Chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá

00:00 - Thứ Năm, 07/01/2016 Lượt xem: 2385 In bài viết
Tỷ giá thay đổi thường có những tác động nhất định tới doanh nghiệp (DN), nhất là các DN xuất nhập khẩu. Quyết định thay đổi căn bản phương thức điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt hơn của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) được đánh giá là phù hợp với xu hướng hội nhập, nhưng cũng buộc các DN phải chủ động và năng động hơn để có thể vừa tránh rủi ro vừa tận dụng được lợi thế linh hoạt của chính sách này.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng TMCP phát triển nhà TP Hồ Chí Minh (HD Bank).

Thị trường đón nhận tích cực

Sau ba ngày NHNN chính thức áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá mới, tỷ giá trung tâm được công bố đã có sự biến động hằng ngày. Cụ thể, sau khi tăng 17 đồng/USD so với mức tỷ giá bình quân liên ngân hàng vẫn áp dụng suốt bốn tháng trước, ngày hôm sau (5-1) tỷ giá trung tâm được công bố lại tăng tiếp 11 đồng/USD, áp dụng ở mức 21.907 đồng/USD, và mức giá này tiếp tục được NHNN giữ nguyên áp dụng cho ngày 6-1. Biến động theo tỷ giá trung tâm, tỷ giá tại các ngân hàng thương mại (NHTM) cũng được điều chỉnh tăng, giảm hằng ngày. Theo đó, sau khi có đợt điều chỉnh giảm mạnh từ 30 đến 35 đồng/USD ngày 5-1 so với ngày đầu áp dụng cơ chế mới (4-1), cuối giờ chiều 6-1, các NHTM lại tăng nhẹ giá USD ở cả hai chiều mua - bán. Đến 16 giờ, hai ngân hàng Vietcombank và VietinBank cùng niêm yết tỷ giá tại mức 22.240 - 22.510 đồng/USD (mua-bán), tăng 5 đồng/USD so với cuối ngày hôm trước.

Dù tỷ giá có sự biến động như vậy, nhưng theo đánh giá của một số lãnh đạo NHTM, thị trường lại không có nhiều thay đổi, giao dịch ngoại tệ vẫn diễn ra bình thường. Trên thực tế, ngay trong ngày đầu áp dụng cơ chế mới, ở góc độ NHTM, Tổng Giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ nhận định, tâm lý thị trường đón nhận tích cực, lượng ngoại tệ giao dịch thông suốt, thanh khoản tốt, tỷ giá trong biên độ NHNN quản lý, thấp hơn khá lớn so với mức trần quy định. "Trong thời gian qua, các tổ chức tín dụng (TCTD) đã được truyền thông khá kịp thời về cơ chế này. Ghi nhận từ phản ánh của khách hàng cũng cho thấy, khách hàng hết sức phấn khởi khi cơ chế mới tạo ra sự linh hoạt cần thiết cho các DN, đồng thời tránh tâm lý ỷ lại của một số DN vào cơ chế có tính cố định, thiếu sự linh hoạt cần thiết. Rõ ràng với cơ chế này, các DN sẽ rất chủ động trong việc quyết định các hoạt động kinh doanh liên quan ngoại tệ của mình" - ông Thọ nhấn mạnh.

Theo Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) Bùi Quốc Dũng, kể từ khi NHNN phát đi thông tin sẽ điều hành tỷ giá theo cơ chế mới cũng như cách thức thực hiện thị trường phái sinh cho các TCTD, những ngày qua thị trường có diễn biến tích cực. Trước đây giao dịch kỳ hạn giữa các TCTD với khách hàng thường xuyên dưới 10 triệu USD/ngày trên toàn thị trường, thì những ngày gần đây con số này lên tới 200 triệu USD/ngày. DN cũng sử dụng nhiều hơn công cụ phái sinh, giúp bảo hiểm tỷ giá tốt hơn cho DN.

