Giá xăng dầu và cước vận tải: Vì sao vẫn "lên nhanh - xuống chậm"?

00:00 - Thứ Tư, 06/01/2016 Lượt xem: 1641 In bài viết
Giá xăng dầu đã đồng loạt giảm giá từ chiều 4-1,tiếp nối xu hướng giảm giá trong nhiều tháng qua. Đây là điều kiện thuận lợi cho việc giữ bình ổn chỉ số giá tiêu dùng, đồng thời có lợi cho các hoạt động dịch vụ vận tải. Tuy nhiên, đại bộ phận doanh nghiệp (DN) vận tải dường như đã quen “cố thủ”, không chịu giảm giá cước.

Người tiêu dùng vẫn chịu thiệt thòi khi giá xăng dầu giảm nhưng giá cước vận tải không giảm.

Không thể giảm giá vì... phí cầu đường

Theo quyết định của liên bộ Công thương - Tài chính, giá xăng RON sẽ giảm 373 đồng/lít về mức giá không quá 16.032 đồng/lít; giá xăng sinh học (E5) giảm 571 đồng/lít, về mức tối đa 15.339 đồng/lít; giá dầu diesel giảm 865 đồng/lít, về mức giá tối đa 11.119 đồng/lít. Đây là lần thứ sáu liên tiếp giá xăng được điều chỉnh giảm. Như vậy, kể từ giữa tháng 6-2015 đến đợt điều chỉnh này, xăng RON 92 đã giảm giá 11 lần, tổng cộng khoảng 4.245 đồng/lít. 6 lần giảm giá gần đây, tổng mức giảm đã hơn 2.000 đồng/lít. Xét về nguyên tắc, giá nhiên liệu bán lẻ luôn là yếu tố quyết định việc hình thành giá cước vận tải nói chung, theo hướng tăng hoặc giảm tỷ lệ thuận với giá nhiên liệu. Đơn cử, trong tháng 12-2015, chỉ số giá nhóm dịch vụ giao thông đã giảm 1,57% so với tháng trước và là nhóm có mức giảm sâu nhất, dưới tác động của việc giảm giá xăng.

Không phải đến lần giảm giá xăng dầu này, dư luận mới đề cập đến chuyện cước vận tải "lên nhanh xuống chậm", mà dường như, các DN đã quá quen với việc không chịu điều chỉnh giá cước phù hợp với quy luật thị trường. Về việc DN chậm giảm giá cước, dù Bộ Tài chính, Bộ GT-VT đã có văn bản yêu cầu điều chỉnh, đại diện nhiều DN cho rằng, không thể cứ xăng dầu giảm giá là bắt DN giảm cước theo, trong khi sự ổn định của giá xăng dầu không cao. Bên cạnh đó, từ năm 2014 đến nay, hầu hết DN vận tải liên tỉnh không tăng giá vé, trong khi phí đường bộ đã tăng khá nhiều. Ngoài ra, chi phí cầu đường tăng cao cũng đang gây nhiều khó khăn cho DN, đặc biệt là DN vận tải khách liên tỉnh.

Theo ông Bùi Danh Liên, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội, trong cơ cấu giá thành vận tải khách liên tỉnh, xăng dầu hiện chiếm 40% và phí đường bộ chiếm 40%. Do đó, DN vận tải rất khó giảm cước. Một xe khách giường nằm chạy tuyến Hà Nội - Hà Tĩnh, trung bình mỗi tháng tốn 16-17 triệu đồng phí cầu đường. Xe khách 45 chỗ chạy tuyến Hà Nội - Thái Bình mỗi năm phí cầu đường bộ lên đến 90 triệu đồng. DN vận tải khách liên tỉnh rất khó giảm giá vé do phí đường bộ liên tục tăng.

