Dịch vụ rút tiền ATM cuối năm:

Để không còn là nỗi lo

00:00 - Thứ Hai, 04/01/2016 Lượt xem: 2071 In bài viết
ĐBP - Chỉ còn hơn một tháng nữa là đến tết Nguyên đán Bính Thân, đây cũng là thời gian cao điểm của việc trả tiền lương, thưởng cho người lao động qua thẻ ATM trên địa bàn tỉnh. Mặc dù các ngân hàng đã triển khai nhiều phương án nâng cao chất lượng phục vụ của hệ thống rút tiền ATM, nhưng đến thời điểm này, có máy ATM vẫn gặp sự cố, gây không ít phiền hà, rắc rối cho khách hàng.

Trong những năm gần đây, việc trả lương qua thẻ ATM đã trở nên phổ biến. Song một thực tế phải thừa nhận là đến tháng cuối năm và thời điểm giáp tết Âm lịch, nhiều người đã ngán ngẩm cảnh xếp hàng chờ rút tiền. Hầu như năm nào cũng có tình trạng người dân bức xúc vì chuyện máy ATM lỗi, hết tiền. Anh Nguyễn Văn Sáu, phường Thanh Bình, T.P Điện Biên Phủ bức xúc: Mặc dù còn chưa đến tết nhưng lượng giao dịch ở các máy ATM đã tăng lên đáng kể. Có lần tôi phải đợi gần một tiếng đồng hồ mới đến lượt mình, dù lúc đó chưa đến giờ tan tầm.

Khách hàng sử dụng thẻ ATM không nên tập trung rút tiền cùng một thời điểm, tránh tắc nghẽn, xếp hàng nhiều giờ.

Cuối năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định 96/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014 quy định mức phạt từ 10-15 triệu đồng đối với hành vi không báo cáo Ngân hàng Nhà nước và không thông báo cho khách hàng trong trường hợp máy ATM ngừng hoạt động quá 24 giờ; không giám sát mức tồn quỹ tại ATM, không bảo đảm máy ATM phải có tiền để đáp ứng nhu cầu rút tiền của khách hàng theo quy định... Ngân hàng Nhà nước cũng đã yêu cầu các ngân hàng bảo đảm hoạt động của hệ thống ATM thông suốt, tiếp quỹ đầy đủ kịp thời. Nghị định ra đời được kỳ vọng sẽ nâng cao chất lượng dịch vụ giao dịch tự động của hệ thống ngân hàng. Cơ chế, chế tài đảm bảo tiền luôn có sẵn trong các máy ATM cũng là một động thái tích cực từ phía Nhà nước để bảo đảm quyền lợi cho người dân. Tuy nhiên, không ít người cho rằng ngoài quy định phạt tiền được xem là mới này thì tất cả các giải pháp khác đều đã cũ. Quy định xử phạt ngân hàng nếu để máy ATM hết tiền là hoàn toàn đúng đắn. Nhưng để quy định mang lại hiệu quả thì cần có thêm cơ chế thắt chặt hơn. Còn việc xác định thời điểm máy ATM hết tiền hay bị lỗi để tính giờ là điều hết sức khó khăn hoặc có nhiều cây ATM hết tiền nhưng lại báo lỗi do thao tác người rút thì không thể nào xác định được.

