Thực trạng cây dứa ở huyện Mường Chà:

Thiếu quy hoạch cụ thể

00:00 - Thứ Sáu, 10/04/2015 Lượt xem: 1919 In bài viết
ĐBP - Từ năm 2012 ở Mường Chà rộ lên phong trào trồng dứa. Nhờ cây dứa, nhiều hộ thoát nghèo. Thế nhưng, việc người dân đua nhau trồng dứa ở Mường Chà đã và đang đặt ra những câu hỏi cần quan tâm giải quyết. Đó chính là vấn đề, làm gì để trồng dứa đem lại hiệu quả bền vững, đồng thời phù hợp với quy hoạch cây trồng tại địa phương?

Vụ dứa năm 2015, toàn huyện Mường Chà có 37ha, tập trung tại 3 xã: Na Sang, Sa Lông và Huổi Lèng (chưa kể diện tích rải rác ở nhiều xã khác). Hiện bà con đã thu hoạch được khoảng hơn 30ha; năng suất ước đạt 78 tạ/ha, tổng sản lượng toàn huyện đạt 249 tấn. Với giá bán trung bình từ 8.000 - 10.000 đồng/quả như hiện nay, thì 1ha có thể cho thu nhập trên 40 triệu đồng. Đây là nguồn thu lớn với người trồng dứa nói riêng và người làm nông nghiệp trên địa bàn huyện nói chung. Nhờ nguồn thu ấy nhiều hộ đã thoát nghèo. Điển hình như, gia đình anh Giàng Siêu Chỉnh, Lý A Khai, bản Na Sang; Thào A Sấu, bản Co Đứa (xã Na Sang).

Nhờ trồng dứa, nhiều hộ dân Mường Chà đã thoát nghèo. Ảnh:  Văn Tâm

Tuy nhiên, theo tìm hiểu tại cơ sở phóng viên ghi nhận, việc trồng dứa ở Mường Chà vẫn chỉ do người dân tự trồng chứ về phía cơ quan chuyên môn, huyện Mường Chà chưa có kế hoạch, quy hoạch và mục tiêu phát triển cụ thể. Chính vì vậy, nên chính quyền địa phương chưa có giải pháp, chính sách hỗ trợ về vật tư, hướng dẫn kỹ thuật để cây dứa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Do đó, chất lượng quả dứa, kích thước, trọng lượng, màu sắc và hương vị chưa cao. Điều này khiến sức mua trên thị trường giảm, bà con buộc phải hạ giá thành để tiêu thụ.

Anh Vàng A Pó, Phó Chủ tịch UBND xã Na Sang - xã có diện tích trồng dứa lớn nhất huyện, cho biết: Nếu được sự quan tâm của các cấp, ngành, có đơn vị trung gian tạo đầu mối liên kết sản xuất trồng và tiêu thụ thì chắc chắn cây dứa sẽ cho hiệu quả cao hơn, trở thành một loại cây xóa đói giảm nghèo chủ lực cho người dân địa phương.

Với những thông tin có được từ cơ sở chúng tôi nhận thấy, điều anh Vàng A Pó vừa nói không phải không có lý. Minh chứng là trường hợp của anh Lý A Cao, bản Háng Lìa, xã Sa Lông. Thấy người dân trong bản trồng dứa hiệu quả, đầu năm 2014 gia đình anh Cao đã chuyển hơn 1.000m2 đất trồng lúa nương sang trồng dứa với suy nghĩ, người khác trồng được thì mình cũng trồng được. Nhưng thực tế điều anh Cao nghĩ lại chỉ đúng một nửa bởi đó chỉ là “trồng dứa dễ” nhưng tiêu thụ dứa lại không đơn giản chút nào. Để bán được dứa, anh Cao và nhiều hộ khác chỉ có một cách là chở về thành phố bán từ sáng đến chiều, bán đến khi nào hết dứa thì về.

Không có nguồn tiêu thụ ổn định nên nhiều nông dân xã Na Sang tự xoay xở bằng cách bán lẻ dứa ở ven đường hoặc tại chợ thành phố. Ảnh: Thu Phương

Cũng cùng suy nghĩ như anh Cao nên ở Mường Chà người ta đua nhau trồng dứa. Chính vì thế đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu, thương lái tha hồ ép giá. Anh Vàng A Trầu, bản Na Sang, xã Na Sang tâm sự: Đầu năm 2012, giá dứa dao động từ 10.000 - 15.000 đồng/quả, lúc đó còn ít hộ trồng nên không có dứa mà bán. Thấy giá cao, hàng trăm hộ thi nhau mở rộng diện tích. Vì vậy nên mùa dứa năm nay, giá dứa chỉ còn từ 5.000 - 10.000 đồng/quả (tùy vào quả to, nhỏ). Giá như vậy chỉ đủ tiền giống và phân bón, còn tiền công trồng, chăm sóc, thu hoạch xem như không có. Không chỉ hạ giá bán so với mọi năm, mà chất lượng dứa năm nay cũng giảm so với năm ngoái. Phản ánh của người dân và cả người trồng, dứa năm nay hơi chua, quả nhỏ hơn năm ngoái do ở đâu người dân cũng trồng mà không hề quan tâm chất đất, thời tiết nơi đó có phù hợp hay không.

Trao đổi với bà Vũ Thị Xuyến, cán bộ chuyên trách Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện được biết, Mường Chà có chủ trương khuyến khích các hộ dân mở rộng diện tích đất trồng dứa với mục tiêu năm 2015 có 40ha dứa. Tuy nhiên, vấn đề đầu ra cho sản phẩm thì huyện lại chưa có giải pháp gì để hỗ trợ nông dân nên chắc chắn là người trồng dứa phải tự xoay xở trong thời gian dài dài...

Để cây dứa thực sự trở thành cây xóa đói giảm nghèo bền vững cần có quy hoạch phát triển cụ thể. Mong rằng sẽ có sự phối hợp, định hướng, quản lý, quy hoạch hợp lý, kịp thời của các cơ quan chức năng để bài học về cây chuối tiêu hồng hay cam Mường Pồn (xã Mường Pồn, huyện Điện Biên)... trước đây không xảy ra với cây dứa ở Mường Chà.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top