Nhiều DN taxi khi được hỏi lại cho rằng, mức giảm nhiên liệu hiện vẫn chưa đến ngưỡng để giảm giá cước và tiếp tục đổ lỗi cho bất cập trong việc phải đến các cơ quan chức năng thực hiện điều chỉnh đồng hồ cước, niêm phong kẹp chì rất mất thời gian và tốn kém chi phí, trong khi giá nhiên liệu lên xuống thất thường. Ông Nguyễn Anh Quân, Giám đốc Công ty Taxi Thành Công cho rằng, không thể cứ 15 ngày, DN lại điều chỉnh cước theo chu kỳ điều hành giá xăng dầu. Hầu hết DN taxi tính cước theo phương án: Giá xăng dao động từ 15.000-18.000 đồng/lít thì giữ nguyên, giá xăng giảm dưới 15.000 đồng/lít hoặc trên 18.000 đồng/lít thì mới có phương án giảm hoặc tăng.

Phải có chuẩn mực ứng xử văn minh

Ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam thừa nhận, bên cạnh nhiều DN làm ăn tử tế, điều chỉnh cước phù hợp, vẫn còn không ít DN không chịu giảm cước trong thời gian dài. Hiệp hội đề nghị chấn chỉnh những DN chây ì, thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng biết và lựa chọn DN làm ăn tử tế. Tuy nhiên, theo nhận định của nhiều hành khách, lời kêu gọi "là một khách hàng thông minh" và tẩy chay DN không chịu giảm giá cước chẳng khác gì đánh đố người dân, bởi DN giảm thì ít, DN "cố thủ" thì nhiều.

Chiều 5-1, đại diện Ban Giá, Sở Tài chính Hà Nội cho biết, trong ngày, đơn vị đã tổ chức đoàn thanh tra việc chấp hành pháp luật về giá đối với một DN vận tải tại quận Hà Đông (Hà Nội). Ngày 7-1, Sở sẽ tiếp tục thanh tra một DN kinh doanh taxi. Theo Sở Tài chính Hà Nội, sau khi giá xăng, dầu giảm liên tiếp, Sở đã có công văn yêu cầu các DN vận tải, DN kinh doanh taxi rà soát lại chi phí, giảm giá cước phù hợp với diễn biến giảm giá xăng dầu.

Trước câu hỏi của Báo Hànộimới về việc, cơ quan quản lý giá sẽ làm gì nếu các DN vận tải, taxi không giảm cước, ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng, đại diện Sở Tài chính Hà Nội cho biết: Theo quy định tại Nghị định 109/2003/NĐ-CP, nếu DN chậm giảm giá 5 ngày so với quy định sẽ bị xử phạt hành chính từ 5-8 triệu đồng. Tuy nhiên, mức phạt này quá nhẹ, không đủ sức răn đe. Sở Tài chính Hà Nội đã kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền sửa đổi quy định này cho phù hợp với thực tế. Sau khi kiểm tra, Sở sẽ tổng hợp báo cáo kê khai giá cước của các DN để có biện pháp xử lý nghiêm đơn vị vi phạm.

Người tiêu dùng vẫn chờ câu trả lời cho những câu hỏi như: Bao giờ mới chấm dứt điệp khúc "tăng nhanh - giảm chậm"? Mức giảm cước dịch vụ có đúng với tỷ lệ giảm giá nhiên liệu đầu vào mà các hãng vận tải được hưởng hay không? Đây dường như là bức xúc thường trực, cần được giải thích từ phía DN vận tải một cách kịp thời. Mặt khác, tìm lời giải để dung hòa nghĩa vụ và quyền lợi của các bên liên quan chính là điều kiện tiên quyết, tạo lập sự minh bạch, công bằng, tiến tới xây dựng chuẩn mực, cách ứng xử văn minh thương mại khi hội nhập. Dự báo giá xăng còn ẩn chứa yếu tố phức tạp, có thể giảm sâu, nên càng đòi hỏi sớm có sự công bằng trong quan hệ mua - bán dịch vụ vận tải. 

Bình luận
Back To Top