Như thường lệ, người dân thường tập trung vào những ngày cuối năm tiền để sắm Tết, về quê, nên lượng giao dịch thường tăng gấp 2-3 lần ngày thường. Lượng giao dịch qua thẻ ATM cũng tăng từ 15-20% nên bị tắc nghẽn là điều không thể tránh khỏi. Các cây ATM cũng là thiết bị công nghệ nên đôi khi cũng xảy ra lỗi thiết bị, lỗi đường truyền (bị đứt, gián đoạn)... hoặc lỗi do hệ thống cung cấp điện không đảm bảo, điện hay bị cắt... Trên địa bàn tỉnh ta có rất nhiều ngân hàng, mỗi ngân hàng đều có các cây ATM phục vụ khách hàng. Trong đó, điển hình là Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Điện Biên... Theo lãnh đạo các ngân hàng, cơ bản các cây ATM trên địa bàn đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Ông Nguyễn Minh Đượng, Trưởng phòng Dịch vụ - Maketting (Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, chi nhánh Điện Biên) cho biết: Thời điểm hiện tại ngân hàng có 9 máy ATM và đã phát hành hơn 70 nghìn thẻ ATM. Số lượng POS cũng được phát triển đạt tới 25 máy (thiết bị chấp nhận thanh toán bằng thẻ) góp phần giảm bớt áp lực cho hệ thống ATM của ngân hàng. Tuy nhiên, do thói quen sử dụng tiền mặt của người dân còn phổ biến, cho nên các giao dịch qua ATM chủ yếu vẫn là giao dịch rút tiền mặt, mặc dù tỷ lệ giao dịch rút tiền mặt qua ATM đã giảm so với các năm trước nhưng vẫn chiếm gần 80% tổng số giao dịch qua ATM. Theo ông Đượng, trung bình mỗi cây ATM chỉ xếp khoảng 800 triệu đồng tiền mặt nhưng vào những ngày trả tiền lương, thưởng, nhất là dịp cuối năm thì ngân hàng đã bổ sung lượng tiền mỗi cây hơn 1 tỷ đồng. Nhưng chỉ từ sáng đến trưa là đã phải tiếp thêm tiền. Có ngày phải tiếp quỹ đến 2 hoặc 3 lần cho các máy ATM. Ông Nguyễn Minh Đượng cũng khẳng định, với hệ thống mạng lưới ATM hiện nay, trong những ngày bình thường là đáp ứng được nhu cầu của khách hàng sử dụng ATM. Tuy nhiên, vào dịp lễ, tết, do tính chất thời vụ, các doanh nghiệp, đơn vị dồn dập chi trả tiền lương, tiền công, tiền thưởng cho cán bộ, người lao động trong cùng khoảng thời gian ngắn nên lượng người tới rút tiền mặt tại các cây ATM thường tăng đột biến, gây quá tải cục bộ tại một số máy ATM. 

Còn Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Điện Biên đến thời điểm hiện tại đã phát hành trên 18 nghìn thẻ, với 7 máy ATM phục vụ khách hàng. Tuy nhiên, theo ông Phạm Minh Phương, Trưởng phòng Kế hoạch - Tổng hợp của chi nhánh với 7 máy ATM sẽ luôn đảm bảo thông suốt phục vụ khách hàng ngày thường lẫn những ngày lễ, tết. Hiện tại đơn vị đã có kế hoạch phục vụ tết để khách hàng yên tâm không lo hết tiền, tắc nghẽn máy. Với lượng phát hành thẻ như vậy thì thời gian tới đơn vị cũng không có phương án xin lắp đặt thêm máy ATM. Bởi chi phí lắp đặt một máy ATM rất tốn kém, đó là chưa nói đến hoạt động có hiệu quả hay không. Đơn cử máy ATM tại Bản Phủ, xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên từ khi lắp đặt đến nay hoạt động kém hiệu quả và đang có nguy cơ bị thu lại và chuyển đi tỉnh khác. Vì mỗi ngày cây ATM này hoạt động chưa được 100 giao dịch, nhưng theo tuần suất hoạt động thì trung bình mỗi cây phải đạt 200 lượt giao dịch/ngày mới đạt kế hoạch.

Để khách hàng yên tâm vào dịch vụ rút tiền từ các máy ATM và giảm thiểu trục trặc, các ngân hàng đã lên phương án “ứng cứu” cho hệ thống ATM dịp cận Tết. Nhiều giải pháp cũng được triển khai nhằm bảo đảm hoạt động của hệ thống ATM thông suốt, như tiếp quỹ đầy đủ và kịp thời, chủ động lập kế hoạch tăng cường các biện pháp phục vụ chi trả lương, thực hiện chi trả lương bằng tiền mặt cho doanh nghiệp... Đồng thời, qua hệ thống tin nhắn thông báo tình trạng tiền và số dư còn lại hay sự cố của máy ATM, Ban lãnh đạo các ngân hàng cũng chủ động hơn trong việc tiếp quỹ cho máy ATM. Cũng theo ông Phương, các chủ thẻ nếu chưa quá gấp rút nên tránh các khung giờ cao điểm như khoảng 17-19 giờ hàng ngày khi thực hiện các giao dịch, đặc biệt là rút tiền trên ATM. Bên cạnh đó, kinh nghiệm từ những năm trước đây cho thấy thời gian từ ngày 25 đến ngày 28 tháng Chạp âm lịch là thời gian cao điểm tại các ATM, chủ thẻ cần có dự trù trước, tránh thực hiện giao dịch trên ATM vào thời điểm này.

Văn Tâm
Bình luận
Back To Top