Đảm bảo không tắc nghẽn máy ATM trong dịp cao điểm

00:00 - Thứ Sáu, 08/01/2016 Lượt xem: 2255 In bài viết
ĐBP - Thông thường lượng khách giao dịch qua máy ATM vào thời điểm chi lương, dịp cuối năm, nhất là dịp lễ, tết sẽ tăng cao, nhưng theo hầu hết các ngân hàng có máy ATM lắp đặt trên địa bàn tỉnh thì tình trạng thiếu tiền mặt, quá tải, tắc nghẽn máy ATM là khó xảy ra.

Ngoài lý do khách quan là cường độ sử dụng máy ATM trên địa bàn tỉnh chưa đến mức quá tải như ở một số thành phố lớn hay các khu công nghiệp, thì nguyên nhân chủ quan là nhờ các ngân hàng đã thực hiện hiệu quả các giải pháp phòng, chống tắc nghẽn hệ thống máy ATM.

Khách hàng rút tiền tại điểm rút tiền ATM của Agribank chi nhánh Điện Biên.

Với 9 máy ATM lắp đặt ở các địa bàn: TP. Điện Biên Phủ (5 máy), huyện Điện Biên (2 máy), Mường Ảng và Tuần Giáo (mỗi huyện 1 máy), Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) chi nhánh Điện Biên là ngân hàng có số lượng máy ATM nhiều nhất trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê, năm 2015, trung bình mỗi tháng, 1 máy ATM của Agribank chi nhánh Điện Biên có trên 5.800 lượt giao dịch với lượng tiền giao dịch gần 19 tỷ đồng. Tính đến thời điểm này, Agribank chi nhánh Điện Biên có khoảng 400 đơn vị trả lương qua tài khoản và gần 71.000 thẻ được phát hành. Ông Nguyễn Minh Đượng, Trưởng phòng Dịch vụ marketing, Agribank chi nhánh Điện Biên cho biết: Trong thời gian cận tết, dự đoán lượng khách hàng có thể tăng đột biến, nên chúng tôi đã triển khai hướng dẫn từ rất sớm tới từng đơn vị quản lý ATM phải thường xuyên kiểm tra thiết bị, đảm bảo các cây ATM không hết tiền, hết nhật ký giao dịch. Bên cạnh đó, Agribank chi nhánh Điện Biên cũng chuẩn bị lượng tiền khá lớn, với nhiều mệnh giá khác nhau, thông qua phần mềm quản lý cùng màn hình theo dõi để chủ động tiếp quỹ khi máy sắp hết tiền và xử lý khi máy ATM gặp sự cố. Hiện nay, đơn vị đã đăng ký với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam bổ sung thêm 9 máy ATM, trong đó 2 máy trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, số còn lại lắp đặt tại các huyện, phấn đấu mỗi huyện, thị xã được trang bị ít nhất 1 máy ATM trở lên. Từ đó, nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống ATM.

Ngân hàng Thương mại cổ phần Đầu tư và Phát triển (BIDV) chi nhánh Điện Biên hiện có 7 máy ATM đang hoạt động được lắp đặt trên địa bàn TP. Điện Biên Phủ, huyện Điện Biên và có gần 20.000 thẻ phát hành. Để bảo đảm hoạt động ATM phục vụ thông suốt, ngoài việc luôn sẵn sàng tiếp quỹ mỗi khi lượng tiền trong máy ATM chạm ngưỡng hạn mức tối thiểu cho phép, BIDV chi nhánh Điện Biên chủ động phân công cán bộ chuyên trách trực hệ thống 24/7, đảm bảo xử lý nhanh chóng các vấn đề về kỹ thuật cũng như nghiệp vụ, hỗ trợ khách hàng một cách tốt nhất. Trong trường hợp xảy ra sự cố nuốt thẻ, máy không nhả tiền… khách hàng có thể gọi đến dịch vụ đường dây nóng hoặc số điện thoại hỗ trợ của các cán bộ kỹ thuật được lưu tại mỗi điểm rút tiền. Ngoài ra, tại các điểm giao dịch ATM của ngân hàng đều có dán danh sách các điểm ATM gần nhất để khách hàng có thể quyết định tiếp tục chờ hoặc đến rút ở các điểm gần đó. Ông Phạm Hồng Tuấn, Tổ trưởng Tổ Phát triển dịch vụ, BIDV chi nhánh Điện Biên cho biết: Một trong những biện pháp phòng, ngừa, giảm thiểu tắc nghẽn ATM đang được đơn vị áp dụng là triển khai  dịch vụ POS (chấp nhận thanh toán thẻ), việc khách hàng dùng thẻ ATM để thanh toán trực tiếp tại quầy hàng có máy POS (thiết bị chấp nhận thẻ) sẽ phần nào giảm thiểu tình trạng quá tải tại các điểm ATM, đồng thời tăng sự thuận tiện cho khách hàng mỗi khi sử dụng thẻ để thanh toán. Đến thời điểm này, BIDV chi nhánh Điện Biên đã lắp đặt gần 30 chiếc POS tại một số siêu thị, nhà hàng, khách sạn và cửa hàng kinh doanh lớn trên địa bàn tỉnh.

Chị Nguyễn Thanh Hường, tổ dân phố 6, phường Thanh Bình chia sẻ: Đơn vị nơi tôi công tác thực hiện trả lương qua thẻ nên tôi cũng thường xuyên đi rút tiền vào dịp cao điểm chi lương, tuy không đến mức ùn tắc nhưng việc chờ rút tiền sau 3, 4 người là điều không tránh khỏi. Bởi vậy, để không phải chờ lâu, tôi thường tranh thủ đi rút tiền lúc rảnh rỗi trong buổi làm việc, đồng thời tính toán cân đối lượng tiền chi tiêu để tránh phải đi rút nhiều lần.

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có trên 20 máy ATM đang hoạt động, ngoài của Agribank chi nhánh Điện Biên, BIDV chi nhánh Điện Biên, còn của một số chi nhánh ngân hàng khác như Ngân hàng Công thương, Ngân hàng Liên Việt. Nhìn chung, các máy ATM đều hoạt động tốt, hầu hết chưa để xảy ra tình trạng tắc nghẽn, quá tải, kể cả những dịp cao điểm. Điều đó cho thấy các giải pháp phòng, chống tình trạng tắc nghẽn, quá tải máy ATM của các ngân hàng được thực hiện khá hiệu quả. Bên cạnh đó, ngoài những giải pháp mà các ngân hàng đang thực hiện, mỗi khách hàng cũng có thể lựa chọn cho mình nhiều giải pháp khác như trong trường hợp khách hàng muốn rút tiền với số lượng lớn có thể đến các chi nhánh hoặc phòng giao dịch của ngân hàng thực hiện rút tiền 1 lần thay vì phải rút nhiều lần tại ATM, vừa nhanh hơn, đồng thời sẽ tạo điều kiện cho các khách hàng khác sử dụng ATM. Hay với việc đẩy mạnh kết nối liên thông ATM như hiện nay, phần lớn các máy ATM của các ngân hàng đều được kết nối với nhau. Như vậy, chủ thẻ sẽ có thêm lựa chọn khi rút tiền từ máy ATM của ngân hàng khác với mức phí phổ biến hiện nay là 3.300 đồng/giao dịch. Việc này cũng có thể giải quyết được tình trạng mọi người phải chờ nhau rút tiền tại 1 máy ATM vào giờ cao điểm.

Bài, ảnh: Đức Huy
Bình luận
Back To Top