Làm giàu từ cây mắc ca:

Không đơn giản như người ta nghĩ

00:00 - Thứ Sáu, 03/04/2015 Lượt xem: 1867 In bài viết
ĐBP - Gần đây, các phương tiện thông tin liên tục đưa tin phản ánh, bình luận về một loài cây công nghiệp được ca tụng là “cây tỷ đô”, đó là cây mắc ca. Đây là giống cây có xuất xứ từ đất nước Australia với những giá trị dinh dưỡng vượt trội, hạt mắc ca được xếp vị trí đầu bảng trong các loại hạt. Vỏ của quả mắc ca được dùng làm chất đốt, phân bón, chất bồi. Nhân hạt mắc ca dùng trong chế biến bơ, làm bánh kẹo, kem, dầu chiết xuất từ nhân hạt mắc ca được dùng trong nhiều ngành công nghiệp, làm thức ăn chăn nuôi và dầu ăn.... Cây mắc ca “ngon” như vậy nhưng liệu có dễ “ăn”!

Chăm sóc cây mắc ca giống tại vườn ươm mắc ca xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ.

Khó ngay từ khâu tạo giống

Sáng 2/4, tại khu vườn ươm mắc ca ở xã Tà Lèng, TP. Điện Biên Phủ thuộc Công ty cổ phần Macadamia Điện Biên có gần chục nhân viên vườn ươm đang tưới, ghép cành cho cây mắc ca gần 1 năm tuổi. Ông Phạm Duy Thành, Phó Giám đốc công ty cho biết: Công ty bắt đầu làm về cây mắc ca từ năm 2012, lúc đầu chưa thể tự sản xuất giống nên phải nhập từ trại giống Ba Vì, Hà Nội. Hiện nay, đơn vị có 2 vườn ươm có diện tích hơn 5ha với tổng số khoảng 200.000 cây mắc ca giống đầu tiên, dự kiến mỗi năm có thể xuất khoảng 50.000 cây. Quy trình sản xuất giống là tìm nguồn hạt đủ tiêu chuẩn để ươm hạt cây thực sinh, khi cây con được gần một năm tuổi sẽ tiến hành ghép cây giống với cành những cây trưởng thành đã ra quả. Phải ghép cành mới mong cây có quả, không thì cây sẽ cho năng suất thấp thậm chí không ra quả. Hàng năm, công ty đều mời chuyên gia về mắc ca từ Australia sang để hướng dẫn kỹ thuật. Tỷ lệ cây sống sau khi ghép cành hiện nay khoảng 70%.

Điện Biên được đánh giá rất phù hợp để trồng cây mắc ca bởi khí hậu lạnh khô, đáp ứng yếu tố tiên quyết cho mỗi cây mắc ca đậu được quả là khi ra hoa dịp cuối tháng chạp hàng năm trời phải lạnh và không có mưa phùn. Chỉ ra vạt đồi đang trồng thử nghiệm cây mắc ca đầu dòng 3 năm tuổi đang ra quả bói, mỗi cây đều treo biển tên mã giống riêng, ông Thành cho biết thêm: Cây mắc ca có nhiều giống khác nhau, trên một diện tích trồng mắc ca nên chọn trồng từ 2 đến 3 giống khác nhau để cây có thể thụ phấn chéo khi ra hoa, giúp tăng năng suất, sản lượng. Khâu chọn giống để trồng rất quan trọng. Mỗi loại giống có đặc điểm khác nhau về tính trạng, ví dụ như năng suất, chất lượng, kháng hạn, kháng bệnh… Chính vì thế chọn giống cho phù hợp không phải là chuyện dễ. Nếu chọn giống không đúng cho địa phương trồng thì năng suất sẽ thấp và cho ra hạt mắc ca nhỏ. Nói chung nhiệt độ và ánh sáng rất quan trọng để cho cây tổng hợp diệp lục tố và phát triển. Vừa qua, công ty đã phân phối thử nghiệm hơn 100 cây mắc ca giống cho người dân xã Tà Lèng. Có nhiều hộ đến hỏi mua thêm nhưng công ty không bán bởi cây giống chưa đủ tiêu chuẩn kỹ thuật, yếu tố thời tiết thời điểm này (tháng 4) cũng không đáp ứng được cho việc gieo trồng.

Triển vọng xa…

Điện Biên là một tỉnh còn nghèo, việc trồng cây gì, nuôi con gì sao cho phù hợp trên địa bàn để phát triển kinh tế vẫn là bài toán khó với cấp ủy chính quyền địa phương. Chính vì vậy mà khi có thông tin về giá trị vượt trội của cây mắc ca nhiều nông dân địa phương đã chủ động tìm giống về trồng với bao nhiêu hi vọng. Hiện toàn tỉnh có gần 25.000 cây mắc ca được trồng tại TP. Điện Biên Phủ và các huyện: Điện Biên, Tuần Giáo, Mường Ảng cơ bản sinh trưởng tốt, chịu rét và khô hạn tốt hơn một số loại cây trồng khác tại địa phương như cà phê, nhãn, vải.. Tuy nhiên, công tác quản lý nguồn giống cây mắc ca đã trồng trên địa bàn tỉnh chưa được kiểm tra, giám sát theo quy định quản lý giống cây trồng, đây là điều cần nghiêm túc rút kinh nghiệm cho kế hoạch trồng mới. 

Bà Mai Hương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Mắc ca được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đưa vào danh mục cây trồng rừng và định hướng chỉ đạo quy hoạch tại 8 tỉnh có điều kiện phù hợp, trong đó có Điện Biên. Vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng ban Chỉ đạo Tây Bắc đã đồng ý về nguyên tắc xây dựng đề tài khoa học "Phát triển cây mắc ca ở vùng Tây Bắc" để phát triển cây mắc ca ở vùng Tây Bắc đạt hiệu quả. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có quy hoạch chính thức từ Trung ương nên tỉnh vẫn phải chờ. Việc quản lý nguồn giống thuộc trách nhiệm của Sở nhưng có một số hộ dân khi nghe được thông tin về lợi ích của “cây tỷ đô” đã tự ý mua từ những nguồn phân phối không chính thức, đây là một sự đầu tư rất mạo hiểm. Một số ít cây mắc ca trồng đã cho quả nhưng chất lượng hạt, lượng tinh dầu, giá trị dinh dưỡng… vẫn chưa được kiểm nghiệm, đánh giá chính thức, chủ yếu các hộ trồng bán hạt nhỏ lẻ dưới hình thức phơi khô làm món ăn giống như hạt điều khô, hạt dẻ. Xa hơn nữa, cho dù năng suất thu hoạch mắc ca trong tương lai có cao nhưng yếu tố “đầu ra” cho sản phẩm, quản lý giá, xây dựng đầu mối chế biến cũng là yếu tố quan trọng. Tránh tình trạng như cà phê, cao su hiện chúng ta chỉ biết tạo ra nguyên liệu thô mà chưa thể khai thác được tận gốc giá trị thúc đẩy phát triển kinh tế tại tỉnh ta.

Phạm Dương
Bình luận
Back To Top