng cơ giới hoá trong sản xuất, quan tâm mở các lớp tập huấn về bảo trì, sử dụng các loại máy nông nghiệp nhằm đảm bảo hoạt động hiệu quả. Một số tỉnh đã tiến hành lồng ghép đào tạo sửa chữa máy móc, vật tư nông nghiệp trong Đề án 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã mang lại những kết quả khả quan. Dù đã có những bước tiến quan trọng nhưng để thực hiện được các mục tiêu trong nông nghiệp hoặc xa hơn đối với địa bàn vùng cao như tỉnh ta, cần thay đổi được tư duy canh tác từ chính những người trực tiếp lao động sản xuất.

Đức Duy
Bình luận
Back To Top