Khó thu hút đầu tư trong nông nghiệp

00:00 - Thứ Năm, 02/04/2015 Lượt xem: 1525 In bài viết
ĐBP - Là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế trong lĩnh vực phát triển kinh tế nông nghiệp, song thời gian qua việc thu hút các nhà đầu tư vào lĩnh vực trên ở tỉnh ta gặp không ít khó khăn; ngay cả khi chính sách thu hút nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được đánh giá là khá hấp dẫn bằng Nghị định 210 của Chính phủ...

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Sáng, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thực tế cho thấy không chỉ sản phẩm gạo mà ngay cả cà phê Mường Ảng hay chè Tủa Chùa đều là sản phẩm hàng hóa có “thương hiệu” được khá nhiều người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng. Tuy nhiên, khâu sản xuất, chế biến những sản phẩm này gặp nhiều khó khăn, nhất là khâu tiêu thụ sản phẩm. Nguyên nhân chủ yếu là do chưa có doanh nghiệp mạnh, có tiềm lực về tài chính đầu tư nhà máy, cơ sở chế biến sản phẩm và liên kết với nông dân sản xuất. Khó thu hút doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực sản xuất chế biến nông, lâm sản khiến việc tìm đầu ra cho nông sản của người nông dân luôn là bài toán khó. Với mong muốn tìm thị trường tiêu thụ sản phẩm gạo Điện Biên, giúp nông dân tiếp cận KHKT sản xuất hàng hóa tập trung và nâng cao giá trị gạo Điện Biên, gần 4 năm trước, UBND tỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Xây dựng và Thương mại Sông Cầu thực hiện dự án đầu tư xây dựng Nhà máy chế biến gạo Điện Biên chất lượng cao. Từng ấy năm được cấp giấy chứng nhận đầu tư, ì ạch triển khai thực hiện, đến thời điểm này giá trị đầu tư cho dự án đạt khoảng 5 tỷ đồng, hoàn thành giải phóng mặt bằng xây dựng nhà máy, quây móng tường bao... Trong khi đợi dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, đến thời điểm này, người nông dân làm ra hạt gạo cũng chỉ tiêu thụ sản phẩm qua “kênh” nhỏ lẻ, tự phát và phụ thuộc vào tiểu thương.

Thị trường tiêu thụ sản phẩm cà phê Mường Ảng còn bấp bênh. Trong ảnh: Sơ chế cà phê tại Doanh nghiệp Đại Bách Mường Ảng.

Ông Nguyễn Quang Sáng khẳng định: Nghị định 210 của Chính phủ ban hành ngày 19/12/2013 về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn là cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp. Nghị định này cơ bản tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho các nhà đầu tư trong lĩnh vực này so với trước đây bởi việc cụ thể hóa từng chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp, như: ưu đãi về đất đai, hỗ trợ về đầu tư… Đơn cử, nhà đầu tư có dự án đầu tư nhà máy hoặc cơ sở bảo quản, chế biến nông - lâm  - thủy sản; cơ sở sản xuất sản phẩm phụ trợ; chế tạo thiết bị để bảo quản chế biến nông, lâm, thủy sản được ngân sách Nhà nước hỗ trợ không quá 60% chi phí và tổng mức hỗ trợ không quá 5 tỷ đồng/dự án để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án. Hỗ trợ không quá 70% chi phí xử lý chất thải cho các nhà máy chế biến nông, lâm, thủy sản quy mô lớn, đã đầu tư, sử dụng nhiều lao động; hỗ trợ chi phí vận chuyển sản phẩm với mức 1.500 đồng/tấn/km (khối lượng vận chuyển được tính theo công suất thực tế nhà máy, hỗ trợ 1 lần ngay sau khi hoàn thành đầu tư, thời gian hỗ trợ là 5 năm… Chính sách khuyến khích của Nhà nước đối với các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn rất rõ ràng, cụ thể, song trên thực tế chưa mấy doanh nghiệp mặn mà. Bởi theo nhận định của phần lớn các doanh nghiệp, khi đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn lợi nhuận ít hơn so với các lĩnh vực khác, lại phụ thuộc vào nhiều yếu tố thời tiết, thiên tai. Trong khi đó đã là doanh nghiệp thì lợi nhuận luôn là yếu tố hàng đầu quyết định cho việc đầu tư hay không?

Tín hiệu đáng mừng cho việc thu hút đầu tư trong lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh ta, đó là vừa qua Dự án tổ chức phát triển đầu tư trại chăn nuôi lợn giống siêu nạc với quy mô 10ha trên địa bàn huyện Điện Biên do Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Việt – Trung thực hiện được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư. Tổng kinh phí thực hiện dự án hơn 24 tỷ đồng, xây dựng trại giống sản xuất giống có quy mô 1.200 con lợn nái sinh sản, 35 con đực giống. Sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, dự án sẽ góp phần tạo bước chuyển quan trọng thay đổi tập quán chăn nuôi lợn theo hướng hàng hóa theo hướng liên kết với doanh nghiệp. Theo đó, người dân được tiếp cận KHKT trong chăn nuôi lợn siêu nạc từ việc doanh nghiệp cung cấp con giống, thức ăn và đảm nhiệm luôn khâu bao tiêu sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Bằng, Giám đốc Công ty TNHH Thức ăn chăn nuôi Việt – Trung cho biết: Với sự tạo điều kiện của tỉnh và các sở, ngành, địa phương liên quan, dự án triển khai khá thuận lợi. Chắc chắn rằng trong thời gian tới sau khi dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, Công ty sẽ xúc tiến đầu tư đưa nhà máy sớm đi vào hoạt động, góp phần cải thiện chất lượng nguồn thực phẩm, liên kết với người dân từ khâu sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm, góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi chất lượng cao.

Bài, ảnh: Gia Kiệt
Bình luận
Back To Top