Tăng tính nhạy bén của DN

Có thể nói, DN là đối tượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất của chính sách tỷ giá, nhất là các DN xuất nhập khẩu. Theo ý kiến của một số DN, bên cạnh những DN bình tĩnh, chủ động đón nhận và sẵn sàng với những phương án, công cụ phòng ngừa rủi ro của tỷ giá, có không ít DN bày tỏ tâm lý lo lắng, băn khoăn. Giám đốc Công ty cổ phần Chế biến xuất nhập khẩu thủy sản tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (Baseafood) Trần Văn Dũng chia sẻ: Hầu hết các đơn hàng của công ty với đối tác nước ngoài đều được ký trước đó từ vài tháng đến cả năm và đều sử dụng USD để thanh toán. Do đó, biến động tỷ giá luôn ảnh hưởng trực tiếp và rất lớn đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty. Thông thường, khi tỷ giá tăng, DN xuất khẩu sẽ được lợi và ngược lại. "Qua theo dõi diễn biến của thị trường ngoại hối những ngày qua, biên độ biến động của tỷ giá hằng ngày không quá lớn, cho thấy tỷ giá được điều chỉnh linh hoạt nhưng vẫn tương đối ổn định, chưa tạo ra nhiều rủi ro đối với DN" - ông Dũng cho biết. Tuy nhiên, hầu hết DN trong nước đã quen với sự ổn định tương đối của tỷ giá như cách mà NHNN áp dụng trước đây, cho nên khi tỷ giá biến động hằng ngày theo cơ chế mới đòi hỏi DN phải nhanh nhạy nắm bắt diễn biến thị trường, chủ động trong điều hành sản xuất, kinh doanh, thương thảo hợp đồng với đối tác trong và ngoài nước.

Trong khi đó, Giám đốc Công ty TNHH Mạnh Hà (tại Bà Rịa - Vũng Tàu) Bùi Tiến Sơn cho biết, khi tỷ giá được điều hành theo cơ chế mới, DN sẽ phát sinh thêm nhiều chi phí quản lý; đặc biệt chi phí quản lý rủi ro sẽ cao hơn và như vậy, rất có thể, lợi nhuận sẽ không như mong muốn. "Chưa kể sắp tới, NHNN sẽ hạn chế cho DN vay ngoại tệ theo tinh thần của Thông tư 24/2015/TT-NHNN khiến các DN gặp rất nhiều khó khăn. Hiện lợi nhuận của DN xuất khẩu thủy sản chỉ chiếm từ 2 đến 4% tổng doanh thu. Một số ngành “nóng” như xuất khẩu tôm, bạch tuộc..., cũng chỉ đạt 7%, tính trung bình khoảng gần 4%. Do vậy, biến động tỷ giá và chi phí vốn tăng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động xuất nhập khẩu của DN” - ông Sơn băn khoăn.

Cùng chung tâm lý lo ngại, ông Trần Tiến, Phó Giám đốc Công ty sản xuất thương mại - xuất khẩu HACA (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, DN chưa kịp chuẩn bị cho sự thay đổi này. Đến nay, mặc dù cơ chế điều hành tỷ giá mới chưa có tác động trực tiếp, ảnh hưởng tới DN nhưng trong tương lai, liệu dòng vốn USD có chảy ra nước ngoài nơi có lãi suất tiền gửi cao hơn?

Không bất ngờ với sự thay đổi của cơ chế điều hành tỷ giá mới, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Vinamit (TP Hồ Chí Minh) Nguyễn Lâm Viên lại cho rằng, đây là tín hiệu tốt, thể hiện đúng bản chất của nền kinh tế thị trường. Việc áp dụng cơ chế điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt hằng ngày, tương tự thị trường chứng khoán, cho thấy Việt Nam đã thật sự tham gia vào sân chơi tài chính của khu vực và thế giới. "Tuy vậy, NHNN để biên độ dao động khá lớn. Nếu DN có giao dịch với khối lượng tiền USD lớn đúng ở thời điểm tuột 3% thì thiệt hại sẽ rất lớn. Vì vậy, để bảo đảm DN ít thiệt hại nhất theo cơ chế này, DN sẽ chủ động chờ giao dịch có biên độ tăng cao mới bán USD cho ngân hàng. Tuy nhiên, DN cũng phải chủ động nguồn tiền đồng Việt Nam để giải quyết những vấn đề chi thường xuyên, chi sản xuất. Hiện tại, DN vẫn đang cập nhật và thường xuyên theo dõi tỷ giá ngân hàng, dần dần sẽ thích nghi theo cơ chế mới để ổn định sản xuất, xuất khẩu hàng hóa ra thị trường quốc tế" - ông Viên chia sẻ.

Theo Nhân dân
Bình luận
Back